GN - Ngoài cần câu cần phải giúp cho họ cái phước mới có thể giải quyết tận gốc cái khổ. Cái phước không ở đâu xa, nó nằm trong chữ Phật.
Hai năm trước vào một ngày cuối năm, đứa cháu gái của tôi gởi một số tiền nhờ tôi mua quà tặng cho những gia đình gặp khó khăn trong xóm để họ ăn Tết. Cầm tiền trong tay mà lòng tôi bồi hồi xúc động. Cháu tôi khi ra đời không may đã phải mồ côi cha - anh tôi mất đi trong chiến tranh - cháu lớn lên thiếu sự chăm sóc, nâng đỡ của người cha. Một mẹ, một con tự đùm bọc lấy nhau mà sống giữa chốn thị thành đầy khó khăn. Nhờ trời cháu tôi mạnh khỏe và học rất giỏi, tốt nghiệp đại học xong, cháu được học bổng xuất ngoại du học.
Sau sáu năm ở nước ngoài, cháu trở về làm cho một công ty của Nhật với đồng lương khá cao, công việc bề bộn nhưng cháu vẫn không quên quê nghèo của nội với những người láng giềng tốt bụng một thời từng thương yêu cưu mang mình, thỉnh thoảng cháu vẫn gởi quà về tặng bà con lối xóm.
Nhẩm tính lượng quà có thể mua được từ số tiền của cháu gởi, tôi đến một tiệm tạp hóa quen đặt hàng, tất cả được hai mươi phần quà. Mang những gói quà đã gói kỹ lưỡng về nhà, tôi chợt nhớ đến cái triết lý con cá và cần câu mà người đời hay nhắc đến khi giúp đỡ đồng loại. Họ khuyên nên cho người cần được giúp đỡ phương tiện để tự kiếm sống hơn là giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất.
Lý thuyết thì hay nhưng thực tế rất khó thực hiện, có những người không cầm nổi chén cơm mà ăn, có những người cũng đã phấn đấu hết sức để vượt qua nghèo đói nhưng số phận vẫn đưa đẩy họ đến con đường cùng, có những người một miếng đất cắm dùi cũng không có nói chi tới sản xuất tăng gia, không kể những kẻ tật nguyền, đau ốm v.v...
Do đó phải thực hiện cả hai biện pháp vừa trợ giúp vừa tạo công ăn chuyện làm cho họ nếu người giúp có khả năng và người được trợ giúp có thể thực hiện. Đồng thời tôi nghĩ còn một biện pháp để giúp nữa vì những người gặp khó khăn trong đời sống hiện tại là những người kém phước, cái khổ của họ trong đời này là hậu quả của nhân xấu mà họ đã gây ra trong kiếp này và bao nhiêu kiếp trước. Do đó muốn giúp họ thoát khổ ngoài giúp vật chất, công ăn chuyện làm còn phải giúp họ tạo phước ngay trong cảnh khổ của họ. Và không có cách tạo phước nào nhanh hơn là thờ Phật và sống theo lời Phật dạy.
Với suy nghĩ đó tôi phát tâm thỉnh mười khuôn ảnh Phật Thích Ca và Bồ-tát Quán Thế Âm, nhờ một sư cô trụ trì chú nguyện sau đó mang về để trên bàn thờ Phật ở nhà đồng thời mua thêm mười cái lư hương để tặng người phát tâm thờ Phật.
Người tôi đến tặng quà đầu tiên là cô H sống một mình ở giữa cánh đồng. Cô ấy có chồng và một đứa con gái, do chỉ có một công đất của mẹ ruột cho không đủ sống nên chồng con phải đi làm thuê ở thành phố, cô ở nhà ngày đi bắt ốc nuôi vịt, trồng đồ hàng bông bán đắp đổi qua ngày. Mảnh đất cô ở trước kia là bãi chiến trường, rất nhiều lính chết nơi đó, cô ấy thường kể đêm ngủ hay nằm mơ nghe tiếng quân reo hò xung trận, tiếng chân người chạy rần rật. Có lẽ những người lính chết không siêu thoát nên mới có chuyện như thế - cô ấy bảo vậy. Có người khen cô gan lì dám ở một mình nơi dễ sợ đó, cô nói không ở đó thì đi đâu.
Sau khi tặng quà tôi bàn cô nên thờ Phật, niệm Phật để tạo phước cho mình và giúp linh hồn những người chết còn vất vưởng nơi đó được nghe tiếng niệm Phật khiến họ được siêu thoát. Cô ấy vui mừng đồng ý và xin thờ cả Phật Thích Ca và Bồ-tát Quán Thế Âm. Tôi vội về nhà thỉnh hai khuôn hình Phật và Bồ-tát, cùng một cái lư hương giao cho cô. Trên đường đem hình Phật tới nhà cô ta, tôi phải đi ngang qua nhà của một người ngoại đạo, thấy tôi ông ta nói gì đó với người thợ hồ đang tráng sân, người thợ hồ đột nhiên nói lớn tiếng: Tối ngày làm chuyện bá láp!
Tôi nghe và hiểu họ đang ám chỉ tôi nhưng tôi vẫn bình thản đi tiếp không phản ứng, tôi bước đi trong tiếng cười chế nhạo của họ. Sau khi giúp cô H an vị Phật xong, tôi trở về nhà. Khi đi ngang nhà người ngoại đạo thì người thợ hồ kia cũng lên xe gắn máy chạy trước xe tôi, chạy được một đoạn anh ta tự dưng đột ngột bẻ ngoặt tay lái rồi té lộn nhào xuống mương cạnh đường, chiếc xe gắn máy đè lên người, đồ nghề văng tứ tung. Tôi tri hô lên, cùng hàng xóm chung quanh phụ kéo anh ta lên. Trên đường về tôi tự hỏi đó là tai nạn bình thường hay đó là quả báo của việc phỉ báng người đi làm việc thiện?
Sau hơn bốn tháng thờ Phật, cô H được người cậu ruột cho một số tiền khá lớn từ tiền bán đất chung của dòng họ, số tiền đó cô dùng mua một tủ thờ để thờ Phật, cô còn sắm được cặp bò để nuôi, sửa sang lại nhà cửa. Thấy được sự biến chuyển tốt đẹp của cô, tôi rất mừng.
Người thứ hai tôi đến trao quà là anh L, một người có đất liền ranh với đất vườn của tôi. Gia cảnh anh trước đây không quá nghèo, có đất sản xuất nhưng vợ chết cách đây khoảng mười năm do bệnh ung thư, anh ta suy sụp tinh thần mượn rượu để giải sầu rồi bị ghiền hồi nào không hay, vườn dừa bỏ bê không chăm sóc cỏ mọc cao tận ngực, bò vào tận thềm… Do không chăm sóc dừa ít trái, lại thêm nhậu nhẹt triền miên anh lâm vào cảnh nợ nần, thiếu trước hụt sau, con cái ngán ngẩm không thèm đến thăm.
Cách một tháng trước, lúc say rượu anh ta tỏ lời bực bội về ranh đất với tôi, tôi đấu dịu nói anh muốn như thế nào cũng được, nghe tôi nói thế anh ta làm thinh. Hôm sau lúc tôi đang cuốc đất vô phân cho vườn dừa bỗng một chiến hữu của anh ta chạy đến nhờ tôi qua xem giúp anh đang bị mệt. Tôi vội chạy qua thấy anh ta nằm trên võng mặt tái lét, vã mồ hôi lạnh, bắt mạch tay thấy mạch nhảy yếu, loạn xạ. Tôi bảo mấy người bạn nhậu của anh ta khuấy nước đường cho uống, họ nói rượu thì có mà đường thì không, tôi chỉ biết lắc đầu chạy vội về nhà lấy đường, dụng cụ y tế, thuốc men đem đến. Nhờ tôi can thiệp kịp thời chiều về anh ta đã khỏe lại, từ đó về sau anh ta có thái độ thân thiện với tôi, tôi góp ý gì anh thường nghe theo.
