Còn đó những nỗi đau

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1165 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1165 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi đột ngột mất đi người thân, đón ba, mẹ, chồng, con về nhà bằng hũ tro cốt, nhiều người phụ nữ dường như gục ngã. Nhưng tất cả nỗi đau ấy, họ ép mình phải nén lại, giấu vào trong, kiên cường tiến về phía trước, hoàn thành tâm nguyện để người ra đi được an lòng.

Mùa Vu lan về, trùng với giỗ đầu của nhiều nạn nhân vĩnh viễn ra đi vì Covid-19, cũng là khi nỗi đau và nỗi nhớ người thân lại trở nên da diết.

Hai tuần, mất cả ba và mẹ

“Một năm qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên”, đó là cảm xúc của chị Bùi Ngọc Đoan Trang (phường 21, quận Bình Thạnh), khi nhớ đến hai đấng sanh thành của mình.

Tháng Bảy năm ngoái, khi bị F0, cả nhà chị Trang đã có “chuyến du lịch” ở 3 nơi khác nhau dành cho 3 người. Chị Trang và mẹ cùng đi cách ly ngày 11-7-2021, đến ngày 21-7 thì mẹ chị mất. Ngày 28-7 chị Trang hoàn thành cách ly về nhà để đợi ba về thì ngày 4-8 nhận tin ba qua đời cũng vì Covid-19.

“Tôi nhớ hoài khoảnh khắc ấy, lúc đi cách ly, mẹ nói với cả nhà là đi du lịch vài ngày rồi về, mẹ trấn an tôi và ba là mình chỉ là đi du lịch thôi. Cứ nghĩ rằng sau 2 tuần thì gia đình sẽ được sum họp. Nhưng không ngờ, cái vẫy tay đó của mẹ và ba là cái vẫy tay cuối cùng. Lần đi cách ly đó, ba người chúng tôi vĩnh viễn rời xa nhau”, chị Trang không kiềm được xúc động.

Ngày nhận được hài cốt của ba mẹ được phía quân đội trao lại, chị Trang kể, bản thân đã tự nhủ rằng chắc họ nhầm lẫn và trấn an rằng ba mẹ vẫn khỏe, đang được điều trị ở bệnh viện, một ngày nào đó ba mẹ hết Covid sẽ cùng nắm tay về nhà. Nhưng không, sự thật là ba mẹ đã xa lìa xa chị mãi mãi. Kể từ đó, chị và em gái không còn được gọi hai từ thiêng liêng ba mẹ nữa.

Khi hoàn thành việc dạy học ở trường về, ngồi giữa bốn bức tường, nhất là khi mùa Vu lan lại đến, trong lòng chị chợt trào lên cảm xúc khó tả và những giọt nước mắt lại rơi.

Mỗi khi thắp hương trên bàn thờ cha mẹ, chị Đoan Trang lại rưng rưng

Mỗi khi thắp hương trên bàn thờ cha mẹ, chị Đoan Trang lại rưng rưng

Chị nhớ từng chi tiết về mẹ: “Lúc cách ly ở chung nơi, tôi được chăm sóc mẹ. Khi mẹ chuyển biến xấu, mẹ nói với tôi chắc mẹ không ổn rồi, mẹ thấy mệt lắm. Mẹ thở không nổi, mẹ còn bị té sưng đầu. Mẹ được chuyển qua bệnh viện điều trị Covid. Tôi đau, như đứt từng tế bào.

Nỗi đau lớn nhất với tôi là thân bất lực, không thể và không có cách nào ở cạnh mẹ trong phút giây sanh tử đau đớn ấy, tôi biết cả mẹ và ba đều rất muốn có tôi bên cạnh. Đời người nào học được chữ ngờ nhưng với tôi chữ ngờ này thật sự quá lớn”.

Cả ba và mẹ của chị Trang mất đi khi những dự định vẫn còn dở dang. “Đó là cuối năm 2021 sẽ nghỉ buôn bán, nghỉ hưu để sang nước ngoài thăm đứa con gái út; là nắm tay nhau đi du lịch, là cùng nhau cả nhà đầy đủ thành viên ăn cùng nhau bữa cơm đoàn viên…”, chị kể.

Đó là lý do vì sao, trên đường phố tấp nập, bất chợt nhìn thấy ba mẹ nắm tay con mình dạo phố hay cả nhà cùng nhau dùng bữa, chị Trang cảm thấy rất vui vì họ còn mẹ còn cha để được bảo bọc yêu thương; đồng thời trong khoảnh khắc đó lòng chị như thắt lại và nước mắt rơi. Chị dặn mình phải cố gắng, làm điểm tựa cho em gái và thực hiện mà ba, mẹ còn dang dở.

“Bây giờ nếu bỏ hết tất cả để đổi lấy thiên thu tiếng mẹ cười, ba còn sống, chị cũng đổi nhưng nào có được”, chị nói.

Nỗi đau của người mẹ mất con

Gần một năm ngày đi xa của con trai. Nhưng mỗi khi ai đó nhắc lại lòng người mẹ lại chực trào nước mắt, cứ thế câu chuyện bị đứt quãng và khô khốc.

Cô Quỳnh Thị Sự, 55 tuổi (hẻm 239 đường Trần Văn Đang, phường 11, quận 3) kể ngày biết tin con trai Phạm Huỳnh Bảo (35 tuổi) mất vì đại dịch Covid-19 (vào tháng 9-2021), cô chỉ muốn đi theo con.

Thời điểm đó cả khu vực nhà cô đều bị phong tỏa, cô bị dương tính nên được đưa vô điều trị tại Bệnh viện 115. Sau đó chồng cô cũng bị, và con trai cũng có triệu chứng nên xin đi cùng để có thể chăm cho ba tại Bệnh viện dã chiến số 8. Chỉ trong thời gian ngắn, con trai của cô trở nặng và được chuyển điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 và không qua khỏi. “Nó có hiếu lắm, khi còn sống lúc nào cũng chăm lo chu đáo cho ba mẹ hết ”, cô Sự rớm nước mắt nghẹn ngào.

Em mồ côi cha được bà chăm sóc

Em mồ côi cha được bà chăm sóc

Khi nhận được hũ cốt của anh, gia đình gửi hương khói tại chùa Vĩnh Nghiêm. Từ ngày anh mất, vợ chồng cô Sự thay con trai chăm lo cho hai cháu là bé gái Phạm Bảo Khanh (17 tháng tuổi) và bé trai Phạm Bảo Anh (chuẩn bị lên lớp 2 Trường Tiểu học Trần Văn Đang, quận 3). Ngày nào cũng tất bật lo cho cháu gái ăn, chơi với cháu; lại chăm cho cháu trai học, hướng dẫn tập đọc, tập viết, nhiều lúc quên cả lo cho bản thân. Cô Sự chia sẻ: “Chăm cho hai cháu thật tốt là cách giúp cho tôi vượt qua nỗi đau mất con”.

Mặc dù có che giấu cách nào, cô cũng không thể quên đi nỗi đau, cô bộc bạch: “Nhớ con quá cô lại chạy vô chùa thăm con”. Cô nói một câu ngắn nhưng đủ để tất cả những người nghe cảm nhận được nỗi nhớ con trong cô da diết đến nhường nào!

Cô Sự cho biết con trai là lao động chính trong gia đình, nên từ ngày anh mất, kinh tế cũng khó khăn nhiều bề. Vợ chồng cô nghỉ bán nước để dành thời gian toàn bộ chăm hai cháu, thay cho con dâu đi bán hàng ở siêu thị. Thỉnh thoảng có mạnh thường quân hỗ trợ, rồi các em thương chị hỗ trợ ít nhiều, nên gia đình cũng gói ghém chợ búa qua ngày.

Trong câu chuyện kể, thỉnh thoảng cô dừng lại nhìn lên bàn thờ con, rồi nhìn xa xăm, khi bé Min (tên ở nhà của Khanh) bi bô gọi ba và chỉ lên bàn thờ. Khóe mắt của cô và cả những người xung quanh, ai cũng cay cay.

Sống tiếp vì những tâm nguyện của người đã mất

Chị Lưu Thị Hà, sinh năm 1979, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM, trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19, cả gia đình chị 4 người đều mắc bệnh và người chồng đã ra đi một cách đột ngột, để lại nhiều đau thương và gánh nặng cho gia đình.

“Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, đến bây giờ nghĩ lại vẫn không thể hình dung được. Quá nhiều đau xót, nuối tiếc và những tâm nguyện dang dở chưa được thực hiện khi anh ra đi bất ngờ như vậy”, chị Hà xúc động khi nghĩ về người chồng của mình.

Chồng chị dù đã tiêm 1 mũi vắc-xin trước đó nhưng vẫn không thể tránh khỏi con vi-rút vô hình. Con gái vì vậy mà lây nhiễm nên 2 người được đưa đi cách ly chung cho tiện bề chăm sóc. Mắt rướm lệ, chị nghẹn ngào nói tiếp: “Đêm cuối trước khi anh ấy mất, tôi vẫn còn dặn dò con gái hãy lạc quan để chăm lo cho ba. Đến 6 giờ sáng hôm sau, tin dữ báo về, anh đã không qua khỏi. Lúc đó, tôi không tin và chấp nhận được nỗi đau đó, mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt của tôi”.

“Mặc dù tin cuộc sống vô thường, nhưng khi nghe tin dữ ấy tôi bấn loạn, quên hết cả mọi lý lẽ. Chỉ có nỗi đau dày vò tâm can là điều mà tôi cảm nhận rõ nhất mà thôi”, chị trải lòng. Quá bi thương nên chị ngã bệnh và nhiễm phải Covid-19. Thể trạng kém cùng với căn bệnh nền là tiểu đường khiến nhiều người nghĩ rằng chắc chị trước sau gì cũng theo anh.

Chị Hà kể, cái chết của chồng là điều khủng khiếp nhất mà chị phải trải qua nhưng khi nghe đứa con trai 5 tuổi mếu máo nói: “Ba đã mất, mẹ một nơi, chị một nơi, cuộc đời thật là buồn”, chị thấy nó chẳng là gì so với việc để lại 2 đứa con nhỏ cô đơn không ai chăm sóc. Vì vậy chị quyết tâm phải sống, phải thoát được lưỡi hái tử thần mà chị đang đối diện để về với con. 5 ngày đêm liên tục chị không dám ngủ, chị sợ khi mình nhắm mắt rồi sẽ không còn tỉnh lại nữa. Chính suy nghĩ vì con đã cho chị nghị lực để vượt qua lằn ranh sinh tử đó. Tuy nhiên, cái giá đổi lại đó là chị bị suy nhược nặng, tóc rụng rất nhiều, phổi cũng vì thế mà yếu đi cho đến bây giờ.

Về được với con nhưng nỗi đau mất chồng vẫn theo chị mãi, cứ mỗi khi ai nhắc đến tên hay nhìn những đồ vật của chồng để lại, trái tim chị quặn thắt đến nổi không thể thở được. Chị nợ anh một cái ôm, một lời tạm biệt của người vợ dành cho chồng trước lúc đi xa và đau đáu nhất là một tang lễ với câu kinh cầu nguyện đàng hoàng cho anh. Sống chung với những dằn vặt đó gần 1 năm, chị can đảm thổ lộ hết những u uất trong lòng cho chị chồng nghe, mong tìm kiếm một giải pháp để vượt qua điều đó. Chị chồng vốn là một Phật tử thuần thành, liền tổ chức một buổi lễ cầu siêu với đầy đủ các nghi thức trong Phật giáo để mong người em của mình nhẹ nhàng giải thoát.

“Tôi không tin vào chuyện tâm linh lắm nhưng lạ thay, từ đó trở đi, tâm hồn tôi trở nên nhẹ nhõm hẳn. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi lại đi chùa để cầu siêu cho anh ấy, 2 đứa con cũng theo Phật như ba nó, biết làm nhiều điều thiện để mong muốn hồi hướng phước lành cho ba của chúng”, chị Hà nói thêm.

Người cũng đã mất, mọi chuyện quay về lại với nếp sống cũ. Đời sống của 3 mẹ con chị trở nên khó khăn do thiếu vắng anh ấy. Số tiền từ việc bán thức ăn sáng mỗi ngày bấp bênh, chỉ đủ lo cơm ngày 3 bữa cho cả nhà. Mỗi tháng xoay xở gần chục triệu đồng để lo học phí cho 2 đứa con cũng là vấn đề khó khăn với một người còn nhiều di chứng hậu Covid-19 như chị. Chiếc xe máy, kỷ vật giá trị nhất mà anh ấy để lại, 2 mẹ con chị phải thay phiên nhau sử dụng vì chưa đủ tiền để mua xe mới. Tuy gánh nặng trên vai thêm nhiều do không có ai chia sẻ, chị vẫn mạnh mẽ bước tiếp để lo cho con, mong chúng có được cuộc sống đầy đủ hơn.

Chị phấn chấn nói: “Ba mẹ con vẫn luôn động viên và an ủi nhau cố sống, cố vượt qua mọi trở ngại để anh ấy không phải lo lắng. Chưa kể, tôi còn phải hoàn thành tâm nguyện dang dở của chồng là nuôi dạy con cái nên người, tiếp nối những hy vọng mà anh gửi gắm nơi 2 đứa con của mình”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày