GN - HỎI: Tôi được một người bạn đạo khuyên, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh do các cơ quan y tế hướng dẫn, thì mọi người nên tụng đọc kinh Châu báu và chí tâm cầu nguyện cho đất nước và thế giới tiêu trừ được dịch bệnh, đồng thời tích cực làm nhiều việc thiện có ý nghĩa thiết thực trong mùa dịch để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Tôi có nên làm theo lời khuyên ấy không? Và xin quý Báo vui lòng cho biết rõ về bài kinh này như xuất xứ, ý nghĩa và tác dụng. Rất mong được giải đáp sớm thắc mắc này giúp mọi người tỏ tường, có niềm tin và sự hành trì đúng Chánh pháp.
(GIÁC CHÚNG, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Hãy đọc kinh, nói lên lời chân thật với tất cả tâm thành, tán thán Phật-Pháp-Tăng một cách tha thiết - Ảnh minh họa
ĐÁP:
Bạn Giác Chúng thân mến!
Kinh Châu báu (Ratana Sutta) thuộc kinh Tiểu bộ (tập 6) là bài kinh cầu an rất phổ biến trong các nước theo Phật giáo Nam tông (Theravada).
Theo các chú giải, duyên khởi của kinh này là do thành Vesali (Tỳ-xá-ly), kinh đô xứ Vajji (Bạt-kỳ) chịu ba tai ương: Đó là nạn đói, nạn ma quỷ (Phi nhơn, Dạ xoa…) quấy phá, và bị bệnh dịch khiến cho rất nhiều người chết. Bộ tộc Licchavi cai trị xứ này đã gửi một phái đoàn đến thành Vương Xá (Rajagaha), xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) gặp Đức Phật lúc bấy giờ đang ngự tại tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), thỉnh cầu Ngài đến Vesali để giải trừ các tai ương ấy.
Khi Đức Phật (cùng với vua trời Đế-thích và chư Thiên) đến thành Vesali, dân chúng vui mừng đón tiếp rất trọng thể, Ngài quán sát biết rõ tai ương này phần lớn do các loài Phi nhơn tạo ra. Đức Phật liền nói kinh Châu báu, bảo Tôn giả Ananda ghi nhớ rồi đi vòng quanh thành phố, vừa đi vừa rải nước chứa trong bình bát và đọc tụng bài kinh này.
Kinh Châu báu, đoạn đầu thỉnh mời tất cả chư Thiên, các chúng sinh trong vùng tụ họp về cùng đảnh lễ và tán thán ân đức Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Kế đó, kinh tán dương trí tuệ của Đức Phật, ca ngợi uy lực của Chánh pháp, xưng tán uy đức của Tăng chúng. Cứ sau mỗi đoạn, Tôn giả Ananda đã tuyên bố bằng lời thiết tha, chân thật: Mong với sự thật này xin được sự an lành!
Nhờ sự tán thán ân đức Tam bảo với những lời chân thật đã khiến cho chư Thiên hoan hỷ và các Phi nhơn cũng được hoan hỷ. Hơn nữa, nhờ uy lực của Đức Phật, uy quang của Giáo pháp, uy đức của Tăng chúng đã thuần phục được các loài Phi nhơn, khiến cho chúng phần lớn bỏ chạy hoặc không hiện ra để quấy nhiễu dân chúng thành Vesali nữa.
Sau đó, vua trời Đế-thích và chư Thiên làm cho trời mưa lớn, kéo dài đến ba ngày rửa sạch thành phố Vesali không còn ô nhiễm và dịch bệnh từ đây cũng chấm dứt. Do duyên khởi đó, kinh Châu báu ngày nay được xếp vào Hộ kinh (Paritta), thường được tụng đọc để cầu an xua tan dịch bệnh.
Như vậy, lời khuyên “bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh do các cơ quan y tế hướng dẫn, thì mọi người nên tụng đọc kinh Châu báu…, làm việc thiện để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh” có thể áp dụng để mang lại các lợi ích thiết thực trong lúc dịch bệnh. Những ai chưa quen với kinh Châu báu, có thể dùng một bản kinh khác vì cảm thấy quen thuộc hoặc có nhân duyên hơn như kinh Phổ môn, kinh Dược Sư.
Vấn đề quan trọng ở đây là “đọc kinh Châu báu” như thế nào? Dĩ nhiên là không phải đọc suông rồi tin tưởng mơ hồ có phép mầu nào đó sẽ đến. Hãy đọc kinh, nói lên lời chân thật với tất cả tâm thành, tán thán Phật-Pháp-Tăng một cách tha thiết cùng sự quán tưởng ân đức Tam bảo với lòng kính tin sâu sắc. Chính tâm cảm này (cùng với uy lực của Tam bảo) mới có thể chạm tới các tâm thức các loài khác, khiến tất cả phát sinh hoan hỷ, hướng đến thiện lành.
Điều cần biết thêm là, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến con người bị dịch bệnh và diệt vong, Đức Phật có nói đến sự tha hóa đạo đức. Khi con người không sống theo Chánh pháp, không tùy thuận Pháp (sống không giới-định-tuệ, sống buông thả theo các dục) thì phước đức về sức khỏe và tuổi thọ của họ suy giảm. Khi phước đức loài người bị suy giảm thì chư Thiên bảo hộ không hộ trì, các loài Phi nhơn mặc sức tung hoành quấy nhiễu, làm hại.
Vì thế, trong tình hình hiện nay, trước mắt là tuân thủ theo các biện pháp phòng chống dịch của cơ quan y tế. Về lâu dài, người Phật tử cần nỗ lực tu học, trau dồi đạo đức, sống thiện lành, tương thân tương ái để nâng cao phước đức cho bản thân và cộng đồng. Theo Phật giáo, tăng trưởng phước đức mới là kháng thể vi diệu nhất, đẩy lùi mọi bệnh tật, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ, sống an bình và hạnh phúc.
Chúc bạn tinh tấn!
Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
(tuvangiacngo@yahoo.com)