Chuyện ở phố

GN - Phố chật kín người. Đường chật kín xe. Không khí cũng chất đầy khói bụi. Tôi ở phố đã nhiều năm nhưng rửa mãi vẫn chưa sạch gót chân lấm bùn, vẫn đau đáu nhớ mùi quê cũ.

Phố khang trang, lộng lẫy. Phố ồn ào, náo nhiệt. Phố tất bật, vội vã. Và phố xa lạ. Những khuôn mặt người xa lạ với những giọng nói xa lạ.

Tôi cố tập quen và thích nghi dần với cuộc sống ở phố. Cứ ngỡ phố sẽ đối đãi với kẻ chẳng yêu thương mình bằng sự ghét bỏ. Nhưng không, tôi đã lầm!

Giống như trên chuyến xe buýt nọ, khi tôi đứng dậy nhường chỗ cho một chị đang bồng đứa con gái nhỏ, thì một thanh niên ngồi ở băng sau cũng tự động đứng lên và nhường ghế ngược trở lại cho tôi. Lòng tốt là đây chứ đâu! Dù có thể mọi người cho đó là lối ứng xử văn minh của người ở phố. Nhưng tôi nghĩ, đó vẫn xuất phát từ lòng tốt.

gocpho.jpg


Một góc phố bình yên giữa Hà Nội - Ảnh minh họa VNE

Giống như một buổi chiều, bắt gặp một bé gái đen nhẻm đang đứng ở ngã tư đường chìa ra những tờ vé số “ế”. Tôi nhìn đồng hồ, đã quá giờ xổ số năm phút. Xe tôi chưa kịp tiến đến chỗ em vì hàng dài xe đứng chờ đèn đỏ đang chắn ngang phía trước, một chú đã tấp xe vào và mua hết chỗ vé ấy giúp em. Bất giác tôi mỉm cười, trộm nghĩ, phố cũng ấm áp tình người, đâu có khô cằn như tôi vẫn tưởng.

Giống như một tối, chị ở nhà bên cạnh lại gõ cửa biếu tôi một ít đặc sản mà má chị đem từ dưới quê lên. Lần nào cũng thế, cứ hễ má chị lên thăm là y như rằng tôi cũng sẽ có quà, dù tôi với chị cũng không được tính là thân thiết, chỉ nói chuyện xã giao dăm ba câu. Ở quê có tình làng nghĩa xóm, thì ở phố cũng có tình chung cư.

Giống như nửa đêm kia, đường truyền mạng nhà tôi cứ chập chờn khiến tôi chẳng thể nào gửi được email. Tệp đính kèm khá nặng, dùng 3G để tải lên thì nó xoay mãi mãi, trong khi hạn nộp chỉ còn tính bằng phút. Cực chẳng đã, tôi đành cầu cứu nhà đối diện vì lúc đó chỉ còn mỗi nhà anh là sáng đèn. Ở quê có tối lửa tắt đèn có nhau, thì ở phố có mất mạng/chập chờn ké wifi.

Giống như không khó để bắt gặp những biển hiệu “miễn phí”: từ nước uống, thức ăn, quần áo, sửa xe cho đến cắt tóc... rất đặc trưng ở phố. Và mỗi lúc ngang qua những biển hiệu “miễn phí” đậm tình người này, tôi đều lặng người cảm kích.

Nhiều cái giống như nho nhỏ thế tích lại, lâu dần, tôi đã yêu quý phố lúc nào chẳng biết.

Nguyễn Minh Ngọc Hà

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày