Nhìn những đường gậy múa lân rồng thanh thoát, dẻo dai mà vẫn đầy uy lực, không ai có thể nghĩ cụ Lưu Văn Đen đã ở cái tuổi 81 và có “thâm niên” đến 21 năm múa tứ linh bố cao trời đất trước giờ khai hội chùa Hương.
Khao khát múa gậy từ thuở nhỏ
Giữa đoàn múa tứ linh ngót nghét ba mươi người, cụ Đen nổi bật bởi thần thái của một tiên ông với chòm râu bạc trắng, đôi mắt tinh nhanh và nụ cười hiền từ luôn thường trực; mặc dù nước da đã sạm đen và nhăn nheo đi nhiều sau bao nhiêu những nỗi lo toan mưu sinh kiếm sống suốt cả một đời người.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, cụ ngẫm ngợi một chút rồi cười bảo: “Cái dáng khỏe khoắn của tôi thì đích thực là của một người lao động rồi. Chỉ có điều, múa gậy lân rồng dường như lại là một duyên nợ khác của đời tôi. Tôi “lây” cái niềm đam mê ấy từ ông cụ thân sinh và có lẽ cũng là bởi nhờ được ăn lộc Thánh nữa”.
Sinh năm 1930 tại thôn Hội Xá - Hương Sơn - Mỹ Đức - Hà Nội, cụ Đen vẫn nhớ như in trong ký ức của mình về một thời thơ ấu dù gian khổ nhưng đầy ắp niềm hạnh phúc trẻ thơ khi mỗi lần được ngồi xem cụ thân sinh đi những đường gậy trong những buổi múa lân và những buổi tập võ nghệ. Chính những đường gậy đầy ám ảnh bởi sự huyền ảo ấy đã khơi dậy trong tâm hồn cậu bé Đen năm nào một khao khát có được sự tài hoa như thế.
Cụ Lưu Văn Đen vẫn cường tráng và khỏe mạnh dù đã ở tuổi 81. (Ảnh: Anh Thế)
Đã tham gia phục vụ cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho đến khi trở về địa phương, chưa bao giờ cụ Lưu Văn Đen ngừng luyện tập môn võ gậy và các thế múa gậy lân rồng. Thấy chúng tôi cứ ngạc nhiên mãi về sức mạnh từ đôi bàn tay nhiều gân guốc và sự uyển chuyển từ sức vóc còn khá rắn chắc của cụ, cụ bật cười giải thích: “Có gì đâu, ngày trẻ, cứ buổi sáng tôi dành ba mươi phút tập gậy, tập thể lực. Đến khi có tuổi, mỗi buổi sáng chỉ cần dành ra năm, mười phút tập luyện. Ngày nào cũng phải đều đặn như thế bất kể nắng mưa. Nếu cứ tập luyện như thế đảm bảo ai cũng khỏe mạnh như tôi”.
Năm 1990, cùng với một số thanh niên trai tráng trong làng, cụ Đen đã lập ra đoàn múa tứ linh Hội Xá. Ước nguyện từ những ngày thơ ấu cuối cùng cũng thành hiện thực. Trong đội múa tứ linh (long, lân, quy, phượng), một trong các vị trí quan trọng và cũng khó khăn nhất chính là người múa gậy lân, rồng mà cụ Đen đảm nhận trong suốt 21 năm qua.
Bước chân, bàn tay của cụ rất nhanh nhẹn và rắn chắc
Để có thể dẫn dắt cho cả một đoàn múa tứ linh, người múa gậy lân rồng phải cực kỳ khỏe mạnh, dẻo dai, linh hoạt và thông minh. Cũng chính vào những năm tháng đoàn múa Tứ linh của cụ Đen thành lập là lúc lễ hội truyền thống chùa Hương bắt đầu tái dựng lại nghi lễ tâm linh truyền thống: múa tứ linh.
Là những người con của vùng đất Hương Sơn, cụ Lưu Văn Đen cùng đội múa Hội Xá hăm hở luyện tập chuẩn bị cho nghi lễ múa tứ linh đầu tiên tại chùa Hương Tích sau bao nhiêu năm gián đoạn. Và trong suốt 21 năm ròng, nghi lễ múa tứ linh của làng Hội Xá bố cáo trời đất trước thời khắc khai hội chùa Hương đã trở thành một phần không thể thiếu của lễ khai hội chùa Hương.
Những đường gậy tài hoa
Nói về ý nghĩa văn hóa tâm linh đặc sắc của nghi lễ múa tứ linh tại lễ hội chùa Hương, cụ Lưu Văn Đen hào hứng chia sẻ: “Múa tứ linh là một nghi lễ truyền thống của văn hóa phương đông. Trong những tích múa tứ linh, người xem được thấy sự xuất hiện của cả 4 linh vật: rồng, lân, quy và phượng. Ý nghĩa bao trùm trước tiên của nghi lễ múa tứ linh là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho Phúc - Lộc - Thọ tới muôn người.
Tuy nhiên, mỗi một điệu múa trong cả màn diễn lại có những ý nghĩa riêng. Đặc biệt, với lễ khai hội chùa Hương, múa tứ linh là đưa bốn linh vật về với chốn cửa thiền. Trong đó như rồng và lân là hai linh vật vô cùng hung hãn, người múa gậy lân rồng chính là người mở đường, đưa những linh vật như thế vào chùa hướng thiện.
Cụ Đen biểu diễn màn múa gậy lân rồng đưa tứ linh vào chùa.
Sau khi đưa dẫn thành công các linh vật vào cửa thiền, những linh vật lập tức hóa thần. Điều đó toát lên một triết lý sâu xa rằng chỉ có những ai biết tu tâm hướng thiện mới có thể hóa Thánh mà thôi. Các tích múa trong vở diễn đều hướng người xem đến những triết lý nhân sinh cao cả. Đó cũng giải thích vì sao người múa gậy lân rồng phải là người được lựa chọn kỹ lưỡng và có vị trí quan trọng bậc nhất trong cả đội múa”.
Để chúng tôi được “mục sở thị” sự tài hoa của người cầm múa gậy lân rồng, cụ Đen tủm tỉm bước ra một chỗ thoáng rộng. Sau khi xuống tấn chuẩn bị, cụ bắt đầu một đoạn múa bằng những đoạn ra gậy điêu luyện với sức mạnh “thôi sơn” mà ngay cả những thanh niên trai tráng cũng phải lắc đầu lè lưỡi.
Ông Trần Văn Vân - người múa lân trong đội - chia sẻ: “Hình như lễ khai hội chùa Hương đã trở thành một nghi lễ linh thiêng mở đầu cho một năm mới của cả chính bản thân cụ Đen và chúng tôi. Là người may mắn được sát cánh bên cụ bên mỗi đường gậy, tôi và tất cả đội luôn kính trọng và ngưỡng mộ sức khỏe cũng như những phẩm chất cao đẹp của cụ”.
Tiếng trống khai hội chùa Hương vang lên, những đường gậy tài hoa của cụ Đen chính thức bố cáo với trời đất về thời khắc linh thiêng khi khu danh thắng Hương Sơn chính thức mở màn.