Cổ kính Tiêu Sơn tự

chuatieu.gif

Theo quốc lộ 1A, từ Hà Nội đi khoảng 20 km về phía bắc, núi Tiêu Sơn như một viên ngọc nổi lên giữa cánh đồng màu mỡ, xanh tốt bốn mùa; bên dòng sông Tiêu Tương thơ mộng ở mảnh đất địa linh nhân kiệt: xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trên sườn núi, chùa Tiêu (xưa còn gọi là Thiên Tâm tự, Tiêu Sơn tự...) ẩn mình trong rừng xanh âm u, cô tịch, tạo cảnh sơn thủy hữu tình:

'Tiêu Sơn thắng cảnh núi bên sông

Chùa cổ, sườn non tiếng nhất vùng'.

 Các công trình của chùa được xây dựng từ trước thời Lý, liên tục được trùng tu mở rộng vào các thế kỷ sau đó, trở thành một trung tâm Phật giáo lớn, đồng thời là thiền viện đào tạo các tăng ni, lưu giữ và phân phát kinh sách đi các chùa.  Tiêu Sơn tự đặc biệt còn là nơi trụ trì, hành đạo của nhiều bậc cao tăng thời Lý, Trần trong đó có thiền sư Vạn Hạnh, người có công sinh thành và trực tiếp nuôi dạy Lý Công Uẩn, sau đó giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở vương triều Lý phát triển nền văn minh Ðại Việt. Tại nhà Tổ ngôi chùa là nơi thờ thiền sư Vạn Hạnh với pho tượng bằng đồng đặt trong khám ở gian giữa và bài vị ghi rõ 'Lý triều nhập nội, Tể tướng Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị'.

Trong nhà bia còn tấm bia đá thời Lê, mặt khắc nổi bốn chữ Hán 'Lý Gia Linh Thạch' (hòn đá thiêng của nhà Lý) và những dòng chữ khắc ở mặt sau không chỉ cho biết quê hương bà Phạm Thị - thân mẫu Lý Công Uẩn, mà còn là nguồn tài liệu khẳng định Tiêu Sơn - Tương Giang đất địa linh nơi gắn bó với sự nghiệp vẻ vang của nhà Lý, gắn bó với thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều Lý, người đã có quyết định lịch sử: Dời đô từ Hoa Lư ra thành Ðại La và xây dựng kinh thành Thăng Long cách đây 1.000 năm. Ðáp ứng lòng ngưỡng mộ của nhân dân, ghi nhớ công lao của ông đối với Phật giáo và dân tộc, tại chùa Tiêu, tháp Vạn Hạnh được xây cất trước tam bảo, ẩn mình trong vườn tháp cổ, rợp bóng cây xanh.

Ngày nay, du khách về vãng cảnh chùa không những được hiểu sâu hơn về thiền sư Vạn Hạnh mà còn biết thêm thiền sư Thích Như Trí, viên tịch 1723, để lại nhục thân còn khá nguyên vẹn trong tháp Viên Tuệ trước chùa. Thiền sư Thích Như Trí là người có công lớn trong việc sưu tập và in ấn các cuốn sách của đạo Phật để lại cho đời những ấn phẩm quý, những áng thơ hay. Chùa còn lưu giữ tài liệu 'Thiền uyển tập anh', tác phẩm sử học và văn học có giá trị ghi chép về các vị anh tú trong vườn thiền thời Lý.

Chùa Tiêu không chỉ là di tích lịch sử gắn liền với văn hóa thời Lý, Trần mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị từ thời Lê. Danh lam thắng cảnh 'Sơn thủy hữu tình' luôn là chốn hành hương của du khách khi về Kinh Bắc, miền quê ngàn năm văn hiến trên đất nước ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày