Đã có sư anh đây rồi…

GNO - Vu lan lại về và với tu sĩ chúng tôi thì đây như là một lễ “Tết”. Bởi Tết gợi cho ta sự bắt đầu - sự bắt đầu sau ba tháng an cư kiết hạ để tái tạo nguồn năng lượng đã có và bổ túc nguồn năng lượng có được sau ba tháng hành trì chân lý để đi truyền bá lời dạy của Bụt.

Tết mang lại cho ta cảm giác hân hoan, hỷ lạc - chúng tôi cũng vậy - niềm vui mừng vì thêm một tuổi đạo. Và hơn hết khi nói đến cái tết Vu lan này khiến mỗi người con Phật đều nghĩ đến việc tỏ lòng tri ân với cha mẹ (nếu còn tại thế), tỏ lòng niệm tưởng với cha mẹ đã khuất. Riêng Vu lan năm nay tôi khắc khoải trong tâm về một người không phải là cha mẹ, không phải là sư trưởng hay huynh đệ…, tôi lại muốn nói về “sư anh” tôi.

anhminhhoa.jpg


Sư anh là người vững chãi, sự tu học của sư anh như tiếng chuông
nhắc nhớ sư em (cũng là em gái ruột) tỉnh giác trên mọi nẻo đường - Ảnh minh họa

Biến cố một lần nữa lại đến với gia đình chúng tôi, bởi cha lấy bài bạc làm niềm đam mê, xem những con số đỏ đen là hơi thở. Tôi vẫn nhớ như in cuộc gọi ngày hôm đó - sư anh gọi cho tôi. Vẫn cách nói chuyện ngập ngừng như mọi khi nhưng lần này sư anh kèm theo lời động viên và như vẻ lạc quan: “…chuyện cũng xảy ra rồi, sư em đừng lo nghĩ gì, sư anh đã giải quyết ổn rồi, âu cũng là duyên nợ, cộng nghiệp với nhau chứ không sao cả, chỉ báo cho sư em biết vậy thôi”.

Thế rồi sư anh và tôi một lần nữa (trước đó đã nhiều lần) về nhà để tìm cách giải quyết nợ nần - vì thương mẹ già nua bệnh tật hết khả năng lao động không có nơi trú nắng trú mưa, vì thương sư em khi về thăm nhà không có cái nhà mà về thăm, sư anh lại một lần nữa giải quyết “việc thế tục” để mẹ và em được yên lòng.

Khung cảnh ảm đạm, nặng trịch vây quanh lấy ngôi nhà, mẹ tôi vốn đã bệnh nay càng bệnh nặng hơn. Trong bất giác tôi lặng người và nhắm nghiền đôi mắt lại trong vô vọng tự vấn bản thân “phải chăng mình không tu hành tốt để không cảm hóa được gia đình?”. Khi ấy sư anh đến ôm lấy tôi, rồi nước mắt cứ thế tuôn ra, không sao cầm được. Tôi khóc không phải vì biến cố đang đến với gia đình, bởi lúc ấy tôi nhớ lại hình ảnh hồi hai anh em chưa xuất gia. Năm ấy tôi 4 tuổi, một lần tôi “tè dầm”, sư anh tắm rửa thay đồ cho tôi nhưng không biết làm sao để mặc áo quần cho tôi. Thế là sư anh ôm tôi vào lòng vì sợ em gái lạnh, một tay ôm em tay kia cầm áo quần mà đi bộ hơn 3 cây số đến nơi mẹ tôi làm để nhờ mẹ mặc áo quần cho em.

Và bây giờ, 20 năm sau, khi sư anh và tôi đang trên lộ trình tu nhân học Phật, hiện thực hóa lý tưởng giải thoát của tự thân, sư anh cũng ôm tôi nhưng không phải vì sợ tôi lạnh mà là ôm như chính cái ôm đó đang là… Lúc ấy tôi ước gì sư anh sẽ khóc, nhưng không sư anh cứ im lặng và im lặng. Sự im lặng của sư anh khiến lòng tôi thắt lại, cổ họng nghẹn đến không thở được.

Em bé nhỏ bước vào đời vạn nẻo

Giọt sương mai thấm lạnh chiếc thân gầy

Nắng mưa gội gió thổi bão bủa vây

Hãy yên lòng có anh Hai bên cạnh.

Sống đối mặt với chông gai thử thách

Cố gắng lên đi ngược với dòng đời

Vững chãi chèo trong sóng dữ trùng khơi

Em hãy nhớ có anh hai sát cánh.

Đôi mắt tinh khôi em nhìn vạn cảnh

Với lo âu chưa tỏ rõ sắc màu

Những suy tư trăn trở suốt canh thâu

Anh Hai sẽ dẫn đường em đi mãi.

Khóc bao lần vấp ngã chốn nhân gian

Giọt sầu tuôn trải dài tìm tri thức

Đôi chân gầy dường như đang bất lực

Anh Hai sẽ dìu từng bước em đi.

Đừng tủi thân danh phận kém vì

Thua chúng bạn bị người ta ăn hiếp

Ngậm nỗi đau chịu nhiều điều thua thiệt

Này em ơi hãy trút giận đến anh Hai.

Em cứ sống dẫu đời luôn dậy sóng

Hãy cứ đi dẫu vấp ngã mỗi bước đi

Cứ cười lên khi nụ cười héo úa

Vì đường dài vẫn còn có anh Hai.

Với tôi, sư anh như một người thầy, một người bạn, một người cha. Bởi lẽ tôi có thể kể cho sư anh nghe bất cứ chuyện gì mà không ngại ngùng hay sợ bị “rò rỉ thông tin” mà không cần trau chuốt lời lẽ vì lúc đó sư anh như một người bạn.

Vốn dĩ sư anh là một “ông thầy” rồi, tại sao tôi lại xem như một người thầy? Người thầy ở đây tôi muốn chỉ cho sự định hướng, dìu dắt của sư anh khi tôi đứng trước những “ngưỡng” trong quá trình tu học, và nếu như không có những sự ủng hộ những chỉ dẫn của sư anh thì tôi đã không đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

Sư anh như cây bồ-đề “to bự” trong lòng tôi, sư anh ấm ám như tình cha, hi sinh và tự hào về sư em mình trong sự im lặng hùng tráng…

Rồi chuyện gì cũng sẽ qua, chuyện hôm qua đã là quá khứ, chuyện ngày mai thì là của tương lai, chỉ có hiện tại. Và chính hiện tại giúp tôi cảm thấu được một điều rằng: kết quả hôm nay bạn có được là do quá khứ bạn tạo nên nhưng tương lai bạn ra sao là do hiện tại bạn như thế nào? Chánh niệm sẽ có năng lượng làm vơi nỗi khổ của người.

Nhân đây xin nhờ báo Giác Ngộ giúp tôi được nhắn nhủ với sư anh mình đôi lời: “Sư anh từng dạy sư em khi nhắc về lời kinh: “Là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.” (Kinh Tương ưng bộ V, chương 3, phẩm Ambapàli), và đến hôm nay sư em đang và sẽ thành tựu lời dạy trên. Sư em tự nhủ rằng Phật biết tất cả căn tánh của chúng sanh và những việc lâu xa cùng tội ức kiếp “được” mà hóa độ chúng sanh vô duyên thì “không được”. Huống hồ gì mình chỉ đang trên lộ trình đi đến sự giải thoát, cho nên thôi hãy để “vạn sự tùy duyên” sư anh nhé!. Sư em tin chắc rằng với hiện tại sư anh đã sống tử tế với đời, trọn vẹn với đạo thì không lý do gì quả ngọt không đến với sư anh. Sư em chúc sư anh tất cả!

Ngô Nghê
(Chùa Dược Sư, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

Từ 23-7 đến 2-8, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân…

Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi.

Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày