Đầu năm, người dân đi đền chùa thỉnh lễ rất đông cũng là thời điểm bọn trộm cắp tranh thủ "hoạt động rất tích cực".
Rạch túi, móc ví...
Ngày 22.2, chị Trần Thị Quỳnh Trang (ở phố Hàng Khoai, Hà Nội) tới phủ Tây Hồ (Hà Nội) vãn cảnh, thắp hương. Người đông, chị Trang vừa loay hoay giữ thăng bằng vừa chắp tay làm lễ. Đến khi bước ra ngoài, chị tá hỏa vì chiếc ví hiệu Hello Kitty màu trắng đựng 2 thẻ ATM, bằng lái xe cùng 3 triệu đồng, để trong túi xách đeo tay không cánh mà bay. Trong lúc xì xụp khấn vái, chị Trang vô tình trở thành nạn nhân của đạo chích.
Cũng mất trộm, nhưng chị Bích Ngọc (nhà ở ngõ 68, đường Cầu Giấy, Hà Nội) may mắn hơn khi nhận lại được 4,6 triệu đồng cùng toàn bộ giấy tờ bên trong, vì sau khi gây án, đang tìm cách rút lui thì bị phát hiện nên tên trộm bỏ của chạy lấy người.
Theo thống kê của Ban quản lý (BQL) phủ Tây Hồ, từ mùng 2 Tết tới nay, tại đây đã xảy ra 60 vụ trộm cắp, móc túi. Thủ đoạn gây án phổ biến là rạch túi móc lấy ví tiền, sau khi rút hết tiền thì ném ví vào thùng rác... BQL đã tìm, trả lại ví cho khoảng 40 trường hợp.
Ngoài móc túi khách hành hương, ban thờ đặt tiền lễ cũng rơi vào tầm ngắm của bọn trộm cắp. Lực lượng bảo vệ tại phủ bắt quả tang hàng chục đối tượng gây án. Trước khi giao Công an phường Quảng An xử lý, BQL chụp ảnh chân dung đối tượng, làm cáo thị dán trên lối vào cảnh báo du khách.
Ở đền Quán Thánh (Hà Nội), chị Trần Lệ Thúy, phụ trách quản lý di tích, xác nhận dịp Tết vừa qua có khoảng 20 trường hợp bị móc ví, trộm điện thoại di động. Du khách mất nhiều nhất là 10 triệu đồng...
Nhà chùa... ra tay
Để chống đạo chích, nhiều chùa, khu di tích đã tiến hành những biện pháp phòng vệ khá nghiêm ngặt. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, những biện pháp này không chỉ để chống trộm cắp, móc túi ngày đầu xuân mà cũng để bảo vệ nhà chùa khỏi trộm cắp trong năm.
Theo Sa di Thích Quảng Tân, chùa Tao Sách trên đường Lạc Long Quân, trước đây chùa thường xuyên bị kẻ gian lẻn vào, bẻ khóa chôm tiền trong các thùng công đức. Nhà chùa quyết định mua két sắt thay cho các thùng công đức bằng gỗ; đồng thời cắt cử phật tử ngồi thu lượm tiền lễ. Đã qua hai năm sử dụng két sắt thay cho thùng công đức, chùa chưa phát hiện ra vụ trộm cắp nào. Tương tự, ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm), chùa Hoàng Ân (phường Quảng Bá) cũng đã cho đặt két sắt chống trộm...
Tại đền Quán Thánh, ngày cao điểm, BQL di tích thuê vệ sĩ túc trực, giám sát tại hậu cung - nơi kẻ gian thường lựa chọn gây án do diện tích chật hẹp, lại tập trung đông người. Còn chùa Linh Sơn Thanh Nhàn (trên đường Trần Khát Chân, Hà Nội), rút kinh nghiệm sau một lần hòm công đức bị phá khóa, ngoài lực lượng phật tử bí mật trà trộn vào dòng người đứng thắp hương hành lễ để phát hiện kẻ gian, nhà chùa thiết kế riêng hệ thống chuông báo động. “Nếu phát hiện kẻ gian, người gần nhất sẽ nhấn chuông để tiến hành vây ráp”, sư trụ trì Thích Nữ Như Hiền cho biết.