Con vẫn là thằng K hay ấm đầu, sổ mũi của mẹ

GNO - Vậy là mẹ con mình biết mặt nhau được 25 năm rồi mẹ ha, nhanh quá mẹ nhỉ. Tròn một phần tư thế kỷ con được sống cùng với mẹ. Con hạnh phúc lắm.

25 năm trước cũng vào ngày này, mẹ đến bệnh viện sinh con trong một buổi chiều mưa gió trên chiếc xích lô máy. Con không biết, để đến được với cuộc đời này, để con được cuộc sống như ngày hôm nay, thì con có làm mẹ đau trong chuyến đi biển mồ côi một mình đó không nữa. Nhưng nếu có, thì con cũng không muốn đâu mẹ ơi, chắc là do bản năng của con người trong con là vậy thôi.

anh me con.jpg


Mẹ và con - Ảnh minh họa

Con là con trai, con sẽ không phải sinh nở, nhưng con hiểu chữ “mang nặng đẻ đau” của mẹ lắm. Nửa đêm ngày 1-5, con vẫn còn là một sinh linh vô định ngụp lặn trong cuộc sinh tử ngoài biển khơi lạnh lẽo kia, rồi mẹ đến, một mình, dang tay ôm lấy con, đón con vào bờ. Trời sáng, con ra đời.

Con nghĩ các kiếp trước chắc con tu nhiều lắm, tu nhiều nên kiếp này con mới được đầu thai làm con của mẹ đó. Sao trong vô vàn sinh linh đến với cuộc đời này vào cái ngày đó, mẹ lại chọn con mà không phải là một ai khác, sao giữa 3 tỷ rưỡi người phụ nữ trên trái đất này, con không đến với người khác mà lại đến với mẹ, mình có duyên với nhau quá phải không mẹ?

Kỷ niệm với mẹ, trong con là cả một kho tàng nhiều vô kể. Con mà kể ra chắc cũng là ngàn lẻ một đêm đó mẹ. Vui cũng có, buồn cũng có. Buồn nhất là những lần con đau hay bị bệnh. Hồi nhỏ, bệnh viện là một cõi đi về đối với con. Hè lớp 1, lớp 3, lớp 5, lớp 7, con đều đặn vào bệnh viện. Khéo mẹ ha. Nhớ nhất là lần con nằm viện hơn tháng trời hè năm lớp 7. Bệnh bạch hầu. Dù con đã được chủng ngừa đầy đủ, nhưng có lẽ do thể trạng của con. Con nghe bác sĩ nói, và con hiểu, chỉ cần đến trễ khoảng một tiếng nữa thôi, là con sẽ về lại với cõi hoang vu kia rồi. Lần đó về nhà, con lên được 5 kg. 5 kg con lấy từ cơ thể mẹ.

Một kỷ niệm khác, lần con nuốt phải hột nhãn năm lớp 8. Không phải con tham ăn đâu mẹ, lần đó con vừa ăn vừa giỡn với anh Hai, con cười, hột nhãn chạy tuốt vào cổ họng con. Con gào lên thật to để cái hột ấy văng khỏi cổ họng con, con cố lắm, nhưng nó không ra. Anh Hai vừa sốc người con vừa khóc. Con thở không nổi nữa. Hình ảnh cuối cùng con nhìn thấy là khuôn mặt hoảng hốt và tiếng la thất thanh của mẹ. Con ngất, cũng may là con được cấp cứu kịp thời. Một lần nữa, con cảm nhận thấy, bàn tay mẹ mạnh hơn cái lưỡi hái kia. Mẹ giành được lấy con, trong tơi tả, rã rời.

Nuôi anh Hai và con trong cái cảnh bao cấp, đói ăn thật khó khăn cho một cô tiểu thư con nhà khá giả như phần đời con gái của mẹ. Ở tuổi 25 như con bây giờ, con được thoải mái ung dung theo đuổi ước mơ của mình, được thoải mái bạn bè, vô ưu, vô lo, nhưng với mẹ, mẹ đã gạt hết tất cả để lo cho tụi con.

Anh Hai vẫn hay trách con lớn rồi sao cứ để mẹ ủi áo đi làm, sao cứ để mẹ chuẩn bị cơm mang theo mỗi khi đi dạy. Con không cãi anh Hai, nhưng với điều đó, con có niềm vui riêng của mình mẹ à. Con mặc chiếc áo mẹ ủi, con biết chắc rằng bàn tay của mẹ đã từng vuốt qua chiếc áo đó, như thể mẹ đang xoa đầu hay vuốt lưng con vậy, con thích vì con thấy ấm áp lắm; con không thích ăn cơm ở ngoài tiệm náo nhiệt, con thích lên phòng nghỉ, một mình, mở cơm của mẹ ra rồi ăn, như con đang ăn trưa với mẹ vậy. Con có làm mẹ cực không?

Con biết mẹ thiệt thòi nhiều thứ lắm, nhất là tình cảm. Tuổi thơ của mẹ cũng vắng tiếng cha, như con vậy. Hạnh phúc lứa đôi của mẹ chợt gãy gánh giữa đường, vì những điều mà theo con là hết sức không đáng. Nhiều lúc con hỏi mẹ có buồn không, mẹ nói, nhẹ tựa lông hồng, “Có con với anh Hai rồi, mẹ buồn gì nữa”. Nước mắt lăn dài.

Anh Hai tính hiếu động hơn con nhiều, nên con biết đôi lúc anh Hai làm mẹ buồn. Đến giờ vẫn vậy. Con vẫn luôn tự vẽ ra cho mình một lằn ranh và tự hứa sẽ không bao giờ phạm phải cái lằn ranh ấy, để mẹ không phải buồn phiền nữa. Nhiều lúc con nghĩ, mẹ cứ như một bức tượng đá vậy, con với anh Hai mỗi người cầm một cái đục và đục vào bức tượng đó vậy, mẹ sẽ dần hao mòn vì tụi con, đến một lúc nào đó, đổ sụp xuống - vĩnh viễn mất bức tượng đá đó. Con thật sự không muốn.

Hôm qua, mẹ còn hỏi con sinh nhật thích mẹ nấu gì không K? Mẹ ơi, con lớn rồi, sinh nhật, con không thể đòi hỏi là mẹ sẽ làm gì cho con nữa đâu, mà phải là con làm điều gì tặng lại mẹ đã. Nói cho công bằng, ngày con ra đời, thì ai phải mang ơn ai?

Anh Hai lập gia đình, tin mừng, mẹ sắp được làm bà nội. Con thấy trong mắt mẹ ánh lên một niềm vui khôn tả. Con đoán nhé, mẹ nghỉ thế này, thằng Bòn Bon mình còn ẵm ngửa ngày nào, vậy mà giờ sắp làm cha rồi. Núm ruột của mình giờ sắp sinh ra một núm ruột nữa. Làm mẹ, còn niềm vui nào hơn. Mẹ từng nói, mẹ không cần anh em tụi con phải quyền cao chức trọng, phải xe hơi nhà lầu, phải hào nhoáng tưng bừng, mẹ chỉ cần anh em con khỏe mạnh và hạnh phúc, là mẹ an lòng rồi. Cái cảm giác may mắn mà 25 năm trước con từng có, giờ lại trỗi dậy.

Mẹ ơi, năm nay con 25 tuổi rồi, cái tuổi mà ở đó, con không còn xốc nổi, nhưng cũng chưa thật sự chín chắn mẹ à. Con vẫn luôn cần mẹ, mãi mãi như vậy. Con biết, năm con 60 tuổi, hay hơn nữa, con vẫn là thằng K hay ấm đầu sổ mũi của mẹ ngày nào thôi, và con sẽ luôn hạnh phúc vì cái nhìn đó của mẹ. Con thương mẹ thật nhiều.

Huỳnh Quốc Khiêm

Mời bạn đọc viết "Vu lan trong tim con"

Tháng Bảy - mùa Vu lan - mùa Hiếu hạnh. Đây là dịp để mỗi người ôn nhắc công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; ơn giáo dưỡng của thầy tổ... trong Tứ trọng ơn Phật dạy. Và đây cũng là cơ hội để những người con, học trò giãi bày với cha mẹ, thầy mình về những lỗi lầm lỡ phạm, kỷ niệm đã qua và lòng biết ơn sâu sắc.

Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp.

Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc. Vì thế, tháng Bảy - Vu lan, nếu bạn có những xúc cảm nào cần bày tỏ, những nỗi niềm nào cần được chia sẻ..., hãy gửi cho Giác Ngộ - chúng tôi tình nguyện bắc một nhịp cầu để bạn được trải lòng một cách nhẹ nhàng, bình an.

Biết đâu, mỗi con chữ của bạn sẽ trở thành món quà ý nghĩa, thành đóa hoa tươi thắm dâng tặng đấng sinh thành, tỏ lòng biết ơn người một đời giáo dưỡng để mình nên huệ mạng?

Mọi chia sẻ và bài viết của bạn đều được chúng tôi trân trọng đọc, chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ và Giác Ngộ online - để cùng góp tay khơi dậy tinh thần hiếu đạo nơi mỗi người, giúp mỗi người neo đậu lòng mình trước phong ba cuộc đời...

Bài vở (nếu được, có thể gửi thêm hình ảnh nhân vật trong câu chuyện) hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com (ghi rõ: gửi mục Vu lan trong tim con); nhận bài đến ngày 25-8 (rằm tháng Bảy).

Kính chúc quý bạn đọc có một mùa Vu lan an lạc, tinh tấn.

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày