Đạo diễn PiL Nguyễn: An lành từ mỗi chuyến đi

PiL Nguyễn trước Viện Luật Huệ Nghiêm - Ảnh: NVCC
PiL Nguyễn trước Viện Luật Huệ Nghiêm - Ảnh: NVCC
0:00 / 0:00
0:00

GN - Đạo diễn PiL Nguyễn (tên thật Nguyễn Phương Phi, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TP.HCM) được biết đến nhiều hơn sau khi đoạt giải phim ngắn xuất sắc nhất trong cuộc thi làm phim ngắn do Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và VTV6 tổ chức năm 2016.

Sau giải thưởng này, anh cho ra mắt “Ciné For You”, một dự án thiện nguyện vì cộng đồng nhằm mang đến cho người xem nhiều sản phẩm trực tuyến như: web drama, phim ngắn, các chương trình mang tính giáo dục, những chuỗi video clips… Trong đó, series “Chùa Việt” trên kênh YouTube PiL Chanel, đến nay đã có trên 230 clips về những ngôi chùa được anh đến thăm, ghi hình và giới thiệu. Được biết, anh dự định sẽ tiếp tục dự án này với kế hoạch giới thiệu 1.000 ngôi chùa đến công chúng. Trong cuộc trò chuyện với Giác Ngộ, PiL Nguyễn đã có những chia sẻ về công việc thú vị này:

- “Chùa Việt” ra đời trong hoàn cảnh rất vui, đó là khoảng thời gian tôi thất nghiệp, khá rảnh nên đã đi khám phá rất nhiều chùa. Là dân làm phim, do “bệnh nghề nghiệp” nên tôi chỉ thích quay clip để lưu lại kỷ niệm (thay vì chụp hình). Với cảm nhận của một người làm truyền hình hơn 10 năm, tôi phát hiện: việc đến chùa không chỉ nhiều lợi lạc mà nơi này còn có nhiều đề tài, nhiều câu chuyện thú vị… Vì vậy, tôi muốn lưu lại thành series (đánh số thứ tự) để biết được mình đã ghé thăm bao nhiêu ngôi chùa và chia sẻ những nơi ấy cho nhiều người được biết.

Đây không phải là một dự án phim ảnh gì to lớn, nó chỉ đơn thuần là những video clip nho nhỏ mà tôi ghi lại về những ngôi chùa mà cá nhân mình thấy thú vị. Hơn nữa, tôi muốn khuyến khích nhiều người nên đến thăm những nơi lợi lạc như chùa thay vì đi “ăn nhậu”, vui chơi vô bổ, tốn kém.

Thực ra, ban đầu, tôi không có ý định làm series “Chùa Việt”. Nhưng do bản thân có một nguyên tắc an toàn cho bản thân khi lái xe đường dài là: phải dừng chân nghỉ ngơi sau khi chạy hơn 60 phút! Và điểm dừng chân luôn là những ngôi chùa thuận tiện trên tuyến đường ấy. Tôi thích cảm giác khi đến những ngôi chùa vì nơi ấy mang lại cho tôi một sự an lành mỗi khi dừng chân. Điều đó không chỉ giúp tôi tái tạo lại năng lượng sau một hành trình dài mà còn cho tôi có cơ hội được sống “quay về bên trong”, khiến mình sống thiện và vui hơn…

PiL Nguyễn - Ảnh: NVCC

PiL Nguyễn - Ảnh: NVCC

Đến chùa nhiều lợi lạc

Trong quá trình thực hiện, anh có gặp khó khăn hay thuận lợi nào? Đến nay, anh đã quay và làm hậu kỳ, giới thiệu bao nhiêu ngôi chùa rồi?

- Tôi may mắn vì luôn nhận được sự ủng hộ rất to lớn từ phía gia đình và 4 người anh em trong team sản xuất nhỏ của mình. Không chỉ có “Chùa Việt” mà tất cả các sản phẩm khác trong dự án “Ciné For You”, họ đều giúp tôi hết mình để hoàn thành sản phẩm.

Tính đến tháng 3-2021, team của tôi đã quay được hơn 300 ngôi chùa. Trong đó, tôi đã đăng lên kênh YouTube PiL Chanel hơn 230 video clips.

Khán giả xem phim đã có phản hồi như thế nào?

- Ban đầu kênh YouTube PiL Chanel chỉ có vài lượt theo dõi, nhưng hơn 1 năm sau thì có hơn 500 người. Mặc dù, con số này “nhỏ xíu” nhưng với tôi và cộng sự, đây là một niềm vui lớn vì ít ra thì chúng tôi đã gieo duyên được cho hơn 500 người cũng cùng thích đi chùa như chúng tôi.

Với những ngôi chùa đã đi qua và ghi hình, anh thú vị với kiến trúc, cảnh quan hay ấn tượng ở nơi nào nhất? Hay có nơi nào khiến anh “chấn động” và thay đổi tâm mình sau khi nghe câu chuyện liên quan ở đó?

- Như đã chia sẻ, mỗi clip trong series “Chùa Việt” là một nơi mà cá nhân tôi cho là thú vị nên đã quay lại và chia sẻ lên kênh PiL Chanel.

Với tôi, tất cả những ngôi chùa ấy đều ấn tượng và thú vị theo nhiều lẽ… Nó có thể là nơi mang những điển tích có thật, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc hoặc là nơi gắn liền với những nhân vật lịch sử; hay là nơi có những chi tiết rất độc đáo… (đã được sách Việt Nam ghi nhận hoặc được người dân tự ghi nhận); cũng có thể là nơi chứa đầy tình yêu thương: nhà mở, mái ấm,…

Tôi cho rằng, việc đi chùa không chỉ đơn giản là một thói quen, là niềm tin tôn giáo mà còn mang lại cho con người nhiều sự lợi lạc, giúp con người có dịp “sống quay về bên trong”, cân bằng lại thân tâm để sống tốt hơn, an lạc hơn.

Mỗi nơi đã ghé, tôi cũng thu nạp được nhiều câu chuyện ý nghĩa cho riêng mình. Bật mí thêm, sắp tới, bên cạnh series “Chùa Việt” thì tôi và ekip sẽ ra mắt thêm một series chương trình mới về những câu chuyện như vừa kể.

Để hoàn thành series phim lên đến 1.000 ngôi chùa, anh cần bao nhiêu thời gian nữa? Hiện tại các ngôi chùa đã quay hình ở đâu là chính?

- Tôi đâu có giới hạn series “Chùa Việt” chỉ có 1.000 ngôi chùa (ời). Biết đâu con số còn cao hơn!

Đơn giản khi có dịp đi thì tôi sẽ quay và giới thiệu các ngôi chùa mà mình có duyên ghé. Hiện tại, các chùa tôi đến thăm chủ yếu tại miền Nam - ở các tỉnh thành như: TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa, Long Thành, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Tương lai, tôi hy vọng sẽ đi thăm được nhiều chùa ở miền Bắc, miền Trung.

Làm sạch nguồn thông tin

Anh có phải là Phật tử?

- Đúng, tôi là một Phật tử.

Điều gì ở giáo lý đạo Phật giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn, ứng dụng vào đời sống?

- “Nhân - duyên - quả”, hay nói ngắn gọn là “Nhân quả”.

Có nhiều YouTuber cũng khai thác đề tài Phật giáo nhưng lại tập trung những câu chuyện không hay, “đẩy” nó thành dư luận xấu như chuyện “Thầy chùa ăn thịt” ở Củ Chi (TP.HCM) vừa rồi. Anh có cái nhìn hay chia sẻ nào về “đạo đức nghề nghiệp” với vai trò YouTuber chuyên nghiệp?

- Với tư cách công dân, tôi cho rằng, pháp luật Việt Nam cũng đã có các quy định rõ về chế tài đối với những người lợi dụng môi trường mạng xã hội để xúc phạm, làm nhục người khác. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy cứ chấp hành “sống và làm việc theo pháp luật”, ai lan tỏa thông tin sai sự thật thì chúng ta nhờ cơ quan chức năng xử lý. Đó là cách tốt nhất để “làm sạch” nguồn thông tin.

Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!

Chúc Thiệu thực hiện/Báo Giác Ngộ

Từng theo học ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng PiL quyết định dừng lại và theo đuổi học nghệ thuật. Khởi đầu, PiL làm đạo diễn ca nhạc tại Lan Anh music center - một trung tâm ca múa nhạc lớn nhất ở TP.HCM đầu những năm 2000. Sau đó, anh bén duyên qua làm truyền hình online được 3 năm tại Báo Tuổi Trẻ (2005-2009), với chuỗi chương trình giải trí Gương mặt showbiz của PiL phát sóng trên VTV9.

Sau khi du học tại Hàn Quốc trở về, PiL tiếp tục làm truyền hình 5 năm tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị. Cuối năm 2013, khi Báo Sài Gòn Tiếp Thị giải thể, PiL chuyển qua công việc sản xuất phim truyền hình và được đào tạo khóa học về làm phim truyện của Hàn Quốc. Kể từ đó, anh chính thức theo đuổi con đường làm phim và trở thành đạo diễn.

Năm 2016, PiL đoạt giải xuất sắc nhất cuộc thi làm phim chống định kiến về giới mang tên “Bình thường hay bất thường” do Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và kênh VTV6 tổ chức. Năm 2017, PiL khởi động dự án “Xi-nê cho bạn - Cine for You”, một dự án mang đến những web drama, những video clips có nội dung giáo dục, giải trí và tính nhân văn vì cộng đồng. Song song đó, giai đoạn 2017-2019, anh đã làm BTV tại Báo Thanh Niên, sau đó làm việc tự do (freelancer) đến nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày