Cụ già tu mướn

Giác Ngộ - Thiền sư Bạch Ẩn ở Nhật Bản có một tục gia đệ tử. Người này thường đến than thở rằng cha của y dù tuổi đã cao, vẫn cứ mải mê làm việc kiếm tiền chứ chẳng chịu tu niệm gì cả. Mỗi lần y nhắc nhở thì ông cụ quả quyết: "Nếu chuyện tu hành mà té tiền té bạc thì hãy nói với ta, bằng không thì đừng hòng!".
daoly.gif

Hôm nọ, nghe xong nỗi băn khoăn của người đệ tử, Thiền sư Bạch Ẩn bảo: "Chiều nay con về bảo với cha con rằng: Hòa thượng Bạch Ẩn bận bịu công việc quá đỗi nên không thể tu hành như ý muốn được. Ngài nhờ con tìm một người tu mướn. Cứ mười chuỗi niệm Phật là một quan tiền. Cần chọn người tuổi cao như cha. Người làm mướn có thể lãnh tiền mỗi ngày hoặc hàng tuần cũng được".

Người đệ tử y lời về thưa với cha mình. Nhận thấy rằng đây là một công việc làm ăn té tiền té bạc hẳn hoi, ông lão sốt sắng nhận lời. Thêm vào đó, ngoài mười xâu chuỗi niệm Phật ăn tiền, ông còn hoan hỷ khuyến mãi biếu không cho Hòa thượng hai xâu nữa.

Giao kèo đã ký kết, ông cụ cứ đến chùa lãnh tiền hàng ngày. Về sau để khỏi mất thời giờ, cụ để dồn hàng tuần mới lãnh.

Bẵng đi một thời gian không thấy cụ đến lãnh tiền. Người con theo lời dạy của Hòa thượng, cứ để cha già làm theo ý muốn. Ngoài ba bữa ăn, ông cụ ngồi ngay ngắn trước điện Phật… mà làm mướn. Cho đến một hôm, thấy cha mình cơ hồ đã ngưng lần chuỗi, mắt khép nhẹ, hơi thở điều hòa, nhẹ nhàng. Người con liền đến báo tin Hòa thượng hay.

Thiền sư Bạch Ẩn đến tận nơi quan sát. Thấy cụ già có dáng người có hơi nghiêng, do tuổi tác chất chồng, nhưng mặt mũi hồng hào. Gương mặt ông phảng phất một niềm bình thản khinh an. Ngài nói khẽ với người con như một hơi gió thoảng: "Cha con đã nhập định".

Thiền sư Bạch Ẩn đã dạy thiền cho ông cụ bằng cách ấy. (Theo Truyện cổ Phật giáo Nhật Bản)

Bài học đạo lý́:

Có một người cha đã đọc câu chuyện "Cụ già tu mướn" và thấy rằng đây là một câu chuyện rất hay! Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin Ekaku, 1685-1768) đã rất giỏi khi dùng phương tiện để đạt cứu cánh. Và người cha kia đã học theo cách này để dạy một cậu con trai mới vào lớp một, vì cậu ta không được chăm chỉ cho lắm, có thể nói là ham chơi nhiều hơn học. Người cha đã nói với con nếu có được một điểm 10, ông sẽ thưởng cho cậu một ngàn đồng. Nghe vậy cậu ta khoái quá, hăng say học quên cả chơi, ngày nào tối thiểu cậu ta cũng có được một hoặc hai điểm 10. Sau một học kỳ, cậu ta rất vui mừng vì đã biết đọc. Cậu hí hửng đem con heo đất đầy tiền thưởng tặng bố và nói một câu ngắn gọn: "Con không lấy tiền của bố nữa đâu!".

Thế mới biết, để dẫn dắt một người mê quay về con đường tỉnh thức là rất khó, nhưng không phải không làm được. Điều quan trọng là phải có những bậc thầy giỏi như Thiền sư Bạch Ẩn. Thiền sư là người có trí tuệ, biết ông cụ đang say sưa mê mải kiếm tiền, chưa thích thú việc tu. Vì chưa tu học, cho nên ông cụ chưa biết những lợi lạc của việc tĩnh tâm tu niệm. Thiền sư đã nghĩ ra cách thuê tiền để cho ông cụ "tu mướn", vì ông đang thích tiền. Sau một thời gian "tu mướn" không lâu, ông cụ đã chuyển sang tu thật vì cảm nhận được nhiều điều lợi ích.

Hiện nay, không ít những gia đình có các thành viên rất siêng năng tu học, nhưng những người khác lại chỉ lo kiếm tiền, không quan tâm đến chuyện tu tâm, dưỡng tánh. Tất nhiên, việc kiếm tiền phục vụ cho đời sống là quan trọng nhưng cũng không được xao lãng việc tu, nếu không ta sẽ rơi vào con đường bất thiện. Điều trăn trở của vị đệ tử trong câu chuyện trên cũng là niềm trăn trở chung cho rất nhiều người Phật tử. May sao còn có những ngôi chùa và không thiếu những vị thầy giỏi để có thể giúp cho chúng ta hóa giải những bài toán khó mà mỗi gia đình đang gặp phải như gia đình của vị đệ tử trong câu chuyện "Cụ già tu mướn" kia. l

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày