Đạo tràng giữa chốn núi rừng

GN - Từ một am tranh dựng bằng cây rừng và những chiếc mõ gáo dừa, các sư cô đã tạo dựng nên một đạo tràng chùa Pháp Hoa cho đồng bào K’Ho gần cả ngàn Phật tử. Đây là đạo tràng lớn nhất dành cho đồng bào K’Ho ở vùng cao (thuộc thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng). Hành trình 40 năm ở đây, Ni sư TN.Minh Hiền, Ni sư TN.Huệ Đức không chỉ đưa lời kinh tiếng kệ đến với đồng bào dân tộc K’Ho mà còn chăm lo đời sống vật chất của người dân nơi đây.

Tiếng mõ gáo dừa

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hai Sư cô trẻ Minh Hiền và Huệ Đức rời Sài Gòn đặt chân tới cao nguyên Di Linh khi tuổi đời chưa tròn 30. Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng khi ấy còn rất hoang sơ với cộng đồng nhiều sắc tộc. Lý tưởng tu hành và tâm nguyện đã giúp hai Sư cô vượt qua biết bao khó khăn để xây dựng một không gian tĩnh lặng của núi rừng để thiền định, tu tập.

bp.jpg
Thảnh thơi bên các Phật tử nhỏ

Vốn là người xuất gia ở chốn thị thành, được đào tạo, ăn học đến nơi đến chốn, đôi tay vốn chỉ quen với việc cầm viết, không quen với việc cầm cuốc làm nương rẫy, những ngày đầu, hai sư cô sống thật sự gian nan. Giữa chốn núi rừng hoang vu, sau những giờ tu tập lại là những ngày “trần thân” với việc khai hoang làm nương, làm rẫy.

Hồi tưởng lại những ngày đầu mang đạo Phật tới cho bà con Phật tử nơi đây, Ni sư Thích nữ Minh Hiền tâm sự: “Phải đến 15 năm sau, tôi mới quy y cho đồng bào dân tộc, cho dù cao nguyên Di Linh có rất nhiều đồng bào thuộc sắc tộc khác nhau đang sinh sống trong cộng đồng nhưng chủ yếu là người K’Ho được quy y”.

 Với sự kiên định, nhẫn nại và tâm nguyện lớn lao là hoằng pháp ở nơi hoang vu, khó khăn trăm bề ấy, hai Sư cô đã kiên trì tụng niệm. Tiếng mõ tụng niệm cứ vang vọng khắp núi rừng như đánh thức những tâm hồn hoang dã tìm về chốn tĩnh lặng. Tiếng mõ lốc cốc, lốc cốc bằng chiếc gáo dừa từng ngày từng ngày đã quen dần với đời sống của đồng bào K’Ho. Và, kỳ lạ thay, những con người vốn chỉ quen với nương rẫy đã ngày càng một gần hơn với mái lá cổng chùa.

Ngày ấy, nghe tiếng mõ vang xa, có những người đã phải vượt qua hai ba ngọn núi cao, vượt qua bốn năm con suối mới đến chùa để được an bình thân tâm trong tiếng tụng niệm, được nghe giảng về sự cứu độ chúng sinh của Đức Phật. Và vì thế, cứ vào ngày rằm và mùng một hàng tháng, có những đôi dép, những chiếc gùi được xếp lại nơi cổng chùa. Đồng bào K’Ho đã khoác lên mình chiếc áo lam của một Phật tử để bắt đầu đi trên một con đường khác, con đường tìm đến chốn an lạc trong thân tâm giữa chốn rừng xanh.

Từ buổi ban đầu gian khó ấy, Phật tử người K’Ho tìm đến chùa ngày một đông dần. Trong khi đó, Pháp Hoa vẫn là một ngôi chùa mái tranh vách đất trăm bề thiếu thốn, ngay cả chiếc mõ để người K’Ho tập dần với việc tu hành, kinh kệ buổi ban đầu cũng không có. Hai sư cô đã nghĩ ra cách làm những chiếc mõ bằng gáo dừa. Ngày nay, mõ gáo dừa ở chùa Pháp Hoa được thay thế bằng những chiếc mõ hình con cá. Bởi, theo Ni sư Minh Hiền, đặc tính của loài cá là không bao giờ ngủ nên âm thanh phát ra từ chiếc mõ hình con cá sẽ giúp đánh thức mọi người khỏi cơn mê muội.

Mang đạo vào đời

Đạo tràng chùa Pháp Hoa không chỉ có người lớn mà giờ đây những khóa tu của chùa còn có cả những em bé còn rất nhỏ. Bởi sau khi giác ngộ giáo lý nhà Phật, nhiều gia đình người K’Ho cũng muốn con cháu của họ biết đến Phật pháp sớm hơn. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng với tấm lòng của người con Phật, hàng trăm Phật tử người K’Ho vẫn tới chùa thường xuyên. Qua những buổi thuyết pháp cho Phật tử, Ni sư TN.Minh Hiền thường tập cho họ những bài Phật ca, những bước kinh hành cùng nhịp với tiếng mõ con cá là những nội dung rất sinh động, gần gũi với nếp sống của đồng bào trong buôn làng. Đó là nếp sống đạo mà đạo tràng Pháp Hoa vẫn duy trì hàng tuần từ hàng chục năm qua.

bpp.jpg
Hướng dẫn cho Phật tử cách chăm sóc cây cà phê

Đạo tràng nằm giữa núi rừng, các buôn làng ở cách xa nhau mấy ngọn núi nhưng không khác với những đạo tràng ở các đô thị lớn, những ngày lễ, những kỳ sinh hoạt tu tập, nghe thuyết pháp... Phật tử K’Ho vượt núi, băng rừng tìm về rất đông và cùng nhau lễ Phật, nấu bữa cơm chay thành kính dâng lên Đức Phật.

Di Linh ngày nay không còn hoang vu như những ngày đầu cách đây hơn 40 năm, khi Ni sư đặt chân đến nơi đây gieo hạt giống Phật pháp đầu tiên. Đời sống của người K’Ho đã no ấm đủ đầy hơn, không chỉ vật chất mà đời sống tinh thần, tâm linh hướng thiện khi hàng ngàn đồng bào K’ho trở thành Phật tử thuần thành của đạo tràng Pháp Hoa.

Với người K’Ho, đạo tràng Pháp Hoa này đã là mái nhà chung và cũng như thế, với Ni sư TN.Minh Hiền, từng buôn làng, từng góc bếp, từng gia đình người K’Ho cũng đã là chốn thân quen trong sự bao dung dưới ngọn tuệ đăng của Phật pháp từ gần nửa thế kỷ qua.

Ngày Ni sư đến Di Linh, người K’Ho còn sống với tập tục đóng khố, du canh du cư. Nhưng hôm nay, họ đã có một cuộc sống ổn định, cùng chung tay trồng rẫy cà-phê của nhà chùa để có đời sống sung túc, thịnh vượng hơn.

Hai Ni sư không chỉ dạy, thuyết pháp cho người K’Ho về Phật pháp, mà còn chỉ dạy cho đồng bào cách làm kinh tế. Đời sống đồng bào K’Ho đi lên nhờ vào sự dẫn dắt của hai Ni sư và niềm tin vào Phật pháp. Và cũng nhờ đó, cộng đồng Phật tử người K’Ho với hàng ngàn con người hướng Phật, tin Phật như hôm nay...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày