Chuyện trên đường đi

GN - Một ngày đẹp trời, tôi quyết định đi lấy thuốc thay vì nhờ người khác. Suốt mùa hạ không ra khỏi chùa, rồi dịch bệnh bùng phát, rồi mưa bão ngập đường khiến tôi cũng ngại ra ngoài. Lâu ngày trở thành một thói quen rất ư là nề nếp, đó là lười đi.

diduong.jpg

Lấy thuốc xong, vừa dắt xe ra khỏi cổng thì đụng ngay hai sư cô, là huynh đệ cùng chùa vẫn lấy thuốc giùm tôi trước đây. Thấy tôi, cô D. Minh lên tiếng:

- Đợi về chung cho vui.

Tôi gật đầu:

- Ừ! Thì đợi. Dù trong lòng chẳng thấy có gì là vui.

Cô N. Nghiêm có vẻ hiểu chuyện hơn nên nhỏ nhẹ nói:

- Thôi, chị về trước đi. Đừng nghe lời cổ.

Nghe xong, tôi cũng gật đầu:

- Ừ! Thì về.

Thế là tôi một mình một xe chạy về. Chiếc Max đời chín mươi cũng khá bền bỉ với người ít đi nên tôi cũng chẳng lo chuyện nó trở chứng giữa đường. Đang ung dung rồ máy thì xe bất ngờ đứng khựng lại. Cũng may phía sau không có chiếc xe nào trờ tới. Chưa hiểu chuyện gì, tôi bước xuống kiểm chứng thì hỡi ơi: Bình xăng khô cạn không còn lấy một giọt! Cây kim xăng hư đã lâu, lại thêm chủ quan nghĩ mình không đi nhiều thì xăng chắc vẫn còn.

Tôi đẩy xe lên thềm rồi quay qua nhìn trước ngó sau. Cây xăng gần nhất cách đây cũng phải vài cây số. Con đường trưa vắng chẳng thấy ai bán xăng lẻ. Bấy giờ phải đẩy xe đi bộ hàng mấy cây số giữa trời nắng nóng với cái bụng đói meo quả là việc chẳng dễ dàng gì. Lúc này tôi mới nghĩ... phải chi có huynh đệ tương trợ thì mình đỡ khổ biết bao, ít ra họ cũng chạy đi mua xăng giùm. Nhưng ngồi chờ hai sư cô ấy chạy xe ngang qua là điều không thể. Bởi tôi biết họ thường đi con đường tắt về chùa nhanh hơn. Còn tôi thì thích tìm những nơi thênh thang mà thẳng bước. Những kẻ không cùng chí hướng thì sẽ không bao giờ cùng đi trên một con đường. Triết lý cùng kinh nghiệm người xưa đã nói như vậy mà.

Đang nghĩ ngợi lung tung chưa biết xử lý thế nào thì bất chợt một chiếc xe máy vụt chạy qua rồi dừng lại cách chỗ tôi vài mét. Người đàn ông trạc tuổi trung niên đưa mắt nhìn rồi hỏi:

- Xe cô hết xăng à?

- Vâng…, tôi đáp nhỏ.

- Vậy thì đợi chút.

Ông ta dựng xe rồi đi tìm cái gì đó trong con hẻm nhỏ. Tôi nhìn theo tự nhủ, là dân buôn xăng lẻ đây mà. Những người này luôn có mặt kịp lúc mỗi khi ai đó gặp sự cố trên đường và món đồ họ định đem bán cho khổ chủ thường cao hơn giá thị trường mà lại là hàng pha tạp kém chất lượng. Cũng đành chịu thôi. Miễn sao về được tới chùa thì giá cả hay chất lượng lúc này có đáng gì đâu.

Người đàn ông trở lại với… chai nước suối trống không, loại nửa lít. Tôi không biết ông định làm gì nên cứ đứng yên nhìn. Rồi ông mở cốp xe lấy ra đoạn dây loại ống hút và mở nắp bình hút xăng ra chai nhựa. Lúc này tôi cũng lờ mờ hiểu nên vội lên tiếng:

- Chú lấy ra vừa đủ giúp cô chạy tới cây xăng là được.

Cầm chai nhựa đầy xăng, ông bước qua đổ hết vào chiếc xe chết máy đã mở nắp sẵn. Ông nói khi thấy xăng tràn ra ngoài:

- Cô chờ khô rồi hãy nổ máy.

Tôi cầm mấy chục ngàn định đưa thì ông lắc đầu khoát tay rồi nhanh chóng lên xe chạy đi (chắc cũng không kịp nghe lời cám ơn của tôi vừa thốt ra). Tôi chỉ còn biết tự trách mình vì những suy tưởng không hay lúc đầu. Sự đời luôn là vậy. Người tốt luôn bị nghi ngờ, kẻ xấu đôi khi vì vẻ trau chuốt bên ngoài mà ai cũng tin theo. Và vì cuộc đời có quá nhiều những điều hư thiệt như thế nên khiến người ta cũng mất dần đi niềm tin với tất cả.

Người đàn ông này hẳn nhiên không phải là Phật tử, vì Phật tử cung cách ăn nói sẽ khác. Ông chỉ là người bình thường giữa đời thường, gặp việc thì ra tay, gặp người hoạn nạn thì giúp đỡ. Vậy thôi. Cuộc đời có muôn vạn điều tốt phải làm, bận tâm làm gì đến chuyện ân nghĩa trả vay.

Xin cám ơn người lạ trên đường. Cám ơn cuộc đời đã cho tôi góp nhặt những điều tốt đẹp dù rất nhỏ nhưng ý nghĩa thì thật lớn lao vô cùng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày