Công đức của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào với GHPGVN

Chân dung Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào
Chân dung Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hôm nay 15-6-Tân Sửu, húy nhật lần thứ 24 Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911-1997), nguyên Thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Chủ nhiệm Báo Giác Ngộ.

Giác Ngộ Online trích giới thiệu bài viết của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN trong tọa đàm về Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào tổ chức năm 2011 tại thiền viện Quảng Đức.

***

Sau ngày 30-4 lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trong bối cảnh lịch sử, xã hội mới sang trang, các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo cũng lấy làm bỡ ngỡ. Tăng Ni, Phật tử chưa có định hướng rõ rệt, thì cần phải có một tổ chức làm đầu mối liên lạc, tập trung để góp phần ổn định xã hội và phát triển Đạo pháp trong thời đại mới.

Ngày 7-8-1975, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh được thành lập, ra mắt tại Nhà hát lớn thành phố, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Chủ tịch Thường trực, Hòa thượng Thích Hiển Pháp làm Tổng Thư ký.

Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh nhanh chóng tập hợp được các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo đang sinh hoạt tại miền Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng, Hòa thượng đã góp phần ổn định xã hội, giúp cho Tăng Ni, Phật tử có định hướng tu học và phát triển những thành quả Cách mạng và Phật giáo có điều kiện hòa mình cùng nhân dân, xã hội phát huy Đạo pháp trong thời đại mới của lịch sử, dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Đại lão Hòa thượng là vị giáo phẩm gắn bó với mọi hoạt động của Phật giáo, thân lâm tới nhiều địa phương để chứng minh, lắng nghe và chỉ đạo hoạt động Phật sự - Ảnh: tư liệu TT.Thích Phước Triều

Đại lão Hòa thượng là vị giáo phẩm gắn bó với mọi hoạt động của Phật giáo, thân lâm tới nhiều địa phương để chứng minh, lắng nghe và chỉ đạo hoạt động Phật sự - Ảnh: tư liệu TT.Thích Phước Triều

Với tiền đề cơ bản là Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh, đến ngày 2-2-1980, Chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo đang sinh hoạt trong cả nước đã họp tại Tp. Hồ Chí Minh để bàn thảo kế hoạch thống nhất Phật giáo Việt Nam sau khi nước nhà đã thống nhất, các tổ chức chính trị cũng đã thống nhất thành một mối duy nhất.

Đó là điều kiện cơ bản, thuận duyên tất yếu để cho Phật giáo Việt Nam thống nhất thành một tổ chức duy nhất.

Kết quả, một Ban Vận động thống nhất Phật giáo được thành lập, do Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Q. Hội trưởng Hội TNPGVN, Hòa thượng Thích Đôn Hậu - Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPGVNTN làm Chứng minh; Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm Trưởng ban; Hòa thượng là Ủy viên Thường trực của Ban Vận động.

Sau hơn một năm hoạt động tích cực, được sự cho phép của Chính phủ tại công văn số 621 ngày 19-9-1981, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tiến hành Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội, từ ngày 4 – 7-11-1981.

Hòa thượng Thích Thiện Hào là Trưởng đoàn Đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh tham dự Đại hội và phát biểu tham luận có đoạn: “… Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh chúng tôi, được hình thành với chức năng liên lạc, vận động đoàn kết các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo để động viên Tăng Ni, Phật tử góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, phát huy ánh sáng Chính pháp, phục vụ lợi lạc quần sinh, làm đạo mạch được kết hợp hài hòa theo dòng lịch sử tiến lên của dân tộc… ”.

Đặc biệt, ngày 7-11-1981, Hòa thượng đại diện đoàn Đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước ký vào các biên bản thông qua Hiến chương GHPGVN đầu tiên gồm 11 chương, 46 điều, làm cơ sở pháp lý cho GHPGVN tồn tại, phát triển.

Sau Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ I, với chức vụ Phó Chủ tịch Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và trách nhiệm được giao phó, Hòa thượng đã tiến hành hiệp thương thành lập, ra mắt Ban Trị sự Phật giáo TP.Hồ Chí Minh năm 1982, là đơn vị đầu tiên được thành lập trong cả nước, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban, Hòa thượng là Phó Trưởng Ban Thường trực, hoạt động tích cực, hữu hiệu trong giai đoạn đầu, đầy khó khăn của lịch sử và xã hội.

Bước sang Đại hội Phật giáo Thành phố kỳ II (1987), Hòa thượng làm Trưởng ban Trị sự, tiếp tục phát triển những thành quả bước đầu, cơ bản của Phật giáo thành phố.

Hòa thượng đã tiến hành xin phép Chính quyền thành lập Trường Cơ bản Phật học TP.Hồ Chí Minh, nay là Trường Trung cấp Phật học Thành phố, cơ sở đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, đây được xem là một công đức vô cùng lớn lao và quyết sách là “Vì lợi ích 100 năm trồng người”, nhất là thực hiện ý chỉ của Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Pháp chủ đầu tiên GHPGVN, về việc xin Chính phủ thành lập 3 Trường Đại học Phật giáo tại 3 miền và các Trường Phật học tại các tỉnh, thành.

Đại lão Hòa thượng phát biểu tại tòa soạn Báo Giác Ngộ - Ảnh: tư liệu của BGN

Đại lão Hòa thượng phát biểu tại tòa soạn Báo Giác Ngộ - Ảnh: tư liệu của BGN

Hòa thượng đã chỉ đạo Hòa thượng Thích Hiển Pháp - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa Sen dời Hợp tác xã về chùa Hưng Phước, để dành mặt bằng cơ sở dãy phòng Đông lang làm Trường Cơ bản Phật học, xây dựng một thế hệ tương lai cho Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Thành phố mà Hòa thượng là tác nhân đầu tiên và tích cực để đưa đến sự hình thành Trường Cơ bản Phật học đầu tiên của GHPGVN chính thức khai giảng ngày 30-4-1989 và phát triển đến ngày nay đã có hơn ngàn Tăng Ni sinh được đào tạo và trở thành nhân tố tích cực cho Đạo pháp và các hoạt động Phật sự tại cơ sở và các cấp Giáo hội Trung ương, tỉnh, thành, địa phương.

Trên lĩnh vực văn hóa, năm 1985 sau khi Hòa thượng Thích Minh Nguyệt - Chủ nhiệm Báo Giác Ngộ - là cơ quan ngôn luận của Phật giáo Yêu nước, về sau là Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh viên tịch, Hòa thượng được cử làm Chủ nhiệm Ban Biên tập Báo Giác Ngộ do Cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập, Cư sĩ Nguyễn Văn Hàm làm Tổng Thư ký, Cư sĩ Tống Hồ Cầm làm Trị sự.

Đến ngày 20-10-1990, chính thức bàn giao cho Thành hội Phật giáo và một Ban Biên tập mới do Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Tổng Biên tập, Thượng tọa Thích Giác Toàn làm Tổng Thư ký và Cư sĩ Tống Hồ Cầm làm Trị sự.

Từ năm 1987, Hòa thượng được Đại hội suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, trong trách nhiệm điều hành các hoạt động Phật sự phía Nam, Hòa thượng chỉ đạo Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội tổ chức Khóa Bồi dưỡng Hành chánh cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tại chùa Khánh Quang, TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang từ ngày 3 – 7-4-1990.

Trong Huấn từ, Hòa thượng có nhấn mạnh: “… Như quý vị đã biết, đây là lần đầu tiên Trung ương Giáo hội tổ chức khóa tập huấn cán bộ Giáo hội trên một qui mô rộng lớn, gồm 8 tỉnh Miền Tây. Vì thời gian quá cấp bách và hạn hẹp, do đó mọi chuẩn bị chưa được chu đáo, nhất là về mặt tổ chức nhân sự và nội dung sinh hoạt của khóa học. Với những khuyết điểm trên, Trung ương Giáo hội sẽ rút kinh nghiệm cho các khóa tập huấn cán bộ Giáo hội khác, đạt nhiều thành tựu và tốt đẹp hơn..”.

Ưu tư trước vấn đề cơ sở, nhất là trụ sở Văn phòng 2 - phía Nam của Giáo hội, Hòa thượng đã được sự đồng thuận của các cơ quan Nhà nước và Thành phố, V/v xin lại cơ sở Trung tâm Văn hóa Quảng Đức, trước là Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN, do cố Hòa thượng Thích Thiện Minh sáng lập và làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên kiêm Giám đốc Trung tâm.

Từ công văn số 01/HĐTS ngày 15-8-1990, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký, V/v xin lại TTVH Quảng Đức để làm Trụ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Hòa thượng đã liên tục ký tiếp của các văn bản có liên quan và hội họp thường xuyên để tìm cách giải quyết văn bản của Hòa thượng Chủ tịch đã ký.

Cuối cùng, UBND Thành phố đã có văn bản số 950/UB ngày 18-12-1991 công nhận quyền sở hữu TTVH Quảng Đức là cơ sở của GHPGVN và Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội được dời từ Chùa Xá Lợi, quận 3 về số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.

Kể từ ngày 23/10/1993, Hòa thượng được Giáo hội bổ nhiệm làm Viện chủ Thiền viện Quảng Đức – Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, đến nay cơ sở đã được xây dựng lại khang trang, xứng đáng là Trụ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo phía Nam.

Về mặt văn hóa ở lĩnh vực Trung ương Giáo hội, Hòa thượng cũng rất quan tâm chú trọng và phát triển.

Ngày 23-4-1990, Viện Nghiên cứu Phật học tại TP.Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng, đã ra mắt Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch ấn hành Đìaị Tạng Kinh Việt Nam, do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Chủ tịch, Hòa thượng được cung thỉnh làm Trưởng ban Bảo trợ cho Viện.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Hòa thượng đã kêu gọi các Ban Trị sự, Tăng Ni, Phật tử, các Quận, Huyện, Cơ sở Tự viện ủng hộ tài chính để Viện hoàn thành công tác phiên dịch và ấn hành.

Kết quả, đã có 33 tập Đại Tạng Kinh Việt Nam được ấn hành và 15 đầu sách đủ loại khác, góp phần vào kho tàng Văn hóa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo TP.Hồ Chí Minh.

Trên lĩnh vực Trung ương Giáo hội, Hòa thượng đã quan tâm thì tại TP.Hồ Chí Minh Hòa thượng cũng chú trọng đặc biệt.

Với tư cách là Trưởng Ban Trị sự THPG TP.Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ban Biên tập Báo Giác Ngộ, Hòa thượng đã chủ động cho thành lập Ban Biên soạn bộ Lịch sử Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, do Hòa thượng Thích Thanh Kiểm làm Trưởng ban Biên tập cùng với quý Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Giác Toàn, cư sĩ Ngọc Trang, Nguyễn Văn Hàm là thành viên.

Kết quả quyển sơ thảo Lịch sử Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, quyển Biên Niên sử Phật giáo TP. Hồ Chí Minh và Danh mục các Tự viện Thành phố được biên tập để chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo TP.Hồ Chí Minh lần thứ III, do Hòa thượng chỉ đạo và chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản.

Qua đó, cho thấy Hòa thượng đã quan tâm rất nhiều đối với vấn đề phát huy và bảo tồn văn hóa của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Trước sự khan hiếm về giảng sư hoằng pháp cho Giáo hội cũng như TP.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn đầu của Giáo hội và Thành hội, cả nước chỉ có 08 giảng sư và 01 cư sĩ của Ban Hoằng pháp Trung ương, không thể đáp ứng nhu cầu thuyết giảng Phật pháp cho Phật tử và lợi khí tuyên truyền, truyền bá Phật pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm đầu mới thành lập, nên từ năm 1987 - 1990, với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự THPG TP.Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo An cư toàn thành phố, Thiền chủ Trường hạ Vĩnh Nghiêm, đã kết hợp cùng Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội tổ chức Hội thi diễn giảng, do Hòa thượng Thích Hiển Pháp làm Chánh Chủ khảo đã tuyển chọn được một số giảng sinh xuất sắc, làm nhân tố hoằng pháp cho Giáo hội, điền khuyết những chỗ thiếu hụt giảng sư của Giáo hội.

Đại lão Hòa thượng chia sẻ với chư tôn đức, trí thức và văn nghệ sĩ tại tòa soạn Báo Giác Ngộ - Ảnh tư liệu BGN

Đại lão Hòa thượng chia sẻ với chư tôn đức, trí thức và văn nghệ sĩ tại tòa soạn Báo Giác Ngộ - Ảnh tư liệu BGN

Thực là hữu ích và thực tế, và công đức đó vẫn còn lưu lại qua những bậc giảng sư đầu tiên được tuyển chọn còn lại đến ngày nay đang phục vụ trong ngành Hoằng pháp và giáo dục ở Trung ương và Thành phố, là HT.Thích Đạt Đạo, HT.Thích Minh Nghĩa, HT.Thích Minh Hiền, TT.Thích Thiện Bảo, TT Thích Thiện Nghĩa, TT.Thích Đồng Bổn, TT.Thích Viên Chơn, TT.Thích Tâm Trí, TT.Thích Nguyên Thiện, TT.Thích Hạnh Huệ v.v… là một bằng chứng cho công đức của Hòa thượng đã để lại cho ngành Hoằng pháp Trung ương và TP.Hồ Chí Minh.

Để từ đó mở ra các chương trình đào tạo Hoằng pháp chính quy do Giáo hội qui định, qua các Khóa Đào tạo Giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương - Khóa Thiện Hoa (1994 - 1996), khóa Trí Thủ (1995 - 1997) tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội.

Kết quả đào tạo có hơn 454 Tăng Ni giảng sinh tốt nghiệp giảng sư cấp Trung ương và địa phương. Hòa thượng đã chứng minh và ban huấn từ trong các lễ bế giảng, mãn khóa có đoạn: “… Tôi xin thay mặt Trung ương Giáo hội, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệt liệt tán dương công đức của Quý vị trong Ban Tổ chức, Ban điều hành, Ban Giảng huấn và các vị liên hệ nói chung, đã đem hết tâm lực, sức lực, thực hiện hoàn thành Nghị quyết của Giáo hội và công tác Hoằng pháp, bồi dưỡng Giảng sinh trong suốt 3 năm qua.

Tôi cũng có lời tán thán đến Tăng Ni giảng sinh, vì sự nghiệp Hoằng dương Chính pháp, phục vụ Giáo hội mai sau, đã vượt qua mọi trở ngại, khó khăn nhất thời, hoàn thành sứ mạng cao cả của mình sau 3 năm học tập…”

Đối với công đức tu hành giới pháp, xây dựng thế hệ kế thừa cho ngôi Tam bảo, lực lượng vững chắc cho nhân sự GHPGVN trong hiện tại và tương lai, với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng Ban Trị sự THPG TP.Hồ Chí Minh, Hòa thượng là Trưởng ban Kiến đàn của các Giới đàn: Trí Thủ (1984), Thiện Hoa (1988), Thiện Hòa (1991), Thiện Hoa (1994), đã có 1712 giới tử được thụ giới và đắc giới, hàng ngàn Phật tử thụ Bồ tát giới qua các Đại giới đàn, làm cho Phật pháp xương minh, Tăng già hưng thịnh, Tam bảo trang nghiêm, góp phần tăng cường đạo lực cho GHPGVN trong hiện tại và mai sau.

Bằng đức tính khiêm cung, độ lượng, từ bi, hỷ xả, nhiếp hóa, bao dung, ân đức tỏa sáng của Hòa thượng, do đó những Tỉnh, Thành hội Phật giáo có khó khăn, mất đoàn kết nội bộ, đều có hình ảnh, gót chân của Hòa thượng hằn in dấu, để cùng hòa giải, thấu tình đạt lý, góp phần đem lại sự đoàn kết, ổn định Phật sự tại các Tỉnh hội, giúp cho các hoạt động Phật sự được hanh thông trong suốt chiều dài lịch sử 30 năm qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như tỉnh Thừa Thiên Huế, Phật giáo Quảng Ngãi, Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận v.v…

Ngày nay, mỗi lần hồi tưởng lại công đức của Hòa thượng, những thành viên còn lại của Phật giáo các nơi, nhất là những nơi mà Hòa thượng đã từng đến thăm viếng, cùng giải quyết các vấn đề tồn đọng của địa phương, từng động viên nhắc nhở các thành viên Ban Trị sự, thì tất cả đều bảo rằng: “Nếu ngày đó không có Hòa thượng Thiện Hào thì chắc gì Phật giáo tỉnh tôi được ổn định và phát triển như ngày hôm nay”.

Để tưởng nhớ công đức Hòa thượng đã hiến dâng cho Đạo pháp, cho Dân tộc, nhất là sự phát triển GHPGVN trong lòng dân tộc, nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất Phật giáo Việt Nam, Giáo hội đã đề nghị Nhà nước đặt tên đường cho 04 vị Cao Tăng đã có nhiều cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc, nhất là trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, đó là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào.

Với niềm tri ân, báo ân trân trọng của GHPGVN, của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, hy vọng trong một thời gian gần, sẽ có một tên đường mang tên Hòa thượng Thiện Hào, chạy ngang qua giữa lòng thành phố mang tên Hồ Chủ tịch kính yêu.

Đây cũng là một nghĩa cử tôn vinh của tất cả chúng ta và Nhà nước đối với công đức đóng góp cho sự phát triển GHPGVN của Hòa thượng. Quả thực: “Dù cho Hòa thượng đi xa. Quê hương vẫn giữa bao la bóng người. Pháp thân lồng lộng tuyệt vời. Sáng soi Pháp giới rạng ngời sử xanh”.

(Trích tham luận tại buổi tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Thiện Hào, tổ chức tại Thiền viện Quảng Đức, ngày 15-7-2011)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày