Có không nhân quả luân hồi?

GN - Anh bạn tôi hỏi có nhân quả luân hồi không? Tôi trả lời có. Anh ấy bảo tôi chứng minh. Dĩ nhiên tôi không thể chứng minh được nên đưa ra một thí dụ. Một buổi chiều, tôi ra bờ sông ngồi ngắm hoàng hôn. Bỗng một con chim hạc bay ngang tầm mắt tôi, thân nó in trên nền trời xanh, bóng nó in trong dòng nước biếc đẹp tuyệt vời. 

song dao.jpg


Nhân quả luân hồi cũng như con chim hạc - Ảnh minh họa

Hôm sau tôi kể lại cho nhiều người nghe. Tất cả đều không tin, bảo tôi nói dóc. Tôi lại không thể chứng minh được do con chim không để lại bất cứ dấu vết gì trên nền trời và trong dòng nước.

Kể xong tôi kết luận. Nhân quả luân hồi cũng như con chim hạc, hoàn toàn có thật nhưng chỉ có những bậc thành tựu Chánh tri kiến mới nhìn thấy, nói lại cho chúng sanh biết mà thôi. Các ngài cũng như tôi, giá mà lúc đó tôi có được cái máy ảnh hay máy quay phim thì hay biết mấy? Bạn tôi vẫn hoài nghi do không đủ chứng cứ khoa học!

Nhân quả luân hồi xuất phát từ nghiệp (karma). Nghiệp là hành động của ý nghĩ, thân thể và miệng hay ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Đây là mối liên hệ động lực giữa người với người tạo thành chuỗi mắt xích vô tận của nghiệp, nhân và quả. Nghiệp sanh ra nhân, nhân sanh ra quả, quả lại trở thành nhân liên tục trong cuộc sống và kiếp người ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai, gọi là luân hồi.

Điều này đã được nền vật lý hiện đại chứng minh cụ thể, rõ ràng bằng thí nghiệm và lý thuyết điện từ, điện động của hai nhà khoa học Faraday và Maxwell. Theo đó thì “mỗi điện tích tạo ra trong không gian một tình trạng nhiễu hay một điều kiện, nó làm cho một điện tích khác cảm thấy một lực tác động lên mình. Điều kiện này trong không gian, cái có thể sinh ra lực, được gọi là trường. Chỉ một điện tích duy nhất đã sinh ra trường, trường hiện hữu tự nó, không cần có sự hiện diện của một điện tích khác mới có trường và tác động của nó” (Fritjop Capra). Nghĩa là mỗi điện tích đều tự vận động và tác động lẫn nhau tạo ra mọi hiện tượng và biến cố trong vũ trụ. Nhờ vậy nên vũ trụ luôn luôn biến đổi như một sinh cơ, cái cũ tiêu vong cái mới phát sinh liên tục chứ không rập khuôn, cứng ngắc trong cỗ máy khổng lồ như quan niệm của nền vật lý cổ điển. Con người là một thành phần của vũ trụ nên sự vận hành của nó cũng giống các thành phần khác trong vũ trụ.

Anh bạn tôi lại hỏi lúc còn sống ta tạo nghiệp, sau khi chết rồi nghiệp sẽ về đâu? Đây không chỉ là thắc mắc của anh ấy mà còn của rất nhiều người khác. Theo Duy thức học thì mỗi người đều có tám thức, trong đó thức thứ tám A-lại-da, cũng là Tâm ta, rất quan trọng. Khi ta chết, thân thể tiêu tan nhưng A-lại-da thức vẫn thường còn. Nó  là cái kho chứa chủng tử của vạn pháp, nghiệp lại xuất phát từ chủng tử sẵn có hoặc mới sanh trong A-lại-da thức nên sau khi ta chết đi nghiệp sẽ trở về trong ấy rồi theo nghiệp lực của ta tạo ra, đầu thai thành con người mới, cuộc sống mới. Bên vật lý học cũng thế. Khi một vật thể tan rã, (các hạt mang) điện tích lại trở về với mạng lưới trường lượng tử bao la trong không gian rồi tiếp tục tác động với các hạt khác tạo ra hiện tượng và biến cố mới. A-lại-da thức có thể ví như mạng lưới trường lượng tử mà nhà Phật gọi là “hư không biến pháp giới”.

Ngoài ra, nền vật lý hiện đại còn chứng minh giáo lý Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với khoa học, trong đó có khái niệm sắc-không. Đây là khái niệm rất khó hiểu và khó hình dung tưởng chừng như một nghịch lý, đối lập nhau. Thật ra sắc-không là thuộc tính của một vật thể (nhà Phật gọi là pháp) chuyển hóa nhau như sóng và hạt, như hơi nước và nước bên vật lý. Khi đủ điều kiện sóng sẽ chuyển hóa thành hạt, hơi nước chuyển hóa thành nước và ngược lại, cũng như đủ duyên thì phiền não là bồ-đề, sanh tử là Niết-bàn, không đủ duyên thì bồ-đề là phiền não, Niết-bàn là sanh tử. Sở dĩ sắc-không không đối lập nhau vì đối lập tức là thành hai và loại trừ nhau, mà loại trừ bất cứ bên nào thì cả hai bên đều không tồn tại, thì sẽ không có “bất dị và tức thị”.

Đạo Phật rất thực tiễn và khoa học chứ không huyễn hoặc hoang đường hay mê tín dị đoan như nhiều người lầm tưởng. Nhà bác học Albert Einstein nói: “Nếu có một tôn giáo phù hợp với những yêu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo”. Còn nhà vật lý hạt nhân người Mỹ Openheimer thừa nhận: “Những quan điểm chung về nhận thức của con người được minh họa bởi những phát hiện của vật lý nguyên tử, tự nó không xa lạ hay khó hiểu. Ngay trong nền văn hóa của chúng ta, chúng đã có lịch sử và trong tư tưởng Phật giáo hay Ấn Độ giáo, chúng có một chỗ đứng trung tâm đáng kể. Điều mà ta phát hiện chỉ nêu thêm thí dụ, xác nhận và làm tinh tế thêm cho một nền minh triết cổ xưa”.

Hy vọng các ngành khoa học nói chung, ngành vật lý nói riêng ngày càng làm sáng tỏ giáo lý Phật giáo cho mọi người tin tưởng, phát tâm Bồ-đề, tinh tấn tu hành để thoát khỏi khổ đau, sanh tử luân hồi. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày