Công nghệ làm vàng lá thủ công tại Mandalay bị đe dọa

GN - Myat Par Yat thuộc thành phố Mandalay là nơi tập trung nhiều xưởng sản xuất vàng lá thủ công tại Myanmar - một sản phẩm thiết yếu đối với đời sống của người Phật tử ở đất nước này.

Sau khi được tán thành những lá vàng tinh tế, chúng được dán lên trên các mảnh giấy, rồi đóng gói. Mỗi gói đựng 100 tờ vàng lá, trọng lượng khoảng 1 gram.

Myanmar-550x366.jpg


Tại một xưởng sản xuất vàng lá thủ công ở Mandalay - Myanmar

Mandalay là chiếc nôi của vàng lá ở Myanmar. Các sản phẩm của Myat Par Yat đã được phân phối đến khắp mọi miền đất nước để dát vào chùa Shwedagon ở Rangoon, tượng Phaung Daw Oo của Đức Phật ở hồ Inle, tượng Mahamyatmuni ở Mandalay, và hàng trăm ngôi chùa cùng các tượng Phật ở Bagan, Pegu và các nơi khác. Vàng lá còn được sử dụng để trang trí sơn mài, dùng trong y học cổ truyền Myanmar và trong mỹ phẩm.

Nhưng khi nền kinh tế của đất nước mở cửa, người dân trong ngành công nghiệp vàng lá thủ công tại địa phương lo ngại rằng, một dòng vàng lá nhập khẩu - được làm bằng máy móc hiện đại và kém chất lượng - đang đe dọa công việc của họ.

Gần đây, một thương gia địa phương đã thắng cuộc trong đợt đấu giá bán vàng lá làm bằng máy cho chùa Shwedagon, và những người trong ngành công nghiệp làm vàng lá thủ công của Mandalay tin rằng, vàng lá nhập khẩu hiện đang được sử dụng tại nhiều di tích Phật giáo quan trọng nhất của Myanmar.

Bà Chaw Su, chủ của một trong những xưởng sản xuất vàng lá tại Myat Par Yat cho biết: “Các Phật tử của chùa cho biết, vàng lá làm bằng máy rẻ hơn nhiều so với làm bằng tay, và đây là lý do gói thầu [của vị thương gia kia] đã thắng”.

Một gói vàng lá chứa 100 lá vàng làm thủ công tại địa phương có giá 32.000 kyat (khoảng 32 đô-la Mỹ), trong khi cũng với số lượng đó, nếu là sản phẩm làm bằng máy thì chỉ bán với giá 25.000 kyat. Những người làm vàng lá ở Mandalay nói rằng, giá cả phản ánh sự thuần khiết của sản phẩm của họ và công sức lao động đầu tư vào đó - thời gian tán bằng búa và khâu xử lý lá vàng cực kỳ cẩn thận. Giấy để dán lá vàng lên cũng được làm thủ công nên nó chiếm thêm thời gian trong quá trình sản xuất.

Bà Chaw Su nói thêm: “Chúng tôi đã thấy lá vàng được làm ​​bằng máy, nó không đủ mỏng như sản phẩm của chúng tôi, và chất lượng vàng của chúng không thể so sánh với các sản phẩm của chúng tôi. Giấy chứa lá vàng của họ không thuận tiện cho quá trình dát vàng”.

Bà Chaw Su còn nói rằng, thậm chí những Phật tử của chùa Shwedagon đã yêu cầu các nhà sản xuất vàng lá tại Mandalay dán những lá vàng làm bằng máy lên giấy thủ công địa phương để cho việc dát vàng được dễ dàng hơn.

Một phát ngôn viên của Ủy ban quản lý của chùa Shwedagon nói với tờ The Irrawaddy rằng,  lá vàng làm bằng máy mà nhà chùa mua - từ những người bán không có tên tuổi - có thể so sánh về chất lượng đối với những lá vàng được làm thủ công. Chúng tôi đã kiểm tra chất lượng và chúng có chất lượng tốt. Chúng tôi nhìn vào giá cả và vàng lá làm bằng máy rẻ hơn, đó là lý do để họ thắng thầu.

Trong những năm gần đây, các Phật tử hành hương đến từ Thái Lan và Trung Quốc đã mang vàng lá của họ đến cúng tại những ngôi chùa và những tượng Phật nổi tiếng của đất nước, nhưng thường xuyên bị ngăn chặn bởi một số cơ quan có thẩm quyền của nhà chùa, họ không cho dát vàng lá nhập khẩu lên những nơi thờ tự của người Myanmar bởi lo ngại người ta sẽ mang vàng giả và lá đồng vào, gây tổn hại cho các pho tượng và các ngôi chùa nếu được dát những loại vàng lá đó với số lượng lớn.

Cho dù các sản phẩm cạnh tranh được nhập khẩu hay không, các nhà sản xuất vàng lá thủ công Mandalay nói rằng, công việc của họ đang bị đe dọa.

Kyaw Ngwe, một nhà sản xuất vàng lá nói: Trên thực tế, ngành công nghiệp của chúng tôi chủ yếu phụ thuộc vào các chùa và các Phật tử; các thương gia vàng lá trên toàn quốc cũng là những khách hàng trung thành của chúng tôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu các khách hàng khác đi theo cách làm của chùa Shwedagon?

Nếu các thương nhân và tín đồ Phật tử muốn dùng vàng lá làm bằng máy, thì xưởng sản xuất thủ công của chúng tôi sẽ không còn tồn tại và chỉ thuộc về lịch sử. Nếu ngày đó đến, hơn 20 xưởng sản xuất và hơn 100.000 người lao động [trong toàn bộ ngành công nghiệp làm vàng lá thủ công] sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Hoàng Lam (theo irrawaddy.org)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày