Cơ quan chức năng nói gì về tin đồn bắt ma túy tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác?

GNO - Trước tin đồn bắt ma túy trong thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang), phóng viên Giác Ngộ đã trực tiếp đến thiền viện và có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Trúc Thông Kim, phó ban hưng công thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Đại đức cho biết, tin đồn này có từ trước Tết...

6cg.jpg


Đại đức Thích Trúc Thông Kim - phụ trách tại
thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác trao đổi với PV Giác Ngộ - Ảnh: Vũ Giang

“Có một người đàn ông đi ra các quán cơm, cà phê ở Mỹ Hạnh Đông, Cai Lậy, Cái Bè, TP.Mỹ Tho tuyên truyền là tôi thấy ở thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác bán xì ke, bị công an bắt quả tang, lập biên bản. Thầy trụ trì đã bị bắt và thiền viện bị đóng cửa. Từ tin đồn này thì nhiều người truyền miệng nhau làm xáo trộn rất lớn niềm tin của đồng bào, khiến cho các Phật tử các tỉnh, thành phố bị hoang mang, gọi điện liên tục về thiền viện hỏi thăm để xác minh”, Đại đức Thông Kim kể.

Đại đức cho rằng đây là hành vi nhằm gây chia rẽ tinh thần đoàn kết hòa hợp, sự quý kính và niềm tin vào Phật giáo nói chúng và thiền viện nói riêng. Nói với  Giác Ngộ, Đại đức Thông Kim khẳng định: “Tất cả thiền sinh trong thiền viện không hút thuốc, không uống rượu, không coi tivi, chư Tăng không giữ tiền trừ những vị có trách nhiệm, không vi phạm luật pháp nhà nước. Các thiền sinh tu học và gìn giữ giới luật trang nghiêm, thường làm từ thiện, giúp ích cho xã hội như khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo, tặng quà cho đồng bào nghèo”.

Đặc biệt, sau lễ đặt đá ngày 28-4-2012 và sau đó một tháng thiền viện mở “khóa tu đầu tiên đã có trên 1.000 Phật tử đến tu học và từ đó đến nay lượng Phật tử đến viếng cảnh chùa, cũng như tu học lại càng đông hơn” - Đại đức Thông Kim cho biết.

Nói về tin đồn tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, ĐĐ.Thích Đức Thắng, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang khẳng định: “Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật được một số đối tượng ác ý truyền miệng nhau. Bản thân tôi được một số quý thầy, Phật tử gọi điện hỏi, tôi đều nói rõ là tin đồn nhảm. Các thầy ở đây tu học rất nghiêm túc, được bà con, chính quyền ủng hộ.

Tôi nghĩ tin đồn này là do một số người dân hiểu biết chưa tới nơi tới chốn, không chánh tín, thiếu chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ nên hùa theo... thành ra loan những tin sai sự thật khi bản thân chưa hề rõ".

5cg.jpg
Đại đức Thích Đức Thắng, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang khẳng định
với PV, tu sĩ tại thiền viện sinh hoạt đúng hiến chương Giáo hội, pháp luật nhà nước- Ảnh: Vũ Giang

“Về tin đồn này BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã nắm được từ dịp Tết vừa qua, nhưng thời gian gần đây tin đồn lan truyền rộng rãi hơn, không chỉ xung quanh thiền viện mà còn tới các địa phương xung quanh, gây hiểu lầm trong dư luận, làm ảnh hưởng tới tình hình sinh hoạt cũng như an ninh trật tự tại địa phương - HT.Thích Huệ Minh, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang cho biết.

Trước tình hình đó, BTS cũng đã liên hệ với chư tôn đức có trách nhiêm tại thiền viện để nghe báo cáo nắm bắt tình hình về tin đồn trên, qua đó BTS cũng có chỉ đạo cho Ban Thông tin - truyền thông của Phật giáo tỉnh ra thông báo tới chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử gần xa được biết, trong đó đã khẳng định rõ - “thông tin thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác liên quan đến ma túy là nguồn tin thất thiệt, sai sự thật nhằm làm giảm uy tín của thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nói riêng và Phật giáo nói chung”.

Hòa thượng Trưởng BTS PG tỉnh thông tin thêm với PV Giác Ngộ: “Kể từ ngày khánh thành và đưa vào hoạt động cho tới nay, thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh tại địa phương được bà con Phật tử các nơi trở về lễ Phật, hành hương rất đông, đặc biệt trong các dịp lễ tết”.

Còn đại tá Đoàn Văn Tuấn, trưởng công an huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) kể về tin đồn nói trên: “Thông tin có trước Tết, tầm giữa tháng Chạp năm Bính Thân đã có, cụ thể - một số bà con khu vực các xã xung quanh thiền viện, một số người ở xa, quan tâm nghe thông tin trong thiền viện có chứa ma túy và bị Bộ Công an bắt, giờ thiền viện đóng cửa không hoạt động nữa. Trước thông tin đó, một số người có điện trực tiếp hỏi tôi, nghe thông tin này thì tôi thấy lạ”.

Đại tá Tuấn giải thích: “Bởi vì từ khi thiền viện thành lập đến giờ lượng Phật tử  khắp nơi về đây ngày càng đông mà đường sá thì hẹp, nên với trách nhiệm của mình chúng tôi thường xuyên kết hợp với thiền viện để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông nơi đây - nên nắm rõ tình hình của khu vực này và rất an tâm về an ninh trật tự tại khu vực thiền viện”.

Thông tin ban đầu nhỏ, nhưng gần Tết thông tin càng nở rộ, càng ngày càng phức tạp lan sang nhiều tỉnh lân cận, “chúng tôi đã tổ chức nắm tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ xác định hoàn toàn không có vụ việc như tin đồn. Và đã tổ chức xuống địa bàn, thông tin, tuyên truyền trong nội bộ các cơ quan chính quyền, đến bà con các xã, tổ quần chúng tự quản để đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Và bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an cũng đang truy tìm người tung tin thất thiệt” - đại tá Đoàn Văn Tuấn khẳng định với PV Giác Ngộ.

Vu khống có thể bị phạt tù

Nói về hành vi tung tin đồn gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân có những hình thức xử phạt như thế nào, luật sư Trương Văn Nhứt, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015, ở Điều 156 về tội Vu khống quy định:

Với các hành vi “bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì sẽ  bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với 2 người trở lên; đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đối với người đang thi hành công vụ; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; làm nạn nhân tự sát”.

Ngoài ra “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm” - luật sư Nhứt cho biết.

Hình ảnh do Giác Ngộ ghi tại thiền viện ngày 22-1:

1cg.jpg
Dù đã hơn 17g chiều ngày 22-2-2017 nhưng vẫn còn nhiều đoàn Phật tử
đến viếng cảnh thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác - Ảnh: Như Danh

2cg.jpg
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác mở cửa đón Phật tử
khắp nơi về lễ Phật, tham quan bình thường - Ảnh: Như Danh

3cg.jpg
Đại đức Thích Trúc Thông Kim - phụ trách tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác
chia sẻ với phóng viên nguồn cơn câu chuyện

4cg.jpg
Toàn cảnh thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác chụp bằng flycam - Ảnh: Vũ Giang


* Xem tin liên quan:
Bắt ma tuý trong thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là tin đồn thất thiệt ||

V.Giang - N.Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày