Đạo tình của vị lương y Phật tử

GN - Sau gần một tháng nhờ thầy Nam bấm huyệt và chích lể, tôi rất mừng vì đã bình phục được 60% căn bệnh viêm xoang mãn tính thường làm khổ tôi mỗi khi trái gió trở trời, mưa nắng thất thường.

anhminhhoa.jpg
Ảnh minh họa

Nhờ người bạn tu giới thiệu, tôi mới biết thầy Nam. Hóa ra, chúng tôi đều là những Phật tử lâu năm. Thầy Nam đã 87 tuổi, thuộc thế hệ đầu tiên tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử, còn tôi và anh bạn tu là thế hệ đàn em. Huynh đệ có duyên lành gặp nhau và giúp nhau hết lòng khi đau ốm. Thầy Nam coi tôi như người em trong gia đình đạo, chữa bệnh cho tôi tận tình. Biết tôi ở xa, khó có thể theo học một khóa học bấm huyệt và chích lể do thầy giảng dạy để có thể tự chữa bệnh cho mình, cho nên thầy luôn hướng dẫn kỹ lưỡng cho tôi cách bấm huyệt, hơ điếu ngải, để sau này tôi có thể tự chữa lấy. Thầy cũng không quên biếu cho tôi tập giáo trình hướng dẫn bấm huyệt để tham khảo thêm.

Buổi sáng cuối cùng, ngồi uống trà với thầy để tạ ơn và chia tay thầy sau gần một tháng điều trị. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện thầy kể, nhưng câu chuyện buổi sáng hôm chia tay ấy thật hay, làm tôi nhớ mãi.

Thầy kể, khi còn là cậu bé 10 tuổi, thầy nhặt được 5 đồng bạc giấy. Tiền Đông Dương hồi đó rất giá trị, với 5 đồng bạc có thể nuôi sống gia đình thầy cả tháng. Thầy chưa kịp mừng thì bất ngờ người phụ nữ đánh mất số tiền ấy quay trở lại tìm. Lúc đó, thầy cũng đủ khôn khéo xác minh lại xem có đúng bà ta là người đã làm mất số giấy bạc đó không? Bà ấy rất vui mừng khi nhận lại 5 đồng bạc, vì đó là số tiền dự định chi tiêu cho cả nhà; nếu mất đi thì bà sẽ rất buồn khổ.

Bà ấy đã cất công tìm hỏi nhà thầy, mấy hôm sau quay trở lại với một cái rổ nhỏ đựng 3 lon nếp và một chục trứng gà, gọi là chút quà nhỏ, lòng thành hậu tạ. Sau khi bà ấy ra về, cha của thầy nói với thầy và các anh chị em: “Cha rất tự hào về các con. Cha nhận món quà này để cho bà ấy nhẹ lòng vì đã trả đưc ơn và cha muốn nhắc nhở các con 3 điều cần phải luôn ghi nhớ: Điều thứ nhất là biết làm ơn, điều thứ hai là biết trả ơn, và điều thứ ba là biết làm điều thiện”.

Tôi đã kể lại câu chuyện này cho con cháu tôi nghe, các cháu thích lắm!

Dù tuổi cao nhưng trí nhớ của thầy Nam rất tốt. Thầy cho biết trong kinh có nói đến trường hợp Đức Phật bị bệnh. Đúng vậy, có thân là có bệnh. Vậy bệnh từ đâu đến? Đức Phật dạy, bệnh do nhân quả sinh ra, do nghiệp lực tác thành. Có bản kinh mô tả rất cụ thể và sinh động về việc bàn chân của Đức Thế Tôn bị mảnh đá đâm phải. Đức Phật đã dùng phương pháp “Chánh niệm tỉnh giác” để vượt qua mọi lo lắng, sợ hãi.

Thầy khuyên tôi hãy bớt lo lắng, mỗi khi trở bệnh thì bình tĩnh bấm huyệt đúng như những gì thầy hướng dẫn. Người con Phật thì phải biết nương tựa Phật, thường niệm danh hiệu Ngài, thường sám hối tam nghiệp tội, bệnh sẽ lùi xa. Thầy chỉ vào cái khung thư pháp trên tường, biểu tôi đọc:

Giận ít, cười nhiều

Không còn tật bệnh, sớm chiều an vui

Đi xe ít, đi bộ nhiều

Tật bệnh bay mất hơn liều thuốc tiên

Ăn mn ít, ăn chay nhiều

Lục phủ ngũ tạng sớm chiều khỏe ra.

Sau gần một tháng, thầy Nam đã mang lại cho tôi nhiều điều tốt lành. Tôi càng thêm tin yêu cuộc sống mầu nhiệm, vì chư Phật và Bồ-tát đã cho tôi được gặp thầy Nam, một vị lương y Phật tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày