Cúng dường

Cúng dường

GN - Hôm ấy, tôi đưa sư cô tới nhà của một Phật tử ở quận 1, TP.HCM. Cái nắng nóng của buổi trưa đã dịu đi khi cô trò tôi đặt chân đến khu chung cư ở đường Nguyễn Trãi. Bước vào nhà, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì không gian sạch sẽ, gọn gàng, đặc biệt ấn tượng là bàn thờ Phật, nơi tụng kinh của cô Phật tử có pháp danh Hòa Ngọc.

Lần đầu tiên đến nơi sang trọng nên tôi cũng giữ ý, nhưng vì mọi người đều hướng về Phật pháp nên dễ gần nhau hơn. Tôi ngồi thưởng thức món nước chanh muối để giải khát và nghe hai cô trò nói chuyện với nhau rất tình cảm. Trước khi ra về, cô Hòa Ngọc mang ra một bao thơ và nói: Con cúng dường cho cô ạ! Sự việc ấy mang lại cho tôi cảm giác bất ngờ nhưng cũng trôi qua nhanh chóng, thay vào đó là cảm giác vui sướng khi bản thân tôi cũng được chủ nhà tặng một lá bồ-đề làm kỷ niệm.

Chiều hôm đó trên đường về nhà, tôi bị ray rứt vì mình nghèo quá. Tự trong lòng tôi thấy buồn vô hạn. Tôi tâm sự với sư cô: “Ước gì con có tiền để cúng dường cho cô đi học”. Có thể vì lòng sĩ diện nên tôi có cảm giác như vậy, chứ thật tâm, tôi không hiểu hết ý nghĩa cúng dường thật sự là thế nào, hay đơn giản chỉ là mang vật chất đến cho quý thầy, cô mà thôi.

Sư cô vỗ vai tôi rồi cười: Hôm nay chở cô đi như vậy là đã cúng dường cho cô rồi đó. Khi nghe câu nói này, tôi cũng không hiểu hết ý sư cô muốn nói gì nhưng mà được động viên tôi cũng vui hơn.

Vào một dịp khác, tôi được một Phật tử ở Vũng Tàu chia sẻ là có một số người cúng dường nhưng vô tình làm mất hết ý nghĩa thanh tịnh cúng dường, trở thành chuyện hình thức. Vì cứ hễ cúng là cầu, không cầu an thì cầu siêu. Ngoại của tôi cũng vậy, mỗi lần tôi về quê là bà lại gửi tiền cúng chùa và nhờ thầy bổn sư của ngoại “kêu” giúp cho cậu con trai bà bớt khổ. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là “kêu” vậy có ích lợi gì đâu, vì con của bà suốt ngày ăn nhậu, nói ác khẩu, thậm chí đến một hành động thể hiện tình cảm với gia đình còn không có thì cầu xin Phật cũng không thể giúp được.

Thiết nghĩ, chúng ta có thể cúng dường Tam bảo với hết cả lòng thành nhưng không cầu gì cả. Như thế, sự cúng dường mới trọn vẹn, không mong cầu mà phước đức vẫn vô lượng. Nghĩ lại, tôi mới thấy việc cô Hòa Ngọc cúng dường như vậy là đúng, vì cô này không cầu xin gì cho bản thân mình mà chỉ mong sư cô được đầy đủ, yên tâm tu học. Chính điều đó sẽ thúc đẩy sư cô cố gắng làm tròn trách nhiệm thiêng liêng cao cả của mình là tu hành và làm lợi ích chúng sanh mà phước báo của cô vẫn tròn đầy.

Điều quan trọng là phải có tấm lòng thành kính đối với Tam bảo và tùy duyên mà phát tâm cúng dường. Xuất phát từ sự chân thành và vô cầu thì việc cúng dường của chúng ta sẽ mang giá trị đúng đắn, hộ trì Phật pháp, ngược lại có thể sẽ làm cho nhiều người hiểu sai về pháp cúng dường trong đạo Phật.

Tôi thầm cám ơn sư cô, trước khi sang Ấn Độ để hoàn tất việc học tập, đã giúp tôi hiểu thêm được ý nghĩa quan trọng của việc cúng dường. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày