GN - Ông bạn tu của tôi vô Sài Gòn ở chơi với cháu nội mới có một năm mà gầy xọp hẳn đi vài ký lô. Ông mới về nhà cách đây mấy ngày, phải nghỉ ngơi cho lại sức vì tuổi già đi tàu xe, hôm nay khỏe khoắn mới ghé qua thăm tôi với gói quà trái cây chôm chôm Nam Bộ và ký hột dưa biếu tôi ăn Tết.
Ông bạn tu của tôi bước vào thở phào:
- Ông biết không? Về tới nhà nó nhẹ người, đi đường tàu xe nhọc nhằn lắm!
Cái ông này, tôi quá thừa hiểu, ở đây cảnh nông thôn, nhà cửa nương vườn rộng rãi, vô trong đó nhà phố chật chội như nêm, tấc đất tấc vàng. Nói về cảnh đường phố và việc tham gia giao thông ở trong đó thì khỏi phải bàn, ông bạn tôi là người nhát xe, ban đầu mới vô, ông vừa chạy xe vừa run, khiến đứa cháu nội ngồi sau xe cũng tức cười. Tôi cười hỏi ông:
- Ai cũng thèm làm cư dân hòn ngọc Viễn Đông, còn ông bạn tu của tui coi bộ “bưa” rồi phải không?
Ông bạn không trả lời mà chỉ cười ha hả! Tôi pha ấm trà móc câu Bắc Thái loại ngon để mời ông. Ông trầm ngâm đôi chút, nhắp chíp chíp cốc trà mạn ngát mùi hương, ông khen ngon vì đã quá lâu rồi chỉ dùng toàn trà B’Lao hay trà ướp sói Đà Lạt. Ông bạn tui nhớ đạo tràng Pháp Hoa này. Hàng đêm, tiếng kinh kệ của ông, của đạo tràng hòa vào tiếng chuông mõ như một bản hòa âm thuận trên những phím đàn quen thuộc. Ông nhớ đến ứa nước mắt, dù biết rằng cái cơ hội được đi thăm chơi, gặp con trai, con dâu, cháu nội, những người ruột thịt ông yêu quý nhất trên đời là cơ hội quý báu nhất.
Ông đã tận hưởng được những ngày tháng hạnh phúc bên con cháu, người ông thương yêu; nhưng sao trong lòng ông không giấu giếm nỗi nhớ ngôi chùa quê nhỏ bé trong thôn làng này.
Ông đã ngấm trà, nên “tỉnh thức” hơn, và như dò trúng đài, ông bạn tôi thao thao bất tuyệt kể về chuyến đi xa vừa rồi.
Những ngày tháng ở Sài Gòn, ông bạn đảm nhận việc chở cháu nội đi nhà trẻ cách nơi ở khá xa, qua khá nhiều ngã tư đèn xanh đèn đỏ, ông bạn học được cách chờ đèn đỏ từ bài thơ ngắn của tôi:
“Dừng chân đèn đỏ vội chi
Mấy khi ta được thầm thì với ta
Vài ba hơi thở vào, ra
Bừng con mắt phố nở hoa xanh vàng”.
Khi gặp đèn đỏ, ông bạn dừng xe lại: Thở vào sâu, thở ra chậm; khỏe, nhẹ, lặng, cười. Hiện tại, không việc chi phải vội. Cuộc đời đẹp tuyệt vời! Ông bạn thực tập như vậy, nên phút giây chờ đợi chuyển qua đèn vàng đèn xanh của ông không còn lâm vào tình trạng vội vàng nôn nóng như trước kia mà thong dong, nhẹ nhàng, tự tại dù ông đang chở thằng cháu nội đi nhà trẻ. Vào giờ cao điểm buổi sáng trên đường phố Sài Gòn, nạn kẹt xe cơm bữa là lý do làm trễ học và trễ giờ làm việc của cư dân thành phố này.
Ông bạn tu của tôi cũng như người khác, đã tính toán giờ giấc “xơ cua” để đưa cháu đi nhà trẻ cho đúng giờ. Nhưng có một buổi sáng nọ, ông cũng phải bị muộn vì kẹt xe do người đi đường vi phạm vượt đèn đỏ không may bị tai nạn ngay giữa ngã tư, điểm nóng của thành phố, làm ùn tắc giao thông, khiến cho cháu ông phải bị muộn học mất 20 phút. Ông cháu tới trường mầm non thì các cháu đã vào học, cô đang dạy bài thơ: “Đi đâu…” quá sức là hay! Ông bạn bỗng nghiệm ra một bài học về chữ vội:
“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây
Thủng thẳng như chúng em đây
Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng”.
Bài thơ ấy tuy rất quen thuộc, nhưng mà sao thâm thúy quá. Ông bạn tự hỏi mình có khi nào vội không?
- Làm sao mà tránh khỏi! Không nhiều thì ít!
Ông bạn từ miền Trung vào thành phố này thăm vợ chồng thằng con trai, theo yêu cầu của nó. Nhờ bố vào chơi, ở lại một thời gian để trông nom thằng cháu nội, cho vợ chồng nó đi làm. Nó làm đến 3 công ty. Phải có 3 lương mới đủ chi phí gia đình vì giá cả đắt đỏ. Trong một ngày, xong chỗ làm thứ nhất, nó nhảy sang chỗ làm thứ hai, thứ ba. Mười giờ đêm, mệt lả, rời công ty thứ ba, vào tiệm ăn nhẹ.
