Chuyện tình người ở Nhà hy vọng

Những con người xa lạ đã cùng làm nên một gia đình ấm cúng và đầy sẻ chia
Những con người xa lạ đã cùng làm nên một gia đình ấm cúng và đầy sẻ chia
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thấu hiểu khó khăn của những người lao động nghèo, một nhóm bạn trẻ đã lập nên Nhà hy vọng, đón những người tật nguyền hay khốn khó về trú ngụ. Dưới mái nhà từ tâm ấy, những con người xa lạ đã cùng làm nên một gia đình ấm cúng và đầy sẻ chia.
Ngôi nhà được nhóm anh Tuấn Anh xây dựng cho những gia đình khốn khó

Ngôi nhà được nhóm anh Tuấn Anh xây dựng cho những gia đình khốn khó

Ngôi nhà của những phận người khốn khó

Đó là một ngôi nhà với nhiều phòng trọ, lương thực thực phẩm được cung cấp cho những người có hoàn cảnh éo le, những người tật nguyền, cả những người cơ nhỡ không nơi nương tựa, tất cả đều miễn phí. Ngôi nhà ấy với một cái tên đầy ấm áp là Nhà hy vọng.

Dịch bệnh kéo dài khiến những người tàn tật, người lao động nghèo tại Đà Nẵng đã khốn khó nay càng chật vật hơn, và hơn nửa năm qua, nhiều người đã biết tới Nhà hy vọng của một nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng lập nên. Đúng như tên gọi, ngôi nhà ấy trở thành nơi nương tựa, đùm bọc nhau của những phận đời nghèo khó tứ xứ tụ về thành phố biển này mưu sinh.

Anh Tôn Thất Tuấn Anh (trú tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), đại diện nhóm thành lập Nhà hy vọng chia sẻ rằng ý tưởng thành lập ngôi nhà đến với anh hết sức tình cờ. Vào đầu năm 2021, trong quá trình đi trao quà từ thiện cho những người lao động nghèo nhân dịp Tết cổ truyền, chàng trai trẻ sinh năm 1989 và nhóm bạn của mình đã bắt gặp khá nhiều mảnh đời cơ nhỡ trên đường phố.

Sau khi bàn bạc, họ đã thuê một dãy nhà trọ nhiều phòng tại con hẻm nhỏ số 119 Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), sau đó gom những người tàn tật, nghèo khó, người già yếu không nơi nương tựa đưa về đó để họ có chỗ trú ngụ. Anh cùng nhóm bạn đặt tên cho ngôi nhà ấy là Nhà hy vọng.

Những ngày bình thường trước khi Đà Nẵng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, cứ đến chập tối là dãy phòng trọ trong 119 Phạm Như Xương này lại đồng loạt sáng đèn. Trước hiên, trẻ con í ới chơi trò đuổi bắt. Trong nhà, người lớn luôn tay lo cơm nước, sắp xếp lại đồ đạc.

Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đây là dãy trọ của những người bình thường. Nhưng không, mỗi người ở đây đều có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ là người khuyết tật, người già neo đơn, mẹ đơn thân từ các tỉnh, thành phố khác đến Đà Nẵng mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, nhặt ve chai. Mưu sinh khắp nơi, cuối ngày, họ lại tập trung về Nhà hy vọng để chuẩn bị từng bữa ăn cho những đứa con, cùng trò chuyện, động viên, san sẻ những khốn khó với nhau như một gia đình.

Ấm lên những phận người

Ở Nhà hy vọng, mỗi mảnh đời là một câu chuyện mà khi kể ra đều gây ngạc nhiên không ít. Đó có thể là cụ già neo đơn gần 80 tuổi, hằng ngày đi nhặt ve chai; là người mẹ đơn thân tàn tật đi xe lăn bán vé số dạo nuôi con, hay đôi vợ chồng khuyết tật vất vả mưu sinh vì cậu con trai bé bỏng ở quê.

“Ở đây mọi người xem nhau như đại gia đình. Vì thế mà có cái chi ngon cũng san sẻ, có nỗi buồn cũng kể cho nhau vơi đi, người này khóc người kia vội lau nước mắt. Nếu không có ngôi nhà này, chắc có lẽ tôi và con khó vượt qua được những tháng ngày vất vả, khổ cực thiếu thốn khi dịch bệnh ập đến”, chị Trần Thị Dung, quê Quảng Nam tâm sự.

Cùng xem nhau như gia đình

Cùng xem nhau như gia đình

Chị Dung và anh Minh là hai người khuyết tật, cuộc đời run rủi họ đến với nhau để bù qua sớt lại những khiếm khuyết của mỗi người. Họ từng chật vật khắp nơi vì không thể ổn định chỗ ở trước khi đến với Nhà hy vọng. Không những được ở miễn phí, ở Nhà hy vọng, chị Dung và anh Minh còn nhận được nhiều tình cảm từ phận đời đồng cảnh ngộ. Những điều đó đã giúp vợ chồng anh chị và con vượt qua được số phận. Chị Dung kể ở ngôi nhà này, đứa trẻ con nào cũng biết đùm bọc, bảo ban nhau, nghĩa tình ấm áp cứ thế được nhân lên với mỗi gia đình.

Bà Trần Thị Mạnh (77 tuổi, quê Quảng Trị) là một bà cụ neo đơn vừa được đưa về Nhà hy vọng. Theo lời kể của bà Mạnh, vì chiến tranh loạn lạc, mất hết giấy tờ, nên bà phải lưu lạc và rơi vào cảnh không nhà không cửa. Dù có hai người con nhưng người con trai thì bị liệt, người con gái đã lấy chồng nhưng không may người chồng lại bị tai nạn, bà không muốn làm khổ con cái nên tuổi già quyết định vào đến Đà Nẵng lượm ve chai mưu sinh. Ở đây, bà che bạt ở tạm bên hông nhà người khác. Có nhiều đêm bà không dám ngủ vì mưa gió bão bùng.

“Tôi lượm ve chai ngày có ngày không để tằn tiện sống qua ngày. Ngày không có gì thì đi lượm cơm thừa của vài gia đình treo ở trụ điện về nấu lại ăn với muối tiêu. Nấu buổi sáng để dành chiều tối về ăn, thế mà ở trong túp lều đó không có ai nên nhiều khi con mèo hay chó nào nhảy vào ăn mất nồi cơm trắng, đến chiều về tôi thấy thế chỉ biết vừa đói vừa khóc mà thôi!”, bà Mạnh kể.

Từ khi có người giới thiệu đến Nhà hy vọng, bà Mạnh có phòng riêng, có những anh chị ở chung dãy trọ trò chuyện, cùng mọi người chia sẻ miếng cơm, miếng canh cùng nhau, tối ngủ lại không sợ mưa gió, sợ ăn cướp, gánh nặng cũng đỡ nên chỉ sau gần 2 tháng bà đã tươi tắn hẳn lên. Bà cười tíu tít như đứa trẻ khi được anh Tuấn Anh hỗ trợ một ít tiền trong những ngày giãn cách xã hội.

“Với người nghèo, chỉ một hành động, một sự quan tâm nhỏ của chúng ta cũng sẽ là động lực rất lớn để họ vượt lên trên nghịch cảnh. Quan trọng hơn hết là chúng ta phải giúp họ cảm nhận được rằng, dù có như thế nào đi nữa thì sau lưng họ luôn có cộng đồng, xã hội quan tâm, hỗ trợ. Và, họ sẽ không bao giờ bị bỏ rơi”, anh Tuấn Anh giãi bày.

Anh Tuấn Anh cũng cho biết, đợi khi dịch bệnh tạm ổn định anh sẽ tiếp tục cùng nhóm bạn nhân rộng mô hình Nhà hy vọng

Anh Tuấn Anh cũng cho biết, đợi khi dịch bệnh tạm ổn định anh sẽ tiếp tục cùng nhóm bạn nhân rộng mô hình Nhà hy vọng

Mỗi phòng trọ ở khu Nhà hy vọng rộng chừng 15m2, giá thuê mỗi phòng không dưới 1,5 triệu/tháng nhưng anh Tuấn Anh và nhóm bạn đã được chủ nhà hỗ trợ và lấy tổng cộng 8 triệu đồng/tháng cho 6 phòng. Anh Tuấn Anh cũng cho biết, đợi khi dịch bệnh tạm ổn định anh sẽ tiếp tục cùng nhóm bạn nhân rộng mô hình Nhà hy vọng sang nhiều địa bàn khác, và mong rằng những ngôi nhà ấy sẽ mang đến niềm tin, sức mạnh, và cũng là niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho từng mảnh đời khốn khó, cơ nhỡ.

Ông Đinh Quang Trung, Bí thư Chi bộ Chơn Tâm 1B7 cho biết: “Đây là việc tốt, về mặt chủ trương tôi ủng hộ hoàn toàn. Những người có hoàn cảnh khó khăn này được giúp đỡ khiến nhiều người cảm động và yên tâm hơn để sinh sống làm ăn tại đây”.

Cứ thế, hơn nửa năm qua xóm trọ và con hẻm nhỏ nằm sâu hun hút luôn tràn ngập những niềm vui, hạnh phúc giản đơn. Có lẽ, với những phận đời tá túc dưới mái Nhà hy vọng, đây sẽ là một phần đời tuyệt đẹp mà họ chẳng bao giờ quên được.

Sau thành công của Nhà hy vọng, từ giữa tháng 6, nhóm bạn của anh Tuấn Anh tiếp tục thực hiện chương trình suất ăn yêu thương cho người lao động nghèo tại số nhà 265 Yên Khê 2 (quận Thanh Khê), phát miễn phí hàng trăm suất ăn cho những hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Trần Quân (thành viên nhóm Nhà hy vọng) cho biết mỗi suất ăn yêu thương ngoài một phần cơm, canh còn kèm theo trái cây tráng miệng. “Khách” đến quán hầu hết là người bán vé số, mua ve chai, bán hàng rong, chạy xe ôm, xích-lô. Mọi người được “mua” những suất cơm với giá 0 đồng. Đổi lại, “người bán” thu phí bằng nụ cười, sự ngon miệng. “Người mua” trả phí bằng những cái gật đầu, lời cảm ơn nồng hậu. Từ khi lệnh giãn cách xã hội tại Đà Nẵng được áp dụng, quán cơm này phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên anh Quân và Tuấn Anh cho biết khi được phép mở lại, quán cơm sẽ tiếp tục duy trì lâu dài để mang yêu thương đến với mọi người nhiều hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày