"Cúng sao, giải hạn là mê tín dị đoan"

TH.jpg
HT.Thích Thiện Tánh - Ảnh: Vũ Giang

GN - Đầu năm mới, nhiều ý kiến, thư bạn đọc gởi đến tòa soạn thắc mắc về hiện tượng có một số chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn, cũng như hiện tượng đốt vàng mã, cá biệt là sự việc ở chùa Đại Giác (Q.Phú Nhuận) còn treo bảng hướng dẫn cách thức làm “chú bán đất”, “chú bán nhà”... gây sự ngỡ ngàng cho nhiều người.

Trao đổi xung quanh vấn đề này với HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM, Hòa thượng khẳng định các hình thức trên không xuất phát từ Phật giáo, là mê tín dị đoan. Hòa thượng nói:

Cúng sao, giải hạn không phải xuất phát từ Phật giáo. Trong kinh Phật không chỉ dạy cúng sao, giải hạn. Đây là một trong những tục bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Thậm chí có nơi cúng sao, giải hạn có cả cúng gà, vịt, đốt vàng mã rất nhiều. Nói chung hiện nay có rất nhiều chùa còn tổ chức việc cúng sao.

Giáo hội Phật giáo không cấm cúng sao, giải hạn nhưng khuyến khích các chùa nên tổ chức Pháp hội tụng kinh Dược Sư cầu an đầu năm cho Phật tử, cầu nguyện có đầy đủ sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mọi người đều an lạc.

Trong những năm gần đây, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã khuyến khích các chùa thực hiện hình thức Pháp hội Dược Sư cầu nguyện quốc thái dân an vào dịp đầu xuân mới. Năm nay, Ban Trị sự PG TP cũng kết hợp với các chùa  tổ chức Pháp hội Dược Sư, tụng kinh trong 3 ngày tại bốn nơi: tổ đình Ấn Quang, Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang và chùa Huê Nghiêm để làm điển hình. Đó là hình thức phù hợp với tinh thần Phật giáo và chủ trương của Giáo hội, lợi lạc thiết thực và chung cho tất cả.

Tôi xin lưu ý là các chùa đừng lợi dụng Pháp hội Dược Sư như là hình thức cúng sao hội làm cho Phật tử, người dân thêm lo âu. Chùa nào tụng kinh Dược Sư mà lại còn thực hiện “cúng sao” thì đó là việc mê tín. Chùa mà thực hiện những điều mê tín là có tính chất để kiếm tiền. Trong lúc đó, đáng ra quý Tăng Ni ở chùa phải biết khuyên Phật tử đi chùa lạy Phật, tụng kinh cầu an cho tâm mình an vui, thanh tịnh, về nhà làm ăn phấn đấu trong công việc, trong cuộc sống, tránh những điều mê tín dị đoan…

Hòa thượng có lời khuyên nào đối với Phật tử đầu năm mới?

Tôi khuyên Phật tử đi chùa, cầu nguyện cho thân tâm an lạc, sức khỏe đầy đủ để phấn đấu trong công việc làm ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, không nên tin vào cúng sao, giải hạn. Khi đã thoát nghèo rồi thì cũng nên giúp đỡ những người nghèo hơn để tạo được phước đức.

Trong kinh Dược Sư có ghi lại phát nguyện của ngài Dược Sư: “Nhất chúng hữu tình nào tu tà đạo, thì ta khiến cho họ quay về Chánh pháp…”.  Trong kinh Dược Sư, ngài A-nan cũng có nói: “Bạch Đức Thế Tôn mặt trời, mặt trăng có thể rơi xuống, núi Diệu Cao có thể lay động, nhưng những lời nói của chư Phật nói ra thì không bao giờ sai được”. Như vậy, Phật tử đi chùa phải nghe quý Hòa thượng, Thượng tọa giảng giải, nghe, tin vào kinh Dược Sư. Nhưng, những vị nào nói, giảng có tính chất mê tín thì tôi khuyên thôi đừng đến, đừng nghe những lời mê tín, đôi khi kéo theo bày vẽ, cúng cái này, cái kia, vừa tốn kém vừa không kết quả đi đến chỗ thiếu nợ, buồn rầu rồi mất niềm tin vào Phật pháp.

 Hiện nay vẫn còn tình trạng người đi lễ ở nhiều chùa vẫn còn đốt vàng mã, thắp hương rất tùy tiện, gây nên cảnh ngột ngạt và mất trang nghiêm chốn thiền môn, Hòa thượng có ý kiến gì về hiện tượng đó?

Nhiều chùa hiện nay cũng đốt vàng mã, đốt nhang rất nhiều trong dịp đầu năm mới. Phải xác nhận rằng đó là tín ngưỡng dân gian này xuất phát từ Trung Quốc, chư Tổ, ông bà mình đời xa xưa đã bị ảnh hưởng và lưu truyền cho đến hôm nay. Hiện nay, Giáo hội cũng không cấm Phật tử, người dân đốt vàng mã nhưng có lời khuyên nên hạn chế để tiết kiệm (trước đốt 10 thì giờ đốt 1 để dành tiền làm từ thiện), ý thức bảo vệ môi trường thanh tịnh nơi chùa chiền, hạn chế phát sinh cháy nổ có thể xảy ra.

Phật tử cũng lưu ý hạn chế rải vàng mã trong đám tang, tôi chứng kiến buổi sáng người làm vệ sinh đã quét sạch đường phố rồi nhưng chỉ một đám tang đi qua thì đầy rẫy vàng mã, tiền âm phủ trên mặt đường rất kém mỹ quan. Đặc biệt là trên con đường quốc tế Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thậm chí không chỉ giấy vàng mã thông thường mà còn in tiền đồng Việt Nam , đô-la giả… rải trên đường. Tôi nghĩ, các ban ngành thuộc Giáo hội, các vị trụ trì phải tích cực hơn nữa để giải thích cho Phật tử hiểu và hạn chế đốt vàng mã. Nhà nước cũng quan tâm kiểm soát đến những nơi in ấn loại tiền âm phủ, giấy vàng mã, khi hạn chế được việc in ấn thì cũng sẽ hạn chế được việc đốt, rải vàng mã như đã và đang diễn ra.

Trong dịp Tết Giáp Ngọ năm nay, độc giả báo Giác Ngộ viếng chùa Đại Giác tại quận Phú Nhuận, TP.HCM đã phản ảnh những thông tin ở các bảng hướng dẫn cho Phật tử niêm yết ở chùa như “chú bán đất”, “chú bán nhà” nhằm “giúp” bán được đất, bán được nhà mau lẹ…  với sự hướng dẫn rất kỳ lạ, làm cho Phật tử có chánh tín ngỡ ngàng, Hòa thượng có ý kiến như thế nào về việc này ạ?

Chùa Đại Giác vừa qua có trưng bảng hướng dẫn “chú bán đất”, “chú bán nhà”, đây cũng là hình thức mê tín dị đoan. Trong kinh Phật tuyệt không có loại “chú” này.

Tôi khuyên Phật tử, người dân không nên tin vào “chú bán đất”, “chú bán nhà”. Tôi cho đó là một trong những trò “mị dân”, chứ không phải “chú” thiêng liêng gì hết. Đây là hiện tượng đầu tiên xuất hiện ở chùa tại TP.HCM mà tôi được biết. Tôi sẽ trực tiếp gặp trụ trì chùa Đại Giác để chỉnh đốn việc đó, yêu cầu dẹp những cái như vậy.

BT.jpg

Bảng "Hướng dẫn xin phép chú bán đất" niêm yết tại chùa Đại Giác (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
sau khi Giác Ngộ online phản ảnh, đã được tháo gỡ - Ảnh: Yên Hà

 Trước các hình thức cúng sao, giải hạn, đốt  vàng mã, như kiểu thông tin hướng dẫn về các loại “chú” lạ lùng như vậy phát sinh ở chùa, với tư cách là người đứng đầu Ban Kiểm soát của TƯGH, theo Hòa thượng, Giáo hội nói chung và Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM nói riêng cần có những giải pháp nào nhằm giảm bớt những hình thức này?

Tôi đảm đương trách nhiệm của một lĩnh vực chuyên môn của Giáo hội, quyền là quyền của Giáo hội nhưng mỗi lần họp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, tôi đều nhắc đến việc này. Theo tôi, gần đến Tết, Giáo hội nên gởi thông bạch đến các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành trong cả nước để kêu gọi các chùa khắp cả nước tổ chức tụng kinh Dược Sư cầu an, giúp Phật tử giảm bớt cúng sao, giải hạn, tránh mê tín dị đoan.

Đặc biệt, Ban Hoằng pháp, quý vị giảng sư trong sinh hoạt giảng pháp nên giảng giải, nói giáo lý, phân tích để Phật tử hiểu rõ lợi ích của việc tụng kinh, lạy Phật trong dịp đầu năm, tránh các hình thức mê tín dị đoan, việc tà đạo, cúng sao, giải hạn xâm thực vào nếp sống tâm linh của mình.

Trụ trì của các chùa cũng phải có tâm, có trách nhiệm giải thích cho Phật tử của chùa mình. Trước hết, trụ trì phải làm gương, không làm những gì đi ngược lại giáo lý, kinh Phật chỉ dạy. Trong năm 2014 này, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cũng sẽ một lần nữa làm việc với các ban, ngành, đặc biệt là ngành hoằng pháp, 24 Ban Trị sự PG quận, huyện, các vị trụ trì các tự viện trực thuộc Ban Trị sự PG TP cùng nhau giảng pháp, giải thích để giúp Phật tử hiểu rõ việc tụng kinh cầu an, tránh dâng sao, giải hạn. Vai trò của các vị trụ trì cũng rất quan trọng trong việc giải thích, thực hành nghi lễ đúng Chánh pháp làm gương cho Phật tử chùa mình.

H.Diệu thực hiện  

.................................

* Tin, bài liên quan:

>> Biến tướng!
>>
"Chú bán đất, chú bán nhà" là chú gì?
>> Lộn xộn, chưa đẹp ở chùa
>> Đã tháo bỏ "chú bán đất, chú bán nhà"
>> Đừng đổ hết lỗi cho người dân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lồng đèn và cờ Phật giáo đầy sắc màu treo trước cổng Linh Quang tịnh xá - lễ đài Phật đản của GHPGVN Q.4 - Ảnh: Quảng Đạo

[Ảnh] Rực rỡ sắc màu Phật đản của Phật giáo Q.4

GNO - Những ngày này, các tự viện trên địa bàn Q.4 tràn ngập không khí vui tươi chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 của Phật giáo quận sắp diễn ra. Tăng Ni, Phật tử chung sức thiết trí lễ đài, trang trí cờ, hoa, lồng đèn góp phần mang đến một mùa Phật đản đầy sắc màu và ý nghĩa.

Thông tin hàng ngày