Ăn xong, đã nửa đêm, phải về nhà gấp. Về đến nhà, khẽ mở cửa, không còn đủ sức nói gì với vợ con. Cởi vội quần áo vứt xuống sàn, ngồi phịch xuống giường, khát nước rã họng, tim đập loạn xạ, không còn đủ siêng năng để đứng dậy rót nước, đành hẹn lại với cơn khát đến sáng mai, rồi nó nằm xuống ngủ li bì như chết.
Hôm sau, mọi thứ lặp lại in như cũ.
Nhịp sống vốn có lúc dịu êm; cũng có lúc vội vàng, ầm ào, hối hả như dòng sông mùa nước lũ.
Ảnh minh họa
Ông bạn ngưng câu chuyện, rút túi ra một bài thơ “Vội”, chép tay trên trang giấy học trò, tặng tôi. Bài thơ này ông sưu tầm được từ một trang web. Chúng tôi cùng đọc bài thơ của tác giả Thích Tánh Tuệ, có đến 34 chữ “vội”. Đây là một kỷ lục, nhưng chúng tôi càng suy gẫm nội dung càng thấy ý nghĩa sâu xa:
“Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa.
Vội vàng sum họp, vội chia xa
Vội ăn, vội nói rồi vội thở
Vội hưởng thụ mau để vội già
Vội sinh, vội tử, vội đôi lời
Vội cười, vội khóc, vội buông lơi
Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!
Vội vã tìm nhau, vội rã rời…
Vội bao nhiêu kiếp rồi vẫn vội
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa
Ngoài hiên đâu thấy hoa hồng nở
Vội ngày, vội tháng, vội năm qua
Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội
Mặt mũi ngày xưa không nhớ ra
“Đáy nước tìm trăng” mà vẫn lội
Vội tỉnh, vội mê, vội gật gà…
Vội quên, vội nhớ, vội đi về
Bên ni, bên nớ, mãi xa ghê
Có ai Giác lộ bàn chân vội
“Hỏa trạch” bước ra dứt não nề.
(Vội - Thích Tánh Tuệ)
Là một nhà thơ tu sĩ, bài thơ Vội của thầy quá hay, đúng không các bạn? Nhờ bài thơ mà câu chuyện ngày xuân của hai chúng tôi trở nên ấm áp bên chén trà Đạo.
Có thể nói có đến một nghìn lẻ một cái “vội” giữa vòng xoáy cuộc sống bon chen náo nhiệt này. Ta thử đặt câu hỏi: Không “vội” thì cuộc sống có tồn tại không? Bởi vì có người nói, bánh xe lịch sử đang quay, nhịp sống đang quay nhanh, nếu chúng ta dừng lại, ắt sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Có đúng như vậy không???
Mỗi người trong chúng ta sẽ tìm câu trả lời cho chính mình trong cái nghĩa “vội” ấy.
Cuộc sống vốn mong manh, chưa biết vô thường gọi lúc nào, ngày sau sẽ ra sao? “Lòng thoáng thấy trăm năm qua rất vội./ Mắt bình minh hé mở thấy hoàng hôn/ Mùa xưa vui rượu thắm đắm say hồn/ Mặc chiếc lá thênh thang về với cội/ Là lúc lòng nhẹ như sương trên đỉnh núi” (Nguyên Cẩn).
Đương nhiên ai cũng phải làm việc để kiếm sống, nhưng đôi lúc cũng phải biết dừng lại, dừng lại vài phút để ta biết yêu thương! (Hay dừng lại để cảm nhận yêu thương!). Sống và tồn tại là hai điều hoàn toàn khác nhau. Sống không chỉ là ăn, ngủ và thở. Sống là được làm điều như ý, được thương và được yêu thương, được quan tâm, được chia sẻ; biết quan tâm và chia sẻ người khác.
Đã bao lâu chúng ta đã chưa biết cách sống, hay chúng ta bị cuốn theo nhịp sống gấp, sống thử hiện đại ngày nay, đã làm cho tinh thần và thể xác chúng ta quá sức mệt mỏi cho những công việc trần ai, cuộc chơi trần thế. Trong cuộc bể dâu này, hãy nhìn nhạc sĩ họ Trịnh dừng lại:
“Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây/ Chút nắng vàng/ Giờ đây cũng vội/ khép lại từng đêm vui/…/ Có nụ hồng ngày xưa rớt lại/ Bên cạnh đời tôi đây/ Có chút tình thoảng như gió vội/ Tôi chợt nhìn ra tôi” (Như một lời chia tay - Trịnh Công Sơn)
“Tôi chợt nhận ra tôi” phải dừng lại! Tuy chúng ta không thể quyết định chiều dài của sinh mệnh, nhưng chúng ta có thể quyết định chiều rộng và chiều sâu của sinh mệnh. Cho nên học sống một ngày là biết ơn một ngày, học sống một hôm là có ý nghĩa một hôm.
Vì vậy, không việc gì phải vội khi sự việc có thể giải quyết theo cách không vội, cần phải thong dong để cho cái thân xác, trí não và trái tim vốn siêng năng đơn độc này không đập những nhịp đập đau đớn, loạn xạ bất thường vì một chữ “vội”:
Cho dù ngày mai tận thế
Đêm nay mai vẫn gieo trồng
Không có việc chi phải vội
Khuya mơ một sớm xuân hồng.