Cùng đọc cùng thương...

GN - "Hãy thư giãn, im lặng và lắng nghe - chăm chú lắng nghe câu chuyện về... Con có muốn biết chuyện gì đã xảy ra không? Con thử đoán xem điều dũng cảm đó là gì, loại trái cây kỳ lạ đó tên gì... Chúng ta hãy cùng khám phá nhé".

Đó là cách mà từng câu chuyện nhỏ sâu trong bộ sách Đức Phật kể con nghe bắt đầu. Đặc biệt, nhẹ nhàng và chánh niệm, như một nghi thức, nói nghi lễ cũng không quá, nếu thật sự các gia đình tôn trọng và trân quý từng giây phút được hiện diện bên nhau như đọc sách, chơi đùa, lắng nghe, trò chuyện...

docsach.jpg


Ảnh minh họa

Và rồi các bạn nhỏ lần lượt bị cuốn vào từng cuộc phiêu lưu của đoàn lữ hành, cuốn vào cuộc phát hiện ra một cái cây, cái quả kỳ lạ mà mỗi người lại thấy nó dưới một dáng hình khác nhau. Nhân vật chính không phải lúc nào cũng là một hoàng tử, công chúa hay một cô gái nhỏ. Nhân vật chính đôi khi chỉ là những loài vật bé mọn: chú vẹt, một chú nai, một chú rùa... Nhưng trái tim quả cảm, can đảm, mạnh mẽ và đầy tình yêu, mà lòng bao dung tha thứ, sự từ bi có thể lớn hơn bất cứ một ông vua, một bà hoàng nào. Nhân vật mà Đức Phật kể con nghe có khi chỉ là một cậu bé lười hay một con công vênh váo, một ông già keo kiệt... và rồi sau một biến cố họ đã nhận ra được một bài học lớn của cuộc đời mình, họ có thể trở nên rộng lượng hơn, biết nhận lỗi lầm, biết sửa đổi bản thân, hay ít ra cũng nhận biết được cái sai của mình với một niềm xấu hổ...

Tương truyền mỗi một nhân vật chính là một hóa thân, một kiếp sống nào đó của Đức Phật trong vô lượng kiếp. Người đọc nhỏ thưởng thức từ những bức minh họa sống động đến những thông điệp rất lạ mà có thể các em chưa từng nghe trước đó bao giờ. Chẳng hạn như Đức Phật là ai? Đạo Phật là gì? Sáu sự hoàn hảo là như thế nào? Ngày nay tại sao chúng ta cần đạo Phật... Những giá trị cũng như những khái niệm cơ bản, nguồn gốc của đạo Phật được giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc bằng ngôn ngữ hiện đại gần gũi với trẻ em.

Một giá trị cộng thêm quý giá khác chính là những bài hướng dẫn thiền cuối sách: Ngắn gọn, hướng dẫn cho trẻ từng bước một rõ ràng chu đáo từ khâu chuẩn bị, từ tư thế ngồi cho đến cách dẫn thiền, cách quay trở về cơ thể, về hơi thở mỗi khi mất chú tâm... Các bài hướng dẫn thiền cũng được xây dựng như một cuộc phiêu lưu khác sau khi thưởng thức những câu chuyện. Nếu mỗi câu chuyện là một cách giúp trẻ tiếp cận với các giá trị cần thiết của đời sống như sự chú tâm, trí tưởng tượng, sáng tạo, sự đồng cảm, cách giải quyết vấn đề... thì những bài thiền ngắn 5-10 phút mỗi ngày là cách để ba mẹ giúp trẻ rèn luyện để luôn hướng đến sự bình an, yêu thương, sáng suốt và từ bi.

Hãy thử đọc trước một vài câu chuyện, tìm hiểu về các bài thiền, thực tập cùng con vài phút mỗi ngày. Sau cùng, hãy thưởng thức những câu chuyện. Từng câu chuyện tự thân đã lôi cuốn và hấp dẫn, cộng thêm cách kể gần gũi thân thiết, với những tình huống khi cao trào, hồi hộp, khi nhẹ nhàng tình cảm, khi ngắn gọn đúc kết như những câu chuyện ngụ ngôn. Cuối mỗi câu chuyện là những lời bình ngắn trong vòng ba câu, được xem là những giá trị nền tảng, vừa cô đọng vừa mở ra một cuộc bàn luận để ba mẹ có thể thảo luận, đặt câu hỏi giúp con cảm nhận rõ hơn thông điệp của từng câu chuyện. Một đoạn tương tác ngắn nhưng chất lượng, quý giá, nhất là trong đời sống hỗn loạn này. Là giờ phút ba mẹ và con cái được lắng nghe nhau, cho nhau yêu thương bằng chính sự hiện diện của mình!

Người đọc lớn, Phật tử hay không Phật tử, đọc không chỉ để thưởng thức, để tỉnh thức mà còn được truyền cảm hứng từ vị thầy của mình, rằng trước khi thành Phật, vị Đạo sư của chúng ta cũng phải trải qua A-tăng-kỳ kiếp, cũng trải qua những đau khổ, vô thường mà tất cả chúng sinh trước và sau Ngài đều đã trải qua.

Những câu chuyện và những chỉ dẫn từ cách đọc lẫn cách thiền do tác giả Dharmacharin Nagaraja kể và hướng dẫn. Đây cũng là dự án sách thiếu nhi tâm huyết của nhóm Dự án dịch thuật Tuệ Tĩnh (Việt Nalanda Foundation).

Ban Mai

(…) Mặc dù thiền thường có liên hệ với triết học và tôn giáo Đông phương, nhưng bất kỳ ai cũng có thể thiền, không kể tuổi tác hay tín ngưỡng. Ngay cả khi chúng ta không biết gì về thiền, đôi lúc chúng ta cũng đã trải nghiệm sự an tịnh của thiền khi chúng ta hoàn toàn bị thu hút trong một sinh hoạt nào đó, như khi nghe nhạc, lúc ngắm hoàng hôn hay chú tâm vào một trò giải trí. Những lúc đó, chúng ta cảm thấy hài lòng với hiện tại, bình an và hòa nhập với thế giới xung quanh. Khi quyết tâm học thiền, chúng ta có thể đưa sự tập trung cao độ này vào cuộc sống hàng ngày, rồi dần dần nó trở thành nếp sống tự nhiên của chúng ta thay vì chỉ là những trải nghiệm tình cờ trong khoảnh khắc.

Một phương pháp có thể hữu dụng là giải thích thiền với con của bạn như thể nó là một cuộc phiêu lưu khám phá. Điều này sẽ khuyến khích các bé có cái nhìn cởi mở và học cách ứng xử với mọi việc đang xảy ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo các bé cảm thấy an toàn và có thể ngừng bất cứ khi nào cảm thấy không thoải mái hay mệt mỏi (…).

Thiền với lòng từ ái

Cách thiền này được rút ra từ sự thực hành theo truyền thống của đạo Phật được gọi là metta bhavana, một cụm từ Nam Phạn (Pali) có nghĩa là “sự phát triển lòng từ ái”.

Qua thiền với lòng từ ái, bạn có thể làm gia tăng các cảm xúc tích cực không chỉ đối với chính bạn mà còn cả với gia đình, bạn hữu, người quen và thậm chí với tất cả vạn vật, khiến cách cư xử với lòng bi mẫn trở nên một phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Lòng từ ái rất hữu ích cho việc chuyển đổi những cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Con bạn có thể dùng đến lòng từ ái bất kỳ khi nào bé cảm thấy ganh tỵ, giận dữ hay khó chịu, như sau khi cãi vã với bạn bè. Nói một cách rộng hơn, thiền về những điều tích cực, trái ngược hẳn với các cảm xúc tiêu cực, sẽ giúp các bé trở nên ít vị kỷ và khoan dung hơn, và điều này sẽ lần lượt khích lệ những cảm xúc và phản ứng tích cực từ tất cả mọi người mà bé tiếp xúc.

Bắt đầu thiền bằng cách bảo con bạn ngồi thoải mái và nhắm mắt. Bảo bé thở sâu một hai khoảnh khắc. Sau đó, bạn đọc bài thực tập một cách dịu dàng và rõ tiếng cho bé nghe. Bạn nên cùng tập thiền từ ái với con.

Thế nên, với một trái tim mở rộng

Hãy trân quý tất cả chúng sinh:

Tỏa ra lòng thương yêu trên toàn thế giới.

                                                                                                                 - Đức Phật

Hãy tập trung sự chú ý của con lên thân thể và nở một nụ cười tươi nhất. Hãy cảm thấy trái tim con mở rộng hơn khi con cười. Hãy tưởng tượng con được bao phủ bởi ánh sáng vàng kim tuyệt đẹp và con nói: “Nguyện cho con được yên vui - nguyện cho con thực sự được yên vui từ đầu xuống đến những ngón chân”. Rồi nói: “Con yêu mến con thật nhiều”.

Giờ hãy nghĩ đến cả gia đình con - mẹ và cha con, các anh chị em, ông bà, cô chú, họ hàng và các thú cưng. Hãy tưởng tượng họ đứng trước con, cười và được bao phủ bởi ánh sáng vàng kim tuyệt đẹp và con nói: “Nguyện cho gia đình con được yên vui - nguyện cho họ thực sự được yên vui từ đầu xuống đến những ngón chân”. Rồi nói: “Con yêu gia đình con thật nhiều”.

Rồi hãy nghĩ đến các bạn của con, các thầy cô giáo và hàng xóm. Hãy tưởng tượng họ đứng trước con, cười và được bao phủ bởi ánh sáng vàng kim tuyệt đẹp và con nói: “Nguyện cho tất cả bạn bè, thầy cô và hàng xóm được yên vui - nguyện cho họ thực sự được yên vui từ đầu xuống đến những ngón chân”. Rồi nói: “Con yêu bạn bè, thầy cô và hàng xóm thật nhiều”.

Kế đến, đưa sự tập trung trở về chính con và thấy ánh sáng vàng kim đang bao quanh con lan tỏa ra đến tất cả mọi người và mọi loài trên thế giới. Hãy tưởng tượng Trái đất được bao bọc bởi ánh sáng vàng kim tuyệt đẹp và con nói: “Nguyện cho tất cả vạn vật được yên vui - nguyện cho tất cả vạn vật được thực sự yên vui từ đầu xuống đến những ngón chân”. Rồi nói: “Con yêu thương tất cả vạn vật và cũng đón nhận tình yêu thương đến từ họ”.

Bây giờ con từ từ nhúc nhích các ngón chân, ngón tay và mở mắt.

Con hãy cố gắng giữ lòng yêu thương tất cả vạn vật luôn ở trong tim con.

(Trích Đức Phật kể con nghe)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày