GNO - Đã đi hết chặng đường mười hai năm áo trắng, đến bây giờ tôi mới thấy có một người giáo viên như thế...
“Sư phụ” - đó là cái tên mà chúng tôi đặt cho thầy, cái tên in sâu trong ký ức những đứa học trò cũ và trở thành thân quen với những đứa học trò mới bước sang ngưỡng cửa cấp ba. Bởi lẽ thầy rất hợp với cái tên ấy! Kiến thức uyên thâm của thầy đều khiến chúng tôi phải ngưỡng mộ, thế nhưng thầy chưa bao giờ tự hào về điều đó. “Khi nào tôi còn cầm viên phấn đứng trên bục giảng thì tôi vẫn còn sai sót” - đó là câu nói của thầy vào đầu năm lớp 10 khiến tôi nhớ mãi. Chỉ một câu ngắn gọn thế thôi cũng đủ để chúng tôi ngưỡng mộ thầy.
Thầy Phạm Minh Sơn - nhân vật trong bài viết - Ảnh: K.T.Nguyên
Thú thật, tôi chưa bao giờ bắt gặp những nét giản dị của thầy ở những giáo viên khác, có lẽ duy nhất chỉ có ở thầy. Vài ba cái áo sơ mi cũ đã sờn vai, chiếc quần kaki ống rộng cũ kĩ theo thầy đến lớp năm này sang năm khác. Cái màu áo quá đỗi thân quen đến mức những đứa học trò đã rời trường khi nhìn thấy là nhận ra ngay đó là “Sư phụ”. Làn da thầy rám nắng, chứa cả một vùng trời gian khổ. Chiếc áo sơ mi mỏng manh được xăn đến khủy tay làm sao chống chọi nổi với cái nắng của những buổi trưa nóng gay gắt như đổ lửa, làm cho da thầy rám đi từng ngày. Cái cặp đen đồng hành với thầy bao nhiêu năm nay đã trở nên quá đỗi quen thuộc với chúng tôi, thấy được cả những chỗ rách được thầy vá cẩn thận ở lưng cặp, thấy cả cái tay cầm mòn đi theo năm tháng. Nhưng chúng tôi thương lắm, bởi lẽ nó chứa đựng cả một bầu trời kiến thức mà thầy chắt nhặt từng ngày và hơn thế, nó chứa một tấm lòng nhiệt huyết với nghề vô tận của thầy...
Nhắc đền thầy, tôi phải rơm rớm nước mắt, bởi lẽ cái hình ảnh mà thầy đạp xe đến trường chưa bao giờ mờ nhạt trong tâm trí tôi. Tôi chưa lần nào được nhìn thấy thầy đến trường vào buổi sáng, bởi tôi là đứa đi học hơi muộn, nhưng tôi đoán là thầy đi rất sớm.
Tiếng chuông trường reo lên điểm 11 giờ 15 phút tan học, đám học trò chúng tôi ùa nhau ra khỏi trường như bầy ong vỡ tổ, lũ lượt kéo nhau về... và vô tình không thấy được hình ảnh đó... bất chợt ra về hơi muộn, tôi thấy thầy dẫn chiếc xe đạp cũ - chiếc xe mà chúng tôi thường gọi là “xe thời cổ”, chầm chậm đi ra khỏi trường.
Thầy đội chiếc nón tai bèo cũ kỹ đã phai màu theo năm tháng, đặt cái cặp đen lên càng xe rồi từ từ đạp từng vòng xe nặng trịch. Cái nóng oi bức của buổi trưa như muốn đốt cháy mọi thứ, vậy mà chỉ với chiếc nón tai bèo, thầy chống chọi lại cái nóng ban trưa. Tôi chạy theo sau và nhìn thầy rất kỹ, tôi thấy rất rõ những giọt mồ hôi của thầy và ướt đẫm lưng áo. Lần ấy tôi mới hiểu tại sao mỗi khi vào lớp lưng áo thầy ướt sũng. Vậy mà lúc trước tôi lại ngẩn người nhìn mà không hiểu vì sao. Bây giờ thì tôi mới biết, thầy mang cả những cái nắng trên vai, trên lưng vả cả trên cuộc đời thầy. Thầy đạp chậm lắm, từ từ đi qua những con phố vắng người, khi ai nấy đều về nhà ăn bữa cơm trưa. Tôi cứ nghĩ thầy cũng về nhà như bao người khác, nhưng... chiếc xe đạp dựng ngay cái quán nước nhỏ cách trường không xa, ổ bánh mì và chai nước suối là bữa trưa của thầy.
Có hôm tôi thấy thầy mua một phần cơm hộp, rồi một mình thầy ngồi đó, ăn rồi nhìn dòng người đi qua trên phố. Những buổi chiều học tăng tiết, thầy là người đi sớm nhất, có hôm tôi thấy thầy vào thư viện xem những cuốn sách hay. Và buổi chiều tan trường cũng thế, thầy luôn là người về muộn nhất. Những hôm tôi đi học thêm vào buổi chiều tối, trên đường đi tôi thấy thầy vẫn đạp xe trên đường. Thẫn thờ nhìn con phố, tôi bất giác nhận ra bóng thầy, vẫn là chiếc xe đó, màu áo đó, chiếc cặp vẫn đặt lên càng xe nhỏ và cả chiếc nón tai bèo, nhỏ bé giữa dòng đời nhộn nhịp. Từng chiếc xe máy chạy vèo vèo trên đường, chiếc xe đạp điện rồi xe ô tô đua nhau lướt qua, chiếc xe đạp của thầy vẫn từ từ đi trên con phố...
Thầy lặng lẽ, âm thầm, đạp nặng nề qua con đường dài đi về nhà, khiến cho những cái cây bên đường cũng phải đứng lặng. Nhà thầy quá xa trường, con đường từ nhà đến trường dài hun hút, vậy mà thầy đạp xe như thế hơn mấy chục năm rồi, từ cái thời cha mẹ của chúng tôi còn đi học. Đường đi dạy dài quá, hay chính cuộc đời đi dạy của thầy gian khổ quá thầy ơi! Lần đầu tiên tôi thấy hình ảnh đó, đau lòng như đứt ruột... Như cái gì đó chạm vào tim, tôi như muốn chực khóc. Chưa bao giờ tôi thấy được hình ảnh như vậy và chưa bao giờ tôi thấy được người giáo viên như thế...
*
Trong các môn học, Hoá - môn của thầy, là một trong những môn tôi sợ nhất. Không phải tôi sợ thầy mà tôi sợ những đề kiểm tra “khắc nghiệt” của “Sư phụ”. Đầu năm lớp 10 tôi học Hoá dỡ tệ, tệ đến nỗi tôi chỉ được 6 điểm trong bài kiểm tra năng lực đầu năm của thầy. Lúc đó tôi chán nản vô cùng, thật sự muốn buông bỏ môn Hoá vì tôi thấy mình... tệ lắm! Nhưng... hôm nào có tiết Hoá thầy cũng gọi tôi lên bảng. Từ những công thức cấu tạo đến những phương trình phản ứng, tôi nhớ rất rõ bởi tôi đều được thầy gọi lên bảng viết.
“Em lên bảng giải bài này cho tôi xem”, nhưng lần nào tôi cũng nhận từ thầy câu "Lem nhem quá!”. Những bài tập thầy cho khá nâng cao, tôi không giải được nên nghĩ chắc không cần thiết. Thế nhưng thầy bảo: “Mục đích của các cô, các cậu là gì? Là để thi Trung học phổ thông quốc gia chứ không phải là bài kiểm 1 tiết”. Tôi thấm từng lời thầy nói, và có lẽ nhờ thế mà giờ đây tôi đã giải được những bài tập khó, hiểu sâu hơn những bài tập thầy cho. Tất cả những bài kiểm tra của tôi, dù có đạt điểm 9, 10 đi chăng nữa thầy cũng phê: “Nhớ xem kỹ lưỡng những bài đã học” hay “Phải kỹ lưỡng”...
Tôi hiểu rất rõ những lời phê ấy, thầy nhắc tôi không nên chủ quan vì những con số đó mà phải nỗ lực hết mình từ những điều nhỏ nhất. “Ráng dậy sớm thức khuya mà tu luyện cho mau thành chánh quả”, đó là câu nói “huyền thoại” khi tôi gặp thầy. Thầy đã cho tôi cái nhìn đúng hơn về con đường phía trước và là người kéo tôi lại khi suýt nữa là rớt vào hố sâu. “Sư phụ” - cái tên rất đúng với thầy!
*
Một mùa nhớ nữa lại về, lại một ngày 20-11 nữa lại đến... Tôi - một đứa học trò nhỏ của thầy và cả những đứa con thân yêu của trường THPT Vĩnh Bình, Gò Công Tây muốn gửi đến thầy tất cả lòng tri ân sâu sắc nhất. Chúc thầy luôn vui vẻ, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Xin tóc thầy đừng thêm bạc, xin những nếp nhăn của thầy chỉ là vết hằn trên khoé mắt và đôi môi khi thầy nở những nụ cười hạnh phúc. Thương “Sư phụ”! Thầy Phạm Minh Sơn.
Kiều Tước Nguyên