Có lần cô nói dối…

GN - 1. Tạm bình phục sau tai nạn, tôi được Ban Giám hiệu chuyển chân đứng lớp từ khối lớp 9 xuống… khối lớp 6! Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trở về từ cõi chết với đầy mình thương tích, ai đâu tin được tôi còn đủ sức khỏe, bản lĩnh mà gồng gánh trách nhiệm nặng nề nói trên?

greeting-card.jpg

Ảnh minh họa của pixabay

Chị đồng nghiệp bảo: cũng là anh em thương, bớt việc cho mầy thôi... Tôi nghe, cười như mếu. Ừ, thì bớt; còn sống mà đi dạy đã là mừng…

Từ lớp 9 chuyển xuống lớp 6, tôi cứ có cảm giác mình thành… cô nuôi dạy trẻ. Mới chưa quen thấy buồn nhưng quen rồi lại thấy… dễ thương. Lũ nhỏ đầu cấp đa số nhát, hiền hơn đám học sinh cuối cấp “sừng ngạnh”. Nghịch ngợm cỡ nào cũng chỉ cần hù một tiếng là chúng sợ vãi, im ngay. Lớp 6A tôi nhận chủ nhiệm phần lớn các em học được và ngoan; số “ngồi nhầm lớp” hoặc nghịch ngợm khó dạy không nhiều.

Nói “không nhiều” đương nhiên là vẫn có!

2. Gương mặt tạm coi như “cộm cán” nhất lớp là em Chu Đình. Cái tên hơi… kỳ cục của Đình khiến tôi lập tức chú ý đến em ngay đầu năm học. Đình học yếu; không bợm bãi gì quá quắt nhưng ương bướng lại hay nghịch ngầm. Ngồi học trong lớp hễ thầy cô sơ ý là lập tức bày trò: vẽ bậy vào lưng đứa trước; bỏ gạch đá, thước kẻ xuống chỗ đặt mông của đứa ngồi bên.

“Buồn” hơn thì đang giờ học bỗng dưng… chui xuống gầm bàn ngồi thu lu hoặc lén theo lối cửa sau lủi ra khỏi lớp! Thầy cô bộ môn mười người dạy lớp 6A phàn nàn Đình hết chín. “Tội trạng” chưa tới mức phải điệu xuống văn phòng hay đưa ra hội đồng kỷ luật. Nhưng cho qua thì… bực; vậy nên quý thầy cứ phải đem “mắng vốn” cùng cô chủ nhiệm cho lại gan. Tôi nghe riết phát sốt ruột; vừa bực dọc lại… mắc cười. Tiết sinh hoạt lớp tuần nào cũng phải lôi Đình “lên thớt” mà nhắc nhở. Nhắc để kềm chế bớt, chứ kinh nghiệm tôi thừa biết: cái chứng nghịch tinh của mấy “ông bợm” như Đình họa chăng chỉ có… trời xuống trị mới dứt; người thì không!


Với tôi, một cô giáo đã dày dạn trong việc “đối đầu” với các “đại ca” lớp 9 thì việc quản Đình mỗi khi lên lớp không mấy khó. Vậy nhưng vẫn phải cư xử ý tứ. Để “vỗ an” đám cứng đầu lười học, kinh nghiệm cô giáo tôi là “dỗ” nhiều hơn “dạy”. Các “đại ca” đa phần hảo ngọt; cô giáo nói nhẹ nhàng còn nghe chứ “sát phạt” là khởi tâm chống đối ngay. Đình cũng không ngoại lệ. Có lần đang giữa tiết học, không biết âm mưu chuyện gì, cu cậu… bỏ chỗ chui xuống gậm bàn ngồi thu lu. Liếc thấy chỗ ngồi trống, tôi lẳng lặng xuống tận nơi, cầm thước gõ nhẹ lên vai Đình:

- Nè, ông kia! Đang giờ học Văn chớ hổng phải học… ảo thuật nghen. Ông núp dưới làm gì, tính… hù cho cô sợ hả?

Cả lớp cười rần; còn Đình gãi đầu gãi tai lồm cồm chui lên, mặt đỏ tía tai coi bộ rất mắc cỡ! Vài lần tương tự khiến cu cậu dè chừng hơn cái vụ bị tôi biến thành “tranh biếm họa”. Đình bớt nghịch phá, nhưng thái độ với cô giáo thì vẫn “tình thương mến thương” chứ không có vẻ gì bức xúc. Vậy là “thuốc” có hiệu nghiệm. Tôi mừng thầm, tin chắc sớm muộn ông “ngựa chứng” tí nhau cũng sẽ hóa “ngựa thuần”…

Nhưng tôi mừng hơi sớm.

3. Thứ hai, giờ Văn lớp tôi chủ nhiệm.

Bước chân vô lớp đã thấy học sinh lục tục đứng dậy chào. Nở nụ cười như thường lệ, vẫy tay cho các em ngồi, tôi hơi ngạc nhiên thấy  Đình vẫn còn hướng về tôi, nhấp nhổm nửa đứng nửa ngồi, bộ như đang hóng chờ coi chuyện gì hay ho sắp diễn? Kệ, ông mãnh này thì còn thiếu gì trò “kinh dị” chưa nghĩ ra! Đặt túi xách lên bàn, tôi cười mỉm, vén tà sau áo dài toan ngồi xuống ghế. Tự nhiên linh tính có cái gì không ổn, tôi quay nhìn. Trời ạ, lừng lững trên mặt ghế giáo viên là một… con sâu bàng đang sừng ngạnh ngo ngoe, trố mắt nhìn tôi không chớp!

Vốn nổi tiếng trong toàn hội đồng với “hỗn danh” cô giáo sợ… sâu, hét một tiếng kinh hoàng, tôi gần như bay vụt ra cửa. Sau lưng, tôi còn kịp nghe vẳng tiếng cười “hắc hắc” rất quen tai của Chu Đình. Bác bảo vệ thấy tôi bán thần sắc chạy như ma rượt cũng hoảng lây. Theo tôi xuống lớp, bác cẩn thận dùng tay kẹp nhón con sâu đem vứt ra cửa sổ; sau đó mới quay lại trừng mắt với đám học trò đang cúi gằm, im thít. “Ông nào còn rắn mắt tái diễn chuyện này thì đừng trách tôi…”. Bác nhịp cây roi cầm tay nghe vút vút thấy ghê. Tiết học bắt đầu trễ mất mười lăm phút do sự cố… sâu. Hoàn hồn, tôi lại phải dặn các em câu “huấn thị” cũ mèm năm nào, lớp nào cũng đem ra nói:

- Các em mà chơi dại mang sâu đi “hà” cô là cô… chết đó!

Tan lớp, tôi xuống căng-tin trường ăn trưa. Lúc mở túi xách lấy tiền thanh toán mới hay: đồng năm trăm nghìn ban sáng tôi mới bỏ vào đã tự lúc nào không cánh mà bay. Hay thật!

4. Lời kêu gọi “em nào lỡ dại thì đem đến gặp trả lại cô; sẽ không truy cứu…” dường như không kết quả. Giận thật. Bác Sơn bảo vệ nghe qua, một hai khẳng định: còn gì nữa, lúc cô bỏ lớp chạy đi chúng đã tranh thủ “thổi” tờ tiền. Đám “nhất quỷ nhì ma” tôi còn lạ gì… Suy đoán ấy không sai. Năm trăm nghìn không phải số tiền nhỏ, nhưng cái lớn hơn chính là danh dự bị xúc phạm. Học sinh lớp mình chủ nhiệm mà dám “to gan” dường ấy. Chuyện này nếu không làm cho ra thì còn đâu cái uy cô giáo?

Tôi đi gặp thầy Đông, Tổng phụ trách Đội, nhờ giúp đỡ. Thầy Đông có máu “hình sự”, điều tra án tích (trong trường) rất giỏi.

Chẳng biết ra “chiêu” gì, nhưng chỉ mất ba ngày thầy Đông gặp tôi thông báo đã tìm ra thủ phạm. Đương sự nhận tội. Phụ huynh em muốn trực tiếp gặp cô giáo để giải quyết. Đứa nào hả thầy? Còn ai vào đây nữa, giọng thầy Đông ngán ngẩm.

Đã ngờ ngợ, nhưng vẫn cứ mong linh cảm tôi sai. Rất tiếc nó không sai. Lại là… Chu Đình!

5. Lần đầu tiên tôi biết bố Đình, một người đàn ông thô lỗ, cục mịch và rất chi “rừng rú”. Nghe ông hay đi làm xa nên họp phụ huynh toàn mẹ Đình thay mặt. Sâm sẩm tối, ông dắt - đúng hơn là lôi - con trai đùng đùng bước vô nhà cô giáo. Áo quần ông luộm thuộm nhàu nát, giọng điệu cộc cằn không có tí ti “văn hóa”. Cậu bé Đình rúm người trong tay ông như con chuột nhắt trong móng vuốt con mèo.

Đáp lại câu mời ngồi của tôi, ông bố “người rừng” cứ đứng sững giữa nhà, giọng sừng sộ:

- Tui nghe nói con tui lấy tiền của cô. Được, bây giờ chính miệng cô xác nhận đi. Nếu có thiệt, xin thề, tui sẽ không để nó sống mà làm tui xấu hổ...

- Xin anh bình tĩnh, bớt nóng…

- Cô khỏi! Nóng nguội là chuyện nhà tui. Tiền cô tui hứa trả đủ. Nhưng tui muốn chính miệng cô xác nhận!

Hình như ông ta có uống rượu. Đôi mắt vằn đỏ cứ hằm hằm xoáy vào cô giáo, bàn tay gân guốc bóp chặt cổ tay con trai tới mức nó trắng bệch ra. Dưới ánh đèn, thấy rõ mặt Chu Đình nhăn nhó vì đau, nước mắt lưng tròng. Bộ dạng ngổ ngáo thường ngày của cậu học trò cá biệt biến mất tiêu. Thấy rõ là Đình đang run, cái run rẩy của một tội nhân bị đưa ra pháp trường, biết chắc mình không còn đường thoát án tử...

Bất chợt bao nhiêu giận dữ của tôi đều tan biến; chỉ còn lòng xót thương vô hạn với cậu học trò dại dột. Nghe nói bố Đình rất bạo lực. Câu “không để nó sống” chắc chắn không phải ông ta nói chơi. Làm sao đây…

Bấc giác, miệng tôi bật ra cái “đáp từ” trơn chuội cứ như ai đó nói thay:

- Dạ thưa anh, em xin lỗi vì nhầm lẫn. Tiền em vô ý đánh rơi đã tìm lại được. Lúc tiền mới mất, do nóng lòng tìm ra thủ phạm nên thầy Tổng phụ trách có “dụ” học sinh: em nào lỡ lấy tiền tự giác lên khai nhận, sẽ không phải trả tiền lại mà còn được thưởng thêm. Em Đình chắc ham tiền thưởng nên mới dại dột nhận bừa. Chuyện lỡ rồi, mong anh bỏ qua…

Ông bố bặm trợn đứng há hốc mồm, nhìn sững! Đó chắc chắn không phải cái đáp từ mà ông đang đợi. Hai năm rõ mười, thằng con hư đốn của ông đã thú nhận, nhưng ông không muốn trị nó ở nhà. Ông lôi nó tới là để “dằn mặt” cô giáo luôn thể. “Dằn mặt” cái tội dạy dỗ, quản chế không nên thân làm hư hỏng con ông. Giải trình của tôi khiến ông cụt hứng, xụi lơ; cái xụi lơ đầy bực dọc!

Dắt con quay ngoắt ra cửa, ông ngoay ngoảy bỏ về không thèm chào, còn văng lại sau lưng mấy câu chửi tục. Tôi đứng chôn chân, mồ hôi ướt đẫm. Giờ thì tôi chỉ còn quan tâm mỗi một chuyện: liệu ông ta có tin nổi câu chuyện bịa (đầy mâu thuẫn) mà tôi vừa dựng để tha cho Đình?

6. Đã mười năm trôi qua kể từ cái sự kiện nhớ đời của cô trò tôi năm ấy. Thoát được trận đòn của bố, Đình như biến thành người khác: trầm tính, bớt nghịch hẳn. Mẹ Đình biết chuyện, lén góp nhóp đủ năm trăm nghìn mang tới trả tôi kèm lời xin lỗi và cảm ơn cô giáo đã nói đỡ. Tôi không nhận, bảo: “Tôi nói rồi, là tôi sai. Chị mang tiền về đi, khéo anh ấy biết em Đình lại bị đòn!”.

Tôi gặp thầy Đông nhờ thầy giữ kín chuyện. Với Đình tôi im lặng, xử sự bình thường như không có gì xảy ra. Đình cũng im; nhưng thi thoảng nhìn mắt em tôi biết: Đình cũng đang cắn rứt, hối hận; thêm cả sự ngượng ngùng! Đình học hành tiến bộ hơn. Chuyện gây phiền phức để các thầy cô bộ môn phải phàn nàn giảm hẳn…

Năm cuối cấp 2, Đình được xếp loại học sinh giỏi, đứng đầu lớp!

*

Ngày Nhà giáo năm nay, tôi nhận được quà và thư của Đình. Phong thư viết tay.

“... Em vừa tốt nghiệp đại học, có việc làm và nhận tháng lương đầu tiên. Cô ơi, đã mười năm rồi, em không lúc nào quên em còn nợ cô một lời cám ơn cùng một lời xin lỗi. Nếu không có lời nói dối của cô ngày đó hẳn là em không bao giờ có được hôm nay…”

Truyện ngắn Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày