Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Tây Ninh: Mời gọi Tăng Ni trẻ có năng lực về làm Phật sự

Đại giới đàn Tâm Hòa IX (năm 2020) do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh tổ chức
Đại giới đàn Tâm Hòa IX (năm 2020) do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh tổ chức
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tiếp nối những thành tựu của 6 nhiệm kỳ, ngày 22, 23-3 tới, BTS GHPGVN tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII, suy cử nhân sự của Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027.

Trước thềm đại hội, HT.Thích Niệm Thới, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội trò chuyện với phóng viên Giác Ngộ. Nói về nét đặc biệt của Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng chia sẻ:

Hòa thượng Thích Niệm Thới

Hòa thượng Thích Niệm Thới

- Phật giáo có mặt tại Tây Ninh ở thế kỷ XIX, trong quá trình khai hoang mở đất lập làng, các nhà sư ở phương Nam đã mang đạo Phật hoằng hóa trên vùng đất mới. Nửa đầu thế kỷ XIX, khu vực Trảng Bàng, Gò Dầu, TP.Tây Ninh nhiều ngôi chùa được thành lập, lưu dấu bước chân du hóa của các vị Tăng từ nhiều nơi đến, đặc biệt là vùng Sài Gòn - Gia Định. Chùa Huỳnh Long, Hội Phước là hai ngôi cổ tự được thành lập rất sớm tại Trảng Bàng. Cùng việc khai sơn chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen đã làm nền móng cho sự phát triển của Phật giáo trên đất Tây Ninh. Phật giáo là tôn giáo hòa vào tín ngưỡng của dân tộc trở thành gốc rễ văn hóa của đồng bào vùng Đông Nam Bộ.

Kế thừa công lao tạo dựng của chư tiền bối, hiện nay tỉnh Tây Ninh đã có 142 ngôi chùa, trong đó có 5 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh và quốc gia: Chùa Cao Sơn, Khe Đon, Phước Lưu, Phước Lâm, Bửu Long, cùng nhiều ngôi chùa còn gìn giữ kiến trúc cổ có giá trị nghệ thuật cao; quần thể 5 ngôi chùa trên núi Bà Đen do Giáo hội tỉnh quản lý, thắng tích này góp phần tạo nên nét đặc biệt của Phật giáo Tây Ninh. Sau khi Giáo hội tỉnh thành lập (1989), trải qua 6 nhiệm kỳ, kế thừa từ chư tôn túc tiền bối, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt tu học, hành đạo ổn định.

Được kế thừa nền tảng vững chắc của chư tiền bối, tạo đà phát triển cho Phật giáo tỉnh trong sinh hoạt, tu học ổn định suốt 6 nhiệm kỳ; với vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Hòa thượng có những trăn trở gì sau 5 năm lãnh đạo, điều hành Phật sự?

- Tôi cho rằng điều làm nên sự ổn định của Phật giáo tỉnh nhà là được kế thừa từ nền móng vững chắc của chư vị tiền bối và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn thể Ban Trị sự, của Tăng Ni, Phật tử.

Phật giáo Tây Ninh có 142 tự viện, với 456 vị Tăng Ni, trong đó Hòa thượng 10 vị; Thượng tọa 17 vị, Ni trưởng 6 vị, Ni sư 20 vị. Trường TCPH đã đào tạo tốt nghiệp được 102 Tăng Ni, đang đào tạo khóa II với 150 Tăng Ni. Công tác hoạt động từ thiện 5 năm qua, đóng góp chống dịch với tổng trị giá 175 tỷ đồng.

Với vai trò lãnh đạo, tôi luôn mong mỏi Phật giáo tỉnh nhà phát triển vững mạnh hơn nữa trong tương lai gần với nguồn nhân lực đa phần là Tăng Ni trẻ. Với cách điều hành Phật sự theo hướng mở hiện nay, luôn uyển chuyển, linh hoạt cho phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu chính đáng của Tăng Ni, Phật tử đã tạo nên sự đồng thuận cao, người trên bảo người dưới nghe, đi vào nề nếp.

Phật giáo tỉnh Tây Ninh có sẵn nguồn nhân lực là thế hệ Tăng Ni trẻ, có năng lực, trình độ, nhiệt huyết đang tham gia trong Thường trực Ban Trị sự, các ban chuyên môn và đảm nhiệm vai trò tham mưu tốt cho lãnh đạo nên công tác Phật sự được thành công tốt đẹp.

Điều tôi trăn trở nhất hiện nay là chư vị Tăng Ni “rường cột” không nhiều để làm chỗ dựa cho thế hệ kế thừa tiếp nối, để có những bước đi vững chắc và ổn định. Giáo hội tỉnh luôn tạo mọi điều kiện cho giới trẻ nhưng với tính đặc thù của Phật giáo, để Phật giáo phát triển ổn định, bền vững cần có người uy tín để nhiếp chúng, có thời gian để truyền đạt kinh nghiệm điều hành Phật sự và đào tạo, bồi dưỡng nhân sự kế thừa.

Phật giáo tỉnh Tây Ninh thường được so sánh với Phật giáo các tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ, có sự phát triển chậm hơn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hành chánh Giáo hội, tuy nhiên vẫn có nét đặc trưng, dấu ấn riêng, Hòa thượng có thể chia sẻ về những điểm sáng giúp Phật giáo tỉnh nhà?

Tây Ninh là vùng đất nối liền với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, với dãy dài sát với biên giới Campuchia, dù hạ tầng cơ sở của tỉnh được khang trang nhưng ở một số huyện, vùng biên giới đời sống người dân còn khó khăn. Do vậy, mỗi địa phương có đặc điểm riêng, nếu so sánh với Phật giáo các tỉnh thành thì Phật giáo Tây Ninh khiêm tốn hơn. Với chúng tôi, sự lớn mạnh về cơ sở vật chất cũng tốt nhưng chúng tôi quan niệm giá trị của Phật giáo nằm ở giá trị về tâm linh nuôi dưỡng tinh thần con người theo hướng tích cực, cốt lõi nằm ở chỗ giữ được giềng mối thầy trò, thiền môn trang nghiêm, thanh tịnh.

Đặc biệt, trong điều hành Phật sự, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh luôn tôn trọng sơn môn, pháp phái, không nguyên tắc cứng nhắc và rập khuôn, với mục đích tạo điều kiện tối đa cho Tăng Ni sinh hoạt tu học ổn định. BTS đã tổ chức 9 kỳ tuyển chọn người xuất gia, Đại giới đàn Tâm Hòa (lần IX, 2020). Ngoài ra, Ban Thường trực Ban Trị sự mở rộng vòng tay đón tiếp, mời gọi Tăng Ni trẻ có năng lực về đất Tây Ninh, đóng góp cho sự khởi sắc Phật giáo tỉnh nhà.

Trong khóa VI, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh vẫn chưa xây dựng được trụ sở Ban Trị sự để hoạt động tách biệt, Trường Trung cấp Phật học tỉnh đang đào tạo khóa II cũng chưa xây dựng được cơ sở độc lập đúng với quy chuẩn là cơ sở giáo dục. Nhiệm kỳ tới, các mục tiêu này sẽ được Ban Trị sự triển khai thực hiện như thế nào, bạch Hòa thượng?

- Trên thực tế, trụ sở Ban Trị sự tỉnh, Trường Trung cấp Phật học chưa có trụ sở riêng biệt, tuy nhiên với đội ngũ Tăng Ni trẻ đang điều hành Văn phòng Ban Trị sự và Ban Giám hiệu đã điều hành tốt mọi công việc. Với đội ngũ này, chúng tôi đã đào tạo trước đó đã 5 năm, đến nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ có thêm nhiều nhân tài trẻ phục vụ trong Giáo hội tỉnh nhà.

Thực tế, chúng tôi có nguồn nhân lực là Tăng Ni trẻ, có trình độ và nhiệt huyết sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch đã đề ra, kêu gọi các mạnh thường quân có điều kiện giúp đỡ tài vật hoặc hỷ cúng quỹ đất hợp pháp để xây dựng trụ sở Ban Trị sự và Trường Trung cấp Phật học. Điều quan trọng nhất chúng tôi có sẵn nguồn nhân lực, con người tài đức để phục vụ cho Phật sự chung.

Tiềm năng của Phật giáo tỉnh là nhân sự trẻ, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần VII sắp tới sẽ suy cử thành phần nhân sự của Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027, Tăng Ni trẻ được Ban Nhân sự quan tâm, phân bố như thế nào thưa Hòa thượng?

- Nhân sự của Ban Trị sự nhiệm kỳ mới chúng tôi chú trọng giới thiệu vẫn là những Tăng Ni trẻ phẩm hạnh, có năng lực và nhiệt huyết trong hoạt động Phật sự, phải biết hy sinh cái riêng cho lợi ích chung. Số lượng nhân sự trẻ không phân bổ và quy định chỉ tiêu cho mỗi huyện thị là bao nhiêu, mà là chú trọng tuyển chọn những con người đủ phẩm hạnh để kế thừa, lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà trong tương lai.

Nhân Đại hội lần thứ VII, Hòa thượng đặt kỳ vọng và có nhắn nhủ gì đến Tăng Ni Phật giáo tỉnh nhà?

- Trước hết tôi thay mặt toàn Ban Trị sự Phật giáo tỉnh gởi lời cảm ơn đến các cấp lãnh đạo trong tỉnh, trong suốt thời gian hơn 40 năm qua luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho Phật giáo Tây Ninh phát triển. Với thâm tình đó, tôi kêu gọi Tăng Ni trẻ luôn luôn thượng tôn Giới luật, vì Giới luật còn là Phật pháp còn, mà Phật pháp còn thì tổ chức Giáo hội còn. Do vậy, tôi rất tin tưởng vào đội ngũ Tăng Ni trẻ, mong mỏi thế hệ tiếp nối luôn trau dồi giới đức, trau dồi nội ngoại điển, mạnh dạn dấn thân hành đạo, phụng sự cho đời cho đạo.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày