Dấn thân & chia sẻ

ĐĐ.Thích Viên Trí tặng quà cho trẻ em vùng sâu - Ảnh: CTV
ĐĐ.Thích Viên Trí tặng quà cho trẻ em vùng sâu - Ảnh: CTV
Giác Ngộ - Có một vị thầy đã đi và trải nghiệm. Thầy nói đó là cách giúp bản thân có cách nhìn, cách nghĩ đầy mới mẻ. Và vì vậy, thầy đã đi và hành thiện rất nhiều nơi. Mỗi nơi thầy đi qua không chỉ đem lại chất lượng sống cho cộng đồng mà còn là sự sáng tạo, làm nên nguồn năng lượng yêu thương để tiếp tục dấn thân. Chân dung ĐĐ.Thích Viên Trí được bắt đầu từ những chuyến đi trải nghiệm như thế...

Càng đi càng tăng trưởng lòng từ bi

Phải thuyết phục mãi, tôi mới có may mắn được ĐĐ.Thích Viên Trí chia sẻ về công việc từ thiện âm thầm, lặng lẽ của mình. Trước mặt tôi là một xấp giấy khen, bằng khen, giấy ghi nhận công đức…còn thơm mùi mực, bởi lẽ chủ nhân của chúng chưa từng đóng khung để treo vào những chỗ trang trọng nhất.

Đảm nhiệm trọng trách Trưởng phòng Đào tạo (2006-2010), giảng viên HVPGVN tại TP.HCM, tham gia giảng dạy tại nhiều đạo tràng trên khắp các tỉnh thành nhưng ĐĐ.Thích Viên Trí vẫn không quên thực hiện sứ mạng hoằng pháp lợi sinh tại các vùng sâu, xa như Đồng Nai, Daklak, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau, Hậu Giang, Thái Bình... đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

"Sau khi hoàn thành học vị tiến sĩ Phật học từ Ấn Độ trở về, tôi chỉ chuyên sâu về nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc tôi cảm thấy rất mệt mỏi, muốn làm một việc gì đó thực tế hơn và tôi nghĩ đó là từ thiện. Ban đầu, tôi làm chỉ để mang tính chất xả stress, nhưng quá trình đi đến nhiều vùng đất, gặp nhiều cảnh khổ khác nhau, tâm từ bi phát khởi mạnh mẽ, lại nhận thấy đây cũng là một việc hoằng pháp kết hợp giữa 2 yếu tố tài thí và pháp thí rất hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều người. Bản thân mình cũng cảm thấy trưởng thành hơn, được chia sẻ và có thêm nhiều người cùng chí hướng. Và càng đi, càng nhận thấy rằng trước kia tư duy của mình chưa thực tế và sâu sắc khi tự tách mình ra khỏi dòng chảy cuộc đời", ĐĐ.Thích Viên Trí chia sẻ.

Công tác từ thiện không thể bền vững lâu dài nếu thực hiện một cách độc lập, sau một vài chuyến đi từ thiện ở một số tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, ĐĐ đã nối kết với Quỹ Từ Bi Foundation (tổ chức từ thiện của Phật giáo ở Mỹ) để mở rộng công tác từ thiện của mình. Công việc đầu tiên là khoan giếng vùng sâu, vùng xa, vùng nước bị phèn và vôi theo tiêu chuẩn của Unicef. Một cái giếng sau khi khoan hoàn thiện và đưa vào sử dụng có giá từ 2,8 triệu đến 3 triệu đồng, thế nhưng, đối với người dân quê lam lũ thì đó là cả một gia tài.

Vun bồi giá trị sống

Sau một thời gian lặn lội sống cùng đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân miền Tây Nam Bộ rất lớn mà phương tiện đi lại chỉ đơn giản, bấp bênh bằng những cây cầu khỉ. Thế là ĐĐ.Thích Viên Trí đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước xây cầu để giải quyết vấn đề giao thông cho người dân quê. Song song đó là xây nhà tình thương, trường mẫu giáo, phát học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. ĐĐ trăn trở: "Trong thực tế của xã hội Việt Nam ngày nay, những người dân ở vùng sâu, vùng xa mặt bằng dân trí rất thấp vì bị thiệt thòi rất lớn về phúc lợi xã hội, cụ thể là trong lãnh vực giáo dục. Vì vậy, tâm huyết của tôi là hỗ trợ về công tác giáo dục".

Là một tu sĩ đồng thời là một nhà giáo, ĐĐ.Thích Viên Trí đã luôn hoàn thành mọi sự gởi gắm của các nhà từ thiện, các nhà hảo tâm qua Quỹ Từ Bi Foundation. Tạo được niềm tin và sự đồng cảm với công việc ý nghĩa này, đầu năm học hàng năm ĐĐ đại diện cho tổ chức từ thiện này trao khoảng 500 suất học bổng cho các học sinh cấp I, II, III và sinh viên đại học từ Quảng Trị đến Cà Mau. Tùy yêu cầu thực tế, mỗi suất có thể từ 500 ngàn cho đến 1,2 triệu đồng, cá biệt có suất lên tới vài triệu đồng. Bởi lẽ: "Đầu tư, hỗ trợ vào giáo dục không chỉ giúp thế hệ con em có tri thức mà còn góp phần xây dựng giá trị sống cho toàn thể cộng đồng".

Hiện tại, ĐĐ.Thích Viên Trí cũng đã nối kết được một số Tăng Ni là học trò của mình đang tu học và làm Phật sự ở vùng sâu, xa cùng tham gia công tác từ thiện. ĐĐ áp dụng phương thức làm từ thiện đem lại hiệu quả kinh tế cao là kết hợp vốn 50 - 50. Ví dụ, ở những vùng dân quá nghèo, kinh phí xây cầu rộng 2m và dài 30m là khoảng 150 triệu đồng. ĐĐ vận động các nhà hảo tâm đóng góp 50%; phần còn lại chính quyền hợp tác đối ứng, nghĩa là chính quyền góp vốn 75 triệu đồng. Cách làm này không chỉ nêu cao được tinh thần trách nhiệm của chính quyền trong việc chăm lo đời sống cho người dân, khơi gợi được ý thức giữ gìn bảo quản các công trình phúc lợi của quần chúng, lại mang tính xã hội hóa, tính gắn kết Phật giáo - Dân tộc. Đây cũng là cách làm đầy sáng tạo, điểm khác biệt lớn của Từ Bi Foundation so với các tổ chức, chương trình từ thiện khác. Tất cả các công trình từ thiện như khoan giếng, xây cầu, trường học…đều được gắn biển mang dấu ấn của Phật giáo, điều này đã tạo được tín tâm của người dân vào Phật pháp; hình ảnh các vị tu sĩ đã thực sự nhận được sự trân trọng, kính quý và để lại dấu ấn tốt đẹp tại các nơi mà Từ Bi Foundation đã đi qua.

Đến nay, quỹ đã xây dựng khoảng gần 100 lớp học, hơn 400 giếng nước sạch, 100 nhà tình thương. Quỹ còn thường xuyên cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tặng quần áo, phát thuốc, hũ gạo tình thương... Sắp tới, quỹ sẽ bàn giao nhà mẫu giáo tại huyện Ekăr (Daklak), triển khai chương trình khoan 20 giếng cho đồng bào nghèo tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long…

Với tinh thần cứu thế vô văn, hành thiện vô danh, lợi sanh vô tướng, trải dài từ Bắc đến Nam, ĐĐ.Thích Viên Trí lại cùng Quỹ Từ Bi Foundation, các nhà hảo tâm, các Phật tử tiếp tục âm thầm gắn bó với công việc từ thiện này như một phần máu thịt của mình.

"Tôi chịu ảnh hưởng nhiều bởi tấm gương tiền bối Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu. Hòa thượng trước đây vừa tham gia giảng dạy lại trực tiếp đứng đầu một học viện lớn nhưng Ngài luôn thực hiện các công việc theo thời khóa biểu một cách chi tiết, giờ nào - việc ấy. Phật sự nhiều, đôi lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng cứ nghĩ đến cảnh bên giếng khoan những em bé sung sướng hò reo, thỏa thích tắm mát, rồi nhảy cẫng lên vui sướng đón nhận những làn nước mát đầu tiên là tôi thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi thấy màu cờ, sắc áo của mình có ý nghĩa vô cùng đối với cuộc đời này. Và, thật sự mỗi nơi đi qua, tôi thấy mình đang sống cùng với mọi người, tôi được in dấu trong trái tim bao người khác". ĐĐ.Thích Viên Trí chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày