Đặc sản măng trúc Yên Tử

GN - Đi du lịch lễ hội, hành hương tâm linh đầu xuân, bên cạnh việc chiêm bái các danh lam thắng tích, du khách thường muốn mua một vài đặc sản đem về làm quà. Ở Lễ hội Yên Tử những năm gần đây, việc mua măng trúc đã trở thành là cái thú của người hành hương, đem về món quà bình dị, thân thương mà thiên nhiên nơi đây ban tặng.             

yentu2.jpg
Thắng tích Yên Tử

Linh thiêng rừng trúc Yên Tử

Yên Tử là ngọn núi cao nhất khu vực Đông Bắc nước ta với độ cao 1.068m, nằm ở địa phận tỉnh Quảng Ninh và là nơi có hệ thực vật vô cùng phong phú, nên không chỉ đẹp về cảnh quan, linh thiêng về lịch sử, mà còn hấp dẫn bởi môi trường sinh thái. Nơi đây từ nghìn năm nay được mệnh danh là chốn Trúc Lâm, bởi có rừng trúc bạt ngàn, trúc tự nhiên và trúc trồng dọc đường hành hương lên đỉnh thiêng núi thiêng mang ý nghĩa tượng trưng cho người quân tử ngay thẳng trung thực.

Rừng trúc Yên Tử có nhiều loài, nhưng quý giá nhất là loài trúc hóa long (hóa rồng), chân ngắn, màu vàng đậm, đốt có chỗ thưa, chỗ mau, gốc trồi lên mặt đất uốn cong lên với bộ rễ dày, xoắn tựa râu rồng. Sự đông đúc quần tụ của rừng trúc được ví như sự hợp quần của tín đồ, Phật tử. Cây trúc sống sâu trong rừng, chịu nhiều sương gió, giá rét lạnh buốt trên núi...

Trúc cũng như tre, luôn sản sinh ra một loại thực phẩm dâng ban cho con người, đó là măng. Đây là một trong những nguồn thực phẩm được sử dụng trong bữa chay thanh đạm, một thức rau hòa quyện đầy đủ tinh khí đất trời.

Sinh trưởng nơi đất Phật, măng trúc Yên Tử vốn là đặc sản vô giá của thiên nhiên đã mang đến cho đất trời Quảng Ninh, với chất riêng vừa bùi vừa thơm. Ngay từ vẻ bề ngoài, măng ở đây đặc biệt so với măng ở các khu vực khác, không to mập mà măng này có thân nhỏ thon nhưng lại rất chắc chắn vì chỉ mọc trong rừng sâu có nhiều sương gió.

Ngày nay, măng trúc Yên Tử đã trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng quanh vùng, là sản vật quý được đông đảo du khách hành hương tìm mua về làm quà. Theo người dân Yên Tử, tuy măng trúc có vị ngọt bùi, nhưng chế biến cần cầu kỳ một chút. Người không biết chế biến sẽ làm măng bị đắng khó ăn, nhưng nếu biết chế biến thì món ăn lại vô cùng hấp dẫn. Kinh nghiệm trước khi nấu phải sơ chế măng thật kỹ, sau khi rửa sạch thì cắt thành những lát nhỏ và ngắn chừng khoảng 2 đốt ngón tay. Nấu măng phải nấu chín kỹ. Để cho món măng được thơm và ngon, người nấu có thể thêm một ít cần tây, hành tươi.

Một cách chế biến khác mà có thể khiến món măng trúc Yên Tử cũng mang lại hương vị vô cùng độc đáo. Măng sau khi hái về, để cả bẹ và đem nướng trên bếp than hoa. Nướng xong, lột lớp bẹ bên ngoài bỏ đi và ăn kèm với muối vừng sẽ cảm thấy được hương vị nồng nàn của đất trời Yên Tử. Nếu đem măng trúc luộc lên chấm với muối mè sẽ có hương vị riêng. Đến Yên Tử, du khách cũng có thể mua sản phẩm măng trúc đã được chế biến thành măng ngâm chua trong lọ.

Măng trúc có thể dùng để nấu các món ăn. Nếu nấu chay thường nấu kèm với nấm hương, kể cả xào hay luộc đều có vị đậm đà lôi cuốn.

Nghề khai thác măng trên núi

Mùa lễ hội Yên Tử những năm gần đây, sản phẩm măng trúc được bày bán khắp nơi suốt dọc đường tham quan, từ chùa Trình lên đến tận đỉnh thiêng. Chỉ cần bước chân vào con đường vào suối Giải Oan là đã gặp những người bán măng ngồi, đứng đủ kiểu mời chào khách mua. Vào những những ngày thường, măng trúc chỉ có giá 30.000đ/kg, nhưng cứ vào mỗi dịp lễ hội thì lại được người bán đẩy giá lên cao ngất, gấp đôi, gấp ba. Càng lên cao về phía đỉnh núi, giá măng càng cao.

yentu1.jpg


Măng trúc được bày bán tại Yên Tử

Trên con đường cao vời lên núi Yên Tử, nhiều người tin rằng mua măng ở độ cao 1.600m sẽ ngon hơn mua măng dưới chân núi. Vào mùa lễ hội, ở khu vực chợ xuân dưới chân núi, măng trúc được rao bán với giá 50.000đ/kg. Nhưng lên đến gần đỉnh chùa Đồng thì những người bán măng dọc đường càng hét giá lên cao, tới 80.000đ, thậm chí là 100.000đ, rồi tăng lên 120.000đ/kg.

Đếm sơ sơ, trên đường bộ hành leo lên đỉnh thiêng, có hàng trăm người bán măng trúc. Một phụ nữ bán măng trúc tại khu gần Đại tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cho biết, trong mùa lễ hội, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 20kg măng, thu về gần 1,5 triệu đồng. Những người khai thác măng, cả mùa lễ hội thu về cả trăm triệu đồng là chuyện thường.

Chính vì lợi nhuận cao như vậy, nên mỗi mùa lễ hội về, người dân sở tại ùn ùn rủ nhau lên núi hái măng. Bao đời nay, cây trúc sống bình yên dưới những tán rừng cổ thụ. Mùa xuân, mưa bụi khói sương giăng mắc. Mặt đất ẩm, mềm, và măng trúc lách kẽ đá vươn lên, vừa đúng mùa lễ hội cũng là mùa hái măng.

Loại măng trúc rất bé, để hái được chúng cũng vô cùng gian nan. Hàng trăm người dân hàng ngày kiên trì vượt những đoạn đường rất cheo leo, leo trên những hòn đá trơn trợt bám vào nhau để kiếm sống bằng nghề săn lùng hái lượm để bán đủ thứ cho khách hành hương. Để có được một lượng măng vài trăm kg mỗi ngày bán cho du khách, những người hái măng sục sạo không trừ một ngóc ngách nào trong rừng Yên Tử để đào măng. Nhiều người ở lại trên núi cả tuần để săn măng. Đối với họ, cánh rừng trúc Yên Tử bạt ngàn và hiểm nguy kia là miếng cơm manh áo.

Nhiều năm trở lại đây vì lợi nhuận mà người dân Yên Tử đã khai thác măng một cách ồ ạt, đào bới đến cạn kiệt, chính bởi vậy nên những cây trúc yếu và không đẻ thêm được nữa. Diện tích rừng trúc suy giảm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã ra sức ngăn cản, ngăn chặn người dân thu hái măng. Thế nhưng vẫn không xuể, vì măng trúc đang là sinh kế đem lại thu nhập cho một bộ phận đông đảo người dân.

Vấn đề đặt ra là phải có chiến lược hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và khai thác măng trúc.  Đồng thời với quá trình tôn tạo các thánh tích trên núi Yên Tử, Nhà nước cũng cần có kế hoạch và kinh phí để bảo vệ sinh cảnh tự nhiên, đặc biệt là những rừng tùng và rừng tre, rừng trúc. Mặt khác, cũng xây dựng những quy định về khai thác măng trúc để quản lý hoạt động hái lượm của người dân, nhằm tránh tình trạng khai thác quá mức, tận diệt. Bởi, nếu mất rừng tre, trúc, mất những hàng tùng và những cây tùng cổ thụ, thì sẽ không còn Yên Tử đúng nghĩa của nó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày