“Con người là chủ nhân của vũ trụ”, câu nói thông dụng này nên sửa thành “Con người là chủ nhân của trái đất”; như vậy cũng chỉ tạm chấp nhận được. Bởi trong không gian quả địa cầu còn nhiều cảnh giới khác nhau cùng tồn tại. Đơn cử như không gian của người âm. Con người là chủ nhân, là trung tâm. Vậy điều trọng yếu ta phải trang bị là gì nếu trước hết không phải triết lý nhân sinh.
Triết lý nhân sinh là gì? Đó chính là phần cơ bản trong đạo Phật. Đạo Phật đã nêu ra một cách chi tiết và sinh động về các tầng trời, cõi Phật - có vẻ xa vời. Nên chỉ bàn đến điều gần nhất với con người, ấy là sự sống sau cái chết. Có hay không cõi âm? Chưa cần trực ngộ, chưa cần chau mày nhăn trán nghĩ suy; đất nước chúng ta có hẳn một Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, trong đó nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, bằng khả năng có được “từ cõi chết trở về” đã nói chuyện với hơn mười nghìn liệt sĩ. Gần đây, Phan Thị Bích Hằng, qua sự tiếp xúc với người âm đã thấy được sự nhiệm mầu của đạo Phật, chỉ có đạo Phật mới cứu được con người bên kia thế giới, dẫu muộn. Trong một đại lễ cầu siêu, Phan Thị Bích Hằng cũng thấy một bà hoàng sau cả ngàn năm vẫn chưa “siêu thoát”, vẫn còn chen lấn cùng chúng sinh bốc cháo và đồ vãi cúng…
Chữ siêu thoát mà Phan Thị Bích Hằng dùng, thiết nghĩ nhất thiết phải bỏ trong ngoặc kép, bởi siêu thoát đúng nghĩa phải là thoát khỏi luân hồi sinh tử. Có thể ví sự siêu thoát trên như một người tại cơ quan nọ trước đây làm việc trong căn phòng tối tăm chật hẹp, ẩm mốc, nay được chuyển tới gian phòng rộng, thoáng đãng sạch sẽ hơn; đó cũng có thể là tầng trời thấp nào đó, chứ chưa thay đổi cảnh giới! Mỗi cảnh giới có thời gian khác nhau. Chúng ta biết các liệt sĩ được tiếp chuyện với nhà ngoại cảm, sau mấy chục năm họ vẫn ở “tuổi hai mươi”, vẫn không già bao nhiêu. Biết đâu ở cõi ấy, một năm chỉ bằng một ngày ở cõi dương. Đời Hán có Lưu Thần và Nguyễn Triệu một lần lên núi Thiên Thai hái thuốc gặp tiên nữ, phải lòng liền cưới làm vợ. Nửa năm (ở cõi trời) chợt nhớ cõi trần da diết nên quyết định xuống thăm bà con họ hàng. Ai ngờ chẳng còn ai. Ngẩn ngơ hỏi han mãi mới biết người thân giờ đã trở thành thiên cổ qua bao đời dâu bể. Như vậy có thể một số người âm sau hàng trăm năm (ngồi chưa ấm chỗ) họ vẫn chưa đầu thai vào các nẻo trong lục đạo. Hoặc gần giáo lý Phật hơn, chính là do còn chấp nê thân mình; nếu “hồn” họ chịu tới chùa nghe kinh, nghe giảng pháp, niệm Phật đặng cầu giải thoát khắc sẽ thâm nhập được vào một cõi nào đó không tệ để rút ngắn thời gian cập bến bờ Tịnh độ. Các nhà ngoại cảm nói chung, thiết nghĩ đến thời điểm này vẫn chưa nhìn thấy được cảnh giới của địa ngục, a-tu-la... (phải người chứng đạo mới thấy được). Có thể họ chỉ mới thấy cảnh giới Thân trung ấm và “những vấn đề xung quanh”. Điều này cũng là một hạn chế lớn khi soi vào định luật nhân quả, rộng hơn là không tránh khỏi khiến ai đó hiểu không thật đúng sự vi diệu của Phật pháp. Ngay cả người thân của Phật. Vào thời điểm xảy ra chiến tranh, Mục Kiền Liên liền xuống trần gian hốt người thân của Phật vào bát mang lên trời lánh nạn; cuộc chiến chấm dứt, ngài xuống lại trần gian đổ thân quyến của Phật trong bát ra thì thấy… toàn máu!
Đạo Phật hàng ngày nhắc nhở nhân loại hãy thức tỉnh. Bộ óc của con người thật vĩ đại, ai uyên bác không chừng nạp được hết thảy kiến thức liên mạng; chỉ trừ Phật pháp. Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo. Phật chỉ giảng ra những điều Ngài thấy sau khi giác ngộ tối thượng. Ai nghe rồi hãy hành trì và tự chứng xem có đúng không? Không đúng thì tự bỏ Phật, không một sợi dây hay văn bản nào ràng buộc. Từ thời điểm 500 vị chứng quả A-la-hán đầu tiên do Tôn giả Ca Diếp tập hợp để kiểm chứng cho việc trùng tuyên lời Phật dạy (thành kinh), cho đến nay đã rất nhiều người “giấu mặt’ chứng Thánh quả, vẫn chưa ai lật lại một câu trong kinh Phật. “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” - câu nói của Phật Thích Ca Mâu Ni nhẹ như mây khiến những người ta cúi lạy (tượng Phật) vạn lần còn mang ơn trọng.
Các tầng cảnh giới gần như là sự đặt định từ vũ trụ. Nếu cõi người không cần pháp luật để trị ác nhân thì vũ trụ này cũng đâu cần tạo ra các tầng để ân sủng Phật, Bồ-tát và ngược lại là đọa đày chúng sinh. Phật thấy chúng sinh quằn quại trong địa ngục, nhớp nhúa quăng quật trong cõi súc sinh, giằng xé nhau trong cõi ngạ quỷ và ganh đua tham đắm trong cõi người, nên đã cùng các Bồ-tát hạ mình xuống cứu vớt. Nếu chúng sinh thấy được công ơn vô lượng của các Ngài, thì sẽ không một thiện tri thức nào lại kêu: “Sao cuộc đời lắm bất công oan trái!”. Con người không chịu tu để vói tay “lên trời” nên cứ đinh ninh “nho còn xanh quá”. Một người nông dân nghèo họ thường ăn cơm vào buổi sáng để đủ sức lên đồng; cơ may nào đó được lên phố làm việc công sở lương bổng kha khá thì chuyển qua dùng bún cho buổi sáng. Sau một thời gian dư dả họ lại tìm đến những quán ăn sáng xa xỉ hơn, dẫn đến tình trạng lăng xăng tìm kiếm “cảm hứng” cho vị giác. Một người tu, nhờ năng lượng của thiền định và thanh lọc tâm tịnh sáng, một thời gian họ thấy không còn nhu cầu điểm tâm sáng nữa; chuyên tâm miên mật hơn người ấy trở thành một thiền sư nhập thất hàng tháng trời không cần ăn uống. Người nông dân (trở thành công chức) kia sẽ không hề chạm tay được vào niềm hạnh phúc vô bờ của người tu (trở thành thiền sư) khi đã dứt được cái tham cầu ăn uống. Và nhiều niềm hạnh phúc tối thượng khác như dứt phiền não, ngũ dục lục trần… những thứ mà người phàm càng cố khoanh vùng hưởng thụ càng thấy bất lực khi thời gian dành cho sự tỉnh thức của mình dần ráo cạn.
Con người - chủ nhân của trái đất lẽ nào lại chẳng cần biết đến căn cốt triết lý nhân sinh?! Không tin có đời sau là không biết đến căn cốt triết lý nhân sinh. Không tin có nhân quả báo ứng là không biết đến căn cốt triết lý nhân sinh. Không tin có luân hồi sinh tử là không biết đến căn cốt triết lý nhân sinh. Không tin nếu tu tập đúng theo cách chỉ dạy của Phật sẽ đứng hẳn ra ngoài Tam giới trọn vẹn hết khổ đau là không biết đến căn cốt của triết lý nhân sinh v.v… Con người lẽ nào trang bị tất cả những triết lý khác trước rồi mới trang bị điều căn cốt của triết lý nhân sinh?
Con người tin sâu điều căn cốt triết lý nhân sinh, nghĩa là tin sâu quy luật nhân quả luân hồi. Tin sâu thuyết này sẽ không còn nghĩ ác, không còn hành vi bất thiện, dẫu cho sự nghĩ và hành vi ấy không ai nào biết đến. Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm mười hai có 3 câu như sau:
“Đại hải Long Vương lúc làm mưa
Có thể phân biệt đếm từng giọt
Ở trong một niệm biết rõ ràng”.
Nó “gợi” cho ta điều gì? Hàng ngày ta vẫn giấu những việc xấu - gọi là nghiệp; và khoe khoang việc tốt, những việc liên quan đến từ thiện - gọi là đức. Nhưng điều đó gần như vô nghĩa. Mới chỉ Đại Hải Long Vương thôi mà trong một niệm đã đếm được bao giọt mưa trong một trận mưa, huống hồ các Bồ-tát và Phật. Phật trong một sát-na đếm được là bao nhiêu lá rụng trong rừng. Cũng như lúc ta đóng ngoặc kép dòng tên một người nổi tiếng cho vào google rồi enter, trong một giây sẽ cho ra vô số kết quả. Phật thấu suốt đức-nghiệp của vô vàn chúng sinh. Những việc xấu ngay cả mới khởi ý niệm vi tế thôi đã có trung tâm xử lý nhân quả ghi lại. Còn với việc thiện, ta chỉ nên nói ra ở mức độ vừa phải để khơi dậy lòng tốt từ những người xưa nay chưa biết đến khái niệm “mở hầu bao” hiệp nghĩa. Hãy dè sẻn ở mức tối đa hành động thiện nguyện của mình làm gương, mà tốt nhất hãy lấy minh chứng công đức từ những người thật ta từng chứng kiến, càng gần ta và càng gần người ta muốn phục thiện càng tốt.
Sau những ngày thiền định dưới cội Bồ-đề, Phật chứng quả đầu tiên là Túc mạng minh - thấy rõ ràng những đời quá khứ. Cuộc đời một sinh mệnh như sợi dây giăng ngang trời với vô vàn nút thắt, mỗi nút đánh dấu một kiếp, quãng giữa các nút dài ngắn tùy thuộc vào số mạng, vào các kiếp (người, trời, a-tu-la hay súc sinh, ngạ quỷ). Con người nói chung đều phải bám vào quả địa cầu quay tít mù và luôn trong cảm giác lo sợ run tay mỏi gối văng vào các nẻo luân hồi thấp thua. Dẫu sao, biết sợ điều ấy cũng xem như bước giác ngộ đầu tiên vậy.