Phát biểu tại hội thảo khoa học “”Quy hoạch TP Đà Nẵng - Quá trình hội nhập và phát triển” vừa được UBND TP Đà Nẵng và Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN phối hợp tổ chức, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Phạm Tứ (Đại học Kiến trúc TP.HCM) đã nhấn mạnh về danh thắng Ngũ Hành Sơn như một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “thuỷ tú, sơn kỳ”, vừa huyền ảo vừa mộng mơ mà tạo hoá đã ban cho Đà Nẵng.
Theo ông, “Nhìn nhận về khía cạnh sơn thuỷ trong tổng thể đất nước hình chữ S cho ta thêm một cảm nhận: phía Bắc đất nước có dãy núi Tam Đảo nổi tiếng (3 núi), phía Nam ở một trong những nơi tận cùng của Tổ quốc có ngọn núi Thất Sơn nhiều huyền thoại (7 núi). Và miền Trung ở vị trí trung tâm có quần thể núi Ngũ Hành Sơn (5 ngọn). Phải chăng Ngũ Hành Sơn là điểm trung hoà giữa Tam Đảo và Thất Sơn? Kỳ lạ hơn, nơi đây có Âm Dương – Ngũ Hành (Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ) như một thông điệp minh chứng về tính chất hội tụ của cả một vùng lãnh thổ. Như vậy Ngũ Hành Sơn không còn là thắng cảnh riêng của TP Đà Nẵng, của miền Trung mà còn là vùng đất địa linh vô cùng quan trọng của nước VN!”. Tuy nhiên, TS.KTS Phạm Tứ cũng cảnh báo: “Quần thể Ngũ Hành Sơn ngày càng mai một vì sự tàn phá bởi thời gian và sự can thiệp thiếu thân thiện của con người!”. Thực trạng để dẫn tới sự cảnh báo đó không phải tìm đâu xa mà có thể thấy ngay từ công trình xây dựng thang máy lên đỉnh Ngũ Hành Sơn ở ngọn Thuỷ Sơn, cao nhất trong 5 ngọn núi của quần thể danh thắng này. Dù dư luận chưa thật đồng tình nhưng lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn quyết định cho công trình này triển khai, hiện đang thi công phần móng trụ. Chỉ mới chừng đó thôi, du khách đến Ngũ Hành Sơn đã cảm thấy “tức ngực” khi chứng kiến bê tông, sắt thép và những chiếc cần cẩu khổng lồ áp sát, đè nén, chĩa tua tủa vào khu danh thắng, từ chân núi lên tới tháp Xá lợi ở trên đỉnh. Theo TS.KTS Phạm Tứ: “Vấn đề đặt ra hôm nay là cần bảo tồn, tôn tạo, phát triển danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hoà trong quy hoạch tổng thể đô thị Đà Nẵng hiện tại và hướng đến một di sản văn hoá trong tương lai”. Nhưng với những công trình “bê tông hoá” như thế này, thì trong tương lai Ngũ Hành Sơn sẽ chỉ còn là cái tên trong hoài niệm?