GN - Đa phần mọi người tu tập, hành thiền nhưng thiếu vun bồi nền tảng, do đó thường không có kết quả gì nhiều, sau một thời gian thường bỏ cuộc vì thiếu hướng dẫn cơ bản về việc tu tập gốc rễ, hay tự suy diễn, hý luận, chỉ tập trung vào phần ngọn, khiến lãng phí cơ hội làm người, cơ hội gặp Chánh pháp còn đang tỏa sáng trên thế gian.
Tu học nếu thiếu nền tảng vững chắc, trong đó có việc đầu tiên là học thuộc lòng, học thấu đáo những lời hướng dẫn thực hành thâm sâu của Đức Thế Tôn thì sớm hay muộn cũng gặp phải chướng ngại đủ loại, dẫn đến tu tập sai lạc hoặc thối thất.
Học kinh điển là bước đầu cần thiết của bất kỳ người học Phật nào |
Ngoài ra, học thuộc lòng kinh điển còn có nhiều lợi ích khác như có thể phát triển vững chắc niệm trí nhớ; hoặc giúp khả năng nhớ lại Chánh pháp đã nghe nếu sau này trong các kiếp tái sinh làm người hoặc chư thiên được gặp lại Chánh pháp; hoặc góp phần giúp cho Diệu pháp không bị rối loạn và tồn tại lâu dài.
Cũng cần tránh trường hợp chỉ học thuộc lòng suông mà không hiểu, không thực hành.
Ngay cả những vị ít học mà chứng ngộ, như đã được ghi lại trong kinh điển, cũng phải học thuộc lòng hoặc nhiều hoặc ít những lời Phật hướng dẫn trực tiếp, hoặc nếu không có khả năng nhớ thuộc lòng thì vị ấy phải được vị thầy nhắc lại thường xuyên lời Phật dạy để thực hành.
Nếu không thuộc lòng những điều cơ bản nhất thì những lời hướng dẫn của Đức Phật không có thường xuyên, không có đầy đủ, không có chính xác trong tâm trí.
Không có trong tâm trí thường xuyên, đầy đủ, chính xác thì không thực hành, hoặc thực hành được chăng hay chớ, không nỗ lực, hoặc thực hành sai theo ý mình, hoặc thực hành theo hướng dẫn của người thế gian với trí tuệ của phàm nhân.
Thực hành như vậy thì không thể có kết quả giác ngộ giải thoát.
Học thuộc lòng không nhất thiết toàn bộ kinh điển, việc khó này chỉ một số ít vị phước báu vô lượng mới có thể thành tựu được (tại Myanmar có 15 vị Tam tạng đã vượt qua các kỳ khảo thí từ năm 1949 đến nay). Nhưng các hành giả, các Phật tử thuần thành, đầy đủ tín tâm, trì giới trong sạch, cần phải thuộc lòng và hoàn toàn có thể học thuộc lòng những điều cốt tủy, nền tảng, liên quan đến các phận sự, đến việc tu tập rèn luyện hàng ngày, và nhất là phải theo đó mà thực hành kiên nhẫn, bền bỉ, dũng mãnh.
Tuyệt đối tránh việc chỉ học thuộc lòng mà không hiểu ý nghĩa, làm sai lạc và đảo lộn ý nghĩa:
“… Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, với văn cú sắp đặt bị đảo lộn. Do văn cú bị sắp đặt đảo lộn, này các Tỷ-kheo, nên nghĩa lý bị hướng dẫn sai lạc. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ nhất đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất…” (Kinh Tăng chi bộ - Luật của bậc Thiện Thệ)
Kinh điển có rất nhiều đoạn nói về việc phải học thuộc lòng, hoặc phải được hướng dẫn, chỉ dạy trực tiếp (nếu không có thể thuộc) những hướng dẫn cốt tủy của Đức Phật để có thể lãnh hội, tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp dẫn đến thực hành đúng đắn không sai lạc.
Kinh Tăng chi bộ, (phẩm Năm phần – [VI, 26] Giải thoát xứ), có nói về năm trường hợp giải thoát của vị Tỷ-kheo sau khi được nghe trực tiếp (trường hợp đầu tiên) hoặc sau khi học thuộc lòng (bốn trường hợp còn lại) “… vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới”.
Trong thực tế, việc học thuộc lòng đã được bảo trì và trao truyền một cách nghiêm mật và tinh khiết trong truyền thống Phật giáo Theravada tại Myanmar, Thailand, Sri Lanka, Cambodia, từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế cho đến nay, đúng theo những lời do chính Đức Thế Tôn đã truyền dạy:
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.” (Kinh Tương ưng bộ - Chương 20: Tương ưng thí dụ - 7. Cái chốt trống)
Như vậy, để có thể thực hành đúng đắn, dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự - Niết-bàn, cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo những lời hướng dẫn thực hành thâm sâu của Đức Phật.
Mong các pháp hữu dành thời gian và công sức để tự tra cứu, tìm ra cho mình câu trả lời thỏa đáng, tin cậy dựa trên Chánh tạng, vì việc này không phải là việc quá khó trong thực tiễn học Phật hiện nay.
Nhớ thuộc các lời Phật càng nhiều càng tốt, vì mỗi khi đụng chạm đến bất kỳ điều gì trong đời sống hàng ngày, lời Phật sẽ lại hiện lên nhắc nhở chỉ đường cho chúng ta, luôn như được chính Đức Phật hướng dẫn từng bước từng bước một, không sợ lầm đường lạc lối, tránh được giải đãi dễ duôi, chắc chắn tiến dần đến đích rốt ráo đoạn tận mọi lậu hoặc, tham sân si không còn dư sót.
Khác với học để biết suông, thỏa mãn trí óc, học để thực hành thì phải học thuộc lòng. Không học thuộc lòng không thực hành đúng. Đa số mọi người không học thuộc lòng lời Phật dạy nên thực hành được chăng hay chớ, không có hiệu quả mấy, không giảm được tham, sân, si, phiền não, tâm không định tĩnh, an lạc, trí tuệ không phát triển.
Đặc biệt lúc lâm chung, lời Phật dạy thuộc lòng trong tâm là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp tâm trí vững vàng, không tán loạn, sợ hãi, có thể vượt qua đau đớn, kinh hãi, chấp thủ, đạt tới giác ngộ giải thoát ngay giây phút cận tử, hoặc nếu không thì cũng có cơ hội tái sinh vào cảnh giới thiện thú tốt lành, có cơ hội tiếp tục gặp và thực hành Chánh pháp của Như Lai trong các kiếp vị lai.
“Này A-nan, có Tỷ-kheo khi chưa bị bệnh, chưa đoạn trừ năm hạ phần kiết sử. Sau đó, khi bệnh phát khởi, thân thể đau đớn, tâm không điều hòa, mệnh sống suy mòn, vị ấy không được nghe Phật nói Pháp, chỉ dạy, nhắc nhở, cũng không được nghe các vị trưởng lão đa văn tu phạm hạnh nói Pháp, chỉ dạy, nhắc nhở. Tuy nhiên, trước kia vị ấy đã được nghe Pháp, bây giờ một mình ở nơi vắng lặng tư duy, thẩm tra, quán sát Pháp ấy, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử. Này A-nan, đó gọi là được phúc lợi từ sự tư duy, thẩm tra, quán sát Pháp đã nghe từ trước” (Tạp A-hàm, SĀ, 1023).
“Bất cứ đoạn kinh văn nào mà ta có thể thấy giáo lý cốt lõi về tuệ quán và sự buông xả, ta cần phải quen thuộc với các đoạn kinh văn đó ngay từ bây giờ. Trong bối cảnh cổ xưa, điều này có nghĩa là học thuộc lòng. Mặc dù ngày nay có thể dễ dàng truy cập các kinh văn, ta không thể chắc chắn sự truy cập như vậy sẽ có sẵn tại thời điểm cận kề cái chết. Một tai nạn bất ngờ có thể xảy ra và ta có thể sẽ ở trong tình huống không có các bạn đồng tu đến nhắc nhở, khuyến dạy thực hành Pháp, mà cũng không thể truy cập thư viện cá nhân, dù là bản in hay kỹ thuật số.
Vì thế, ta cần phải gần gũi, quen thuộc và ghi nhớ những đoạn kinh ngắn, hay những lời dạy chọn lọc, hoặc vài câu kệ hay các câu hướng dẫn súc tích, để ta suy quán cho riêng mình. Để có những chọn lựa thích hợp, có thể thử hình dung một cách rõ ràng và sống động về cảnh mình sắp sửa qua đời, ta cần có những đoạn kinh văn nào hay suy tư, quán soi như thế nào là có ích lợi nhất ngay lúc ấy. Tu dưỡng một tinh thần tự lực như thế giúp tạo ra một nền tảng vững chắc để khai thác tốt nhất tiềm năng giải thoát tại thời điểm lúc mình sắp sửa mệnh chung”. (Tỳ-khưu Anālayo, Tỉnh thức trước bệnh tật và cái chết, chương 20).
Ở Myanmar, mọi người được học thuộc lòng kinh, kệ từ nhỏ, khắp mọi nơi, mọi lúc. Ở Việt Nam ta chưa có được môi trường thuận lợi như vậy, nhưng chừng nào Chánh pháp còn tỏa sáng trên thế gian và ta có đại phước của đại phước là được làm người, được gặp và thực hành giáo pháp Như Lai thì không thể bỏ phí cơ hội quý hiếm này, cần có tác ý học từ từ và kiên trì.
Bản thân việc học và hành Phật pháp hàng ngày là thiện nghiệp, tạo nên phước báu công đức cho kiếp sống hiện tại cũng như mai sau cho đến khi giải thoát hoàn toàn, nên vun bồi được nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Đây chính là thực hành vun bồi phước thiện.
Cứ từng bước, từng từ, từng câu mà học, học rèn cái tính kiên nhẫn kiên trì đó. Không cần vội vàng, nôn nóng muốn đạt ngay kết quả. Không nghĩ khó, nghĩ dễ gì cả. Cứ từng bước như vậy, mỗi bước chân là phước báu vô lượng, mỗi bước chân trên Chánh đạo là một bước tiến đến đích giác ngộ giải thoát rốt ráo.