GN - Nhà nghèo, chồng tật nguyền, là lao động chính gánh vác gia đình, chị Nguyễn Thị Lơn (TT-Huế) gần như suy sụp hoàn toàn khi nhận được hung tin mắc phải căn bệnh ung thư. Còn em Hồ Văn Vũ (Đồng Tháp) thì đứng trước nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh vô cùng khó khăn… Đó là hai trong rất nhiều mảnh đời khốn khó mà chúng tôi gặp gỡ vào những ngày cuối năm.
Không thoát được… “định mệnh”
Chị Nguyễn Thị Lơn, 49 tuổi, trú tại 56/4 Hồng Lĩnh, tổ dân phố 9, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, TT-Huế sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình. “Định mệnh” của chị là kết duyên cùng người đàn ông tàn tật Phan Ngọc Hà sống tại phường Tứ Hạ. Vốn quen lao động từ nhỏ, thương người chồng tật nguyền (cụt một chân), chị phải gánh vác hết mọi việc trong nhà của vai trò người cha lẫn người mẹ.
Cuộc sống gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng mà hàng ngày chị vẫn phải làm lụng vất vả để kiếm cái ăn cho cả nhà và lo cho 3 đứa con học hành. Thương vợ vất vả, anh Hà phải chống gậy đi chăn bò thuê cho một thương lái ở xã bên để phụ giúp vợ nuôi con.
Chị Lơn và con trai út
Anh Phan Ngọc Hà tâm sự, trong một lần về quê, lúc đó anh mới 17 tuổi, không may gặp tai nạn tàu hỏa, mất đi chân phải. Phải trải qua tuổi trẻ bao nhiêu khổ cực, nhưng anh Hà vẫn vượt qua chính mình để sống.
Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc giản đơn, cho đến một ngày tháng 4-2017 “định mệnh”, chị Lơn cảm thấy đau nhức một bên ngực, chị liền đi khám và phát hiện mình bị ung thư vú. Bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật để cắt khối u. Dù cuộc sống khốn khó nhưng gia đình cũng vay mượn để chị phẫu thuật cắt bỏ một bên vú tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế.
Đến nhà chị Lơn vào một buổi chiều cuối năm 2017, chúng tôi được biết chị vừa trải qua đợt hóa trị lần thứ 4 tại bệnh viện. Giọng thều thào, đôi mắt nhìn về xa xăm, chị Lơn nghẹn ngào: “Khi xác định lấy người chồng tật nguyền, tôi chỉ cầu mong ông trời cho tôi sức khỏe để nuôi chồng nuôi con, nhưng giờ thì lại trở thành gánh nặng cho gia đình, không biết rồi lấy gì mà sống nữa”.
Đứa con trai út của chị Lơn đang tuổi ăn tuổi học như bao nhiêu người bạn cùng trang lứa khác, giờ phải túc trực để chăm mẹ. Chị xót xa: “Số phận mình đã hẩm hiu, thất học, chỉ cầu mong sao con học được cái chữ để sau này đỡ khổ hơn. Hiện tại, mọi thu nhập của gia đình chỉ phụ thuộc vào tiền công chăn bò thuê ít ỏi của anh Hà. Tôi vẫn biết mắc căn bệnh này thì “trời kêu ai nấy dạ”, chỉ lo cho con rồi cũng phải bỏ học ở nhà thôi”.
Chị Lơn sinh được 3 người con, mặc dù khó khăn là vậy nhưng chị vẫn cố gắng cho con học hành. Người con gái đầu của chị đã tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm phải làm thuê ở TP.Hồ Chí Minh để kiếm sống. Cậu con trai thứ hai thì đang làm phụ kéo dây cáp mạng cho Trung tâm Viettel Hương Trà với mức lương ít ỏi.
Cháu Phan Thành Lĩnh là con trai út, hiện đang chuẩn bị nhập học vào lớp 6 của Trường THCS Hà Thế Hạnh (P.Tứ Hạ, TX.Hương Trà). Từ ngày nghe tin mẹ mắc bệnh nan y, em như mất hết vẻ hồn nhiên của cậu học trò, cháu Lĩnh tâm sự: “Cháu rất thích đi học, nếu mẹ không có tiền thì cháu sẽ cố gắng đi học một buổi còn một buổi chăm mẹ và đi phụ chăn bò với ba”.
Nghe trình bày về hoàn cảnh cháu Phan Thành Lĩnh, thầy Nguyễn Thuận Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Thế Hạnh cho biết “Hoàn cảnh của cháu như vậy quá khó khăn, nhà trường sẽ hết sức quan tâm, tạo điều kiện để cháu được đến trường nhập học”. Bây giờ, điều mong ước lớn nhất của chị Lơn là có tiền để tiếp tục điều trị bệnh, khi có sức khỏe, đi làm để trả nợ và nuôi con ăn học. Nhưng, điều ước ấy khó trở thành hiện thực trước hoàn cảnh khó khăn của chị.
Điều ước của Vũ
“Hòa đồng, luôn giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn và tích cực trong học tập”, đó là những nhận xét của giáo viên, bạn bè cùng lớp đối với em Hồ Văn Vũ (học sinh lớp 9A1, Trường THCS Phú Thuận B, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp). Vũ sinh ra trong gia đình thuộc diện hộ nghèo tại ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự.
Ba em là anh Hồ Văn Dũng (SN 1982) chỉ chuyên đi chở cá thuê cho cơ sở sản xuất cá giống, mỗi chuyến được trả công 100 - 150 nghìn đồng, nhưng không phải ngày nào cũng có việc để làm. Mẹ của Vũ là chị Nguyễn Thị Diễm (SN 1984) cũng không có nghề nghiệp ổn định. Khi còn sức khỏe tốt, chị đi làm cỏ và nhổ cải thuê, được trả công từ 60 - 70 nghìn đồng/ngày.
Với số tiền trên, vợ chồng anh chị chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, nhiều lúc thiếu trước hụt sau nên phải đi mượn nợ của hàng xóm. Cuộc sống đầy khó khăn, chị Diễm bị bệnh trầm cảm và biểu hiện của bệnh tim nhưng gia đình không có tiền đưa đi điều trị. Vũ đã phải đối mặt với nguy cơ bỏ học để phụ ba mẹ đi làm kiếm tiền.
Vũ mong có tiền để điều trị bệnh cho mẹ
Cách đây 3 năm, tình hình sức khỏe của chị Diễm có biểu hiện bất thường, chị hay bị nhức đầu, khó thở và mất ngủ thường xuyên, nhiều lần phải đưa đi cấp cứu. Do hoàn cảnh nghèo, không điều kiện điều trị đến nơi đến chốn nên chị chỉ đến trạm y tế xã lấy thuốc uống (thuốc theo diện hộ nghèo nên không tốn phí).
Tại đây, các bác sĩ khuyên chị nên đến các bệnh viện tuyến tỉnh, TP.Hồ Chí Minh để khám tổng quát, tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh đúng lúc. Thế nhưng, cái ăn, cái mặc của 4 thành viên trong gia đình đã khó thì lấy đâu điều kiện để trị bệnh đúng tuyến, chị Diễm đành uống thuốc cầm chừng.
Căn nhà của anh chị có diện tích hơn 30m2, nhà gỗ, vách tôn, lót gạch tàu được Hội Chữ thập đỏ xã vận động hỗ trợ xây cất. Anh Hồ Văn Dũng cho biết, cuộc sống gia đình rất khó khăn, hiện tại ở nhờ đất của người khác, vợ chồng cũng không có nghề nghiệp ổn định, nay vợ lại bệnh nên áp lực cuộc sống rất lớn. “Tôi mong sao cho vợ mau hết bệnh, vợ chồng cùng đi làm, lo cho 2 con ăn học”, anh Dũng nói.
Hiện tại, sức khỏe của chị Diễm lúc tốt lúc xấu, thường vào lúc 13giờ - 14 giờ chiều là chị cảm thấy đau tức ngực, khó thở. Gia đình không có tiền nên đành uống thuốc đến lúc nào hay lúc đó. Do tình trạng nhức đầu và mất ngủ của chị kéo dài nên anh Dũng đã đưa chị Diễm đi khám tại Bệnh viện Tâm thần (Đồng Tháp). Các bác sĩ tại đây chẩn đoán, chị Diễm bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, cần phải theo dõi và điều trị lâu dài.
Đối diện với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ngoài việc học tập ở trường, những lúc rảnh rỗi em Vũ tranh thủ phụ giúp trông em để ba mẹ yên tâm đi làm, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống và điều trị bệnh. Thành tích học tập của Vũ chỉ ở mức trung bình, do đó Vũ dự định chỉ học hết lớp 9 rồi tìm việc làm để phụ giúp gia đình và lo cho mẹ.
Em Vũ chia sẻ: “Sức học em không giỏi nhưng bù lại em rất siêng học, thời gian rảnh thì em phụ gia đình làm các công việc nhà, trông em để ba mẹ đi làm. Ước mơ lớn nhất của em là có tiền để mẹ có thể đến bệnh viện điều trị. Bệnh dứt thì mới yên tâm được”.
Ngay lúc này, Vũ đang rất cần sự động viện, chung tay giúp sức của mọi người cho em có thể được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đến trường và có điều kiện điều trị bệnh cho mẹ.