GN - Hòa đã thôi không khóc nữa. Nước mắt không làm cho Hòa mạnh mẽ hơn. Giờ, Hòa chỉ cười, nụ cười của niềm tin chiến thắng số phận.
“Cô gái sọ dừa” từng tuyệt vọng
Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi, thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc, H.Kiến Thụy, Hải Phòng) đã đến tham dự buổi lễ khai mạc triển lãm về người khuyết tật vào một sớm mùa xuân đầu năm 2019, tại số 31A Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Người phụ nữ nhỏ xíu được người khác bồng trên tay nở nụ cười chào mọi người khiến cả căn phòng trở nên tươi vui hơn.
Chị Hòa vượt qua chính mình, lạc quan sống
38 năm qua, Hòa đã chiến đấu kiên cường cho số phận của mình, không than vãn, không trách móc, không bi lụy, không buông xuôi. Hòa đã vượt lên được bản thân mình, vượt lên cuộc đời, vượt lên cả những bi quan tiêu cực nhất. Hòa bảo, giờ Hòa chỉ cười. Đó là nụ cười của sự mãn nguyện vì được cha mẹ sinh ra, được sống làm người và được cống hiến. Khoảng thời gian có mặt trên đời, chưa một ngày nào Hòa thôi cố gắng.
Sự cố gắng nhiều khi bằng cả ngàn lần so với người khác. Bởi, Hòa là một người khuyết tật. Ngày Hòa bị một trận ốm nặng thủa bé, bố mẹ đã chết lặng khi thấy đứa con gái mình không giống với những đứa trẻ bình thường khác. Mẹ Hòa chẳng biết đã bao đêm ôm con khóc thầm. Cha Hòa gạt nước mắt vào trong, quyết nuôi Hòa lớn lên.
Ngày lại ngày, năm rồi năm, Hòa vẫn sống lay lắt trong căn phòng nhỏ ở thôn nghèo miền đất Cảng. 38 tuổi, Hòa vẫn như đứa trẻ 5 tuổi, chỉ cao 70cm, nặng 13kg, phải chống chọi với nhiều căn bệnh như: viêm kết mạc, dính xương, bệnh viêm phổi cấp tính… Cả chuỗi ngày được sống của Hòa chỉ là nằm trên giường, nhìn cuộc đời qua ô cửa nhỏ. Hòa đã từng chẳng biết mơ ước, chẳng biết tới niềm vui, chẳng biết tới hy vọng. Nhưng, ông trời lấy của Hòa nhiều thứ, rồi cũng bù lại cho Hòa nhiều thứ khác.
Vượt lên chính mình nhờ… con chữ
Ai có thể ngờ được rằng người phụ nữ bé như đứa trẻ, quanh năm suốt tháng chỉ biết nằm và lặng lẽ trên chiếc giường bên cửa sổ lại có nghị lực và quyết tâm lớn lao đến như vậy. Hòa tự học, tự viết chữ, tập đọc, rồi làm thơ. Đó gần như là sự điều kỳ diệu với cuộc đời Hòa. Con chữ đã mang thế giới đến với Hòa và mang Hòa đến với thế giới. Từ đó, Hòa đã chính thức đem mình vào thế giới bộn bề. Dù Hòa chỉ là một người phụ nữ tật nguyền nằm ở một góc nhỏ thôn nghèo.
Hòa đã thực sự như được sinh ra lần thứ hai. Cây xoan nhỏ nơi cửa sổ căn phòng của Hòa đã không ít lần reo mừng cho những nỗ lực của Hòa. Cây xoan nhỏ ấy giờ đã lớn, tán trước kia xòe ra che nắng cho Hòa, nay nó đã vững chãi cùng tâm hồn Hòa “thả mình” vào chữ nghĩa, vào mơ mộng. Hòa tham gia mạng xã hội, nơi ấy đã chắp cánh cho Hòa hướng tới những ước mơ, có sự giao tiếp, mở cánh cửa ra thế giới rộng lớn, điều mà Hòa tưởng rằng cả cuộc đời mình sẽ chẳng bao giờ có.
Nhờ mạng xã hội, Hòa kết giao với nhiều người bạn khác, ảo mà thật, thật mà ảo. Và, nhiều người đã sững sờ khi biết cô nàng làm thơ rất hay, thường đăng trên trang cá nhân lại là một người phụ nữ tật nguyền, tự ti bao năm. Năm 34 tuổi, Hòa lần đầu đi ra khỏi nhà, từ đó hòa vào nơi… đông đúc.
Bạn của Hòa trên mạng xã hội đã trở thành bạn thật. Họ ngưỡng mộ, họ khâm phục, họ yêu thương và xen lẫn kinh ngạc. Nhưng hơn hết, họ nhìn thấy được sự cố gắng không biết mệt mỏi của Hòa từng ngày để sống, để vươn lên. Người ta vẫn gọi Hòa là “cô gái sọ dừa”, nhưng Hòa còn hơn thế.
Mấy năm trở lại đây, Hòa tự tay làm ra những sản phẩm đẹp mắt như: hoa giấy, hoa đá, tranh thêu chữ thập, tranh đính đá,... được rất nhiều người quan tâm. Những giỏ hoa giấy nhiều màu sắc mang thương hiệu Ngọc Hòa được nhiều người biết đến khi câu chuyện vượt lên số phận của người làm ra nó lan truyền trong cộng đồng.
Ở cái tuổi 38, Hòa đã làm được những điều chẳng ai nghĩ có thể làm được. Với Hòa bây giờ, mùa xuân đang bắt đầu, mỗi ngày là mùa xuân mới. Hy vọng rằng, Hòa sẽ là nguồn động lực lớn lao cho những người khác đang miệt mài trên con đường vượt lên số phận của mình.