Khi trao phần quà cho anh, tôi nhìn lên bàn thờ giữa nhà thấy có để một hình Bồ-tát Quán Thế Âm bị mối ăn lỗ chỗ. Tôi hỏi sao anh để hình Phật như vậy, anh ấy bảo lúc trước vợ muốn thờ Phật nhưng anh không cho, vợ anh lén thỉnh về cất trong tủ thỉnh thoảng lấy ra niệm Phật rồi cất, khi vợ chết anh ta không nhớ gì đến tấm hình đó, hôm rồi khi soạn đồ trong tủ thấy hình Phật nhớ đến vợ nên anh đem ra để lên bàn thờ, do cất lâu nên mối ăn hư nhiều. Thấy trên bàn thờ có nhiều bụi bặm tôi hỏi cây chổi để quét, anh ta bảo không có, tôi sang nhà kế bên chuyên bán chổi mua một cây chổi lông gà rồi tự tay quét dọn trên bàn thờ Phật và bàn thờ của vợ anh ta, tặng luôn cây chổi cho anh.
Tôi bảo với anh ta: Ảnh Phật này đã hư rồi, nếu anh đồng ý tôi sẽ tặng ảnh Phật mới để thờ. Anh ta vui vẻ chấp thuận. Tôi vội về nhà ra chợ mua một ít trái cây tươi mang tới nhà anh ta cùng với ảnh Phật. Đặt ảnh Phật lên bàn thờ, tôi và anh ta cùng đốt nhang, lạy Phật. Tôi thầm cầu nguyện Phật, Bồ-tát gia hộ giúp anh thoát khỏi nghiện ngập, tu chí làm ăn.
Sau đó vài tháng, thấy anh bớt nhậu nhẹt, con cái quây quần trở lại cùng anh tu sửa nhà cửa, vườn tược. Nghe anh ta khoe đã chấm được một cô lỡ thời ở xóm trong, định cuối năm rước về, các con đều đã đồng ý. Tôi thấy anh ta tươi tỉnh, thay đổi cách sống mà mừng trong bụng.
Người thứ ba tôi mang quà đến tặng là bà B, tuổi đã hơn bảy sáu mà không có nổi một căn nhà lành lặn để ở, mái nhà thì dột, vách thì trống trước trống sau. Hàng ngày bà nhận hột điều về cạo vỏ gia công để lấy tiền mua gạo, sống đắp đổi qua ngày. Thỉnh thoảng có phái đoàn từ thiện đến xã phát quà, chính quyền vẫn thường ưu tiên cho bà, nhưng năm khi mười họa mới có, chủ yếu bà vẫn phải làm mà sống. Trao quà cho bà xong, biết bà những ngày rằm lớn thường có đi chùa, tôi hỏi: Sao bà đi chùa mà nhà không thờ Phật?
Bà ấy trả lời nhà cửa dột nát, thân tôi còn tránh không khỏi ướt, lấy chỗ đâu mà thờ. Tôi bảo với bà: Bà nên thờ Phật đi, có thờ mới có thiêng, bà thờ Phật, sống theo lời Phật dạy bà sẽ được phước. Nếu bà chịu tôi sẽ tặng cho bà ảnh Phật và lư hương để thờ, bà vui vẻ đồng ý. Sau đó không lâu, chính quyền xã cho bà một căn nhà tình thương. Bây giờ nhà cửa bà đã ổn định hơn, bà vẫn cạo hột điều kiếm sống. Thỉnh thoảng ghé thăm bà, nhìn tủ tờ Phật đặt trang nghiêm giữa nhà tôi thấy lòng rộn rã một niềm vui.
Cứ như thế khi tôi tặng hết hai mươi phần quà của cháu mình thì tôi cũng đã khuyến khích thờ Phật và tặng ảnh Phật được mười gia đình chưa thờ Phật trong xóm. Chỉ trong vòng hai năm, các gia đình đó đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế và tình cảm, họ có cách cư xử hiền hòa, tràn đầy tình làng nghĩa xóm. Có một chiều đi ngang qua những gia đình đó chợt ngửi mùi nhang thơm thoang thoảng tôi bỗng nghe một niềm hạnh phúc nhè nhẹ dâng trào trong tim.
Có lẽ tôi đã đúng khi nghĩ giúp người ngoài con cá, cần câu còn phải giúp cho họ cái phước mới có thể giải quyết tận gốc cái khổ của họ. Cái phước đâu có ở đâu xa, nó nằm trong chữ Phật. Thờ Phật và sống theo lời Phật dạy, phước sẽ đến với cuộc sống của mỗi người!