Đất Quốc Oai - đệ nhất thắng cảnh chùa Thầy

Nằm dưới chân núi Sài hùng vĩ, chùa Thầy được biết đến như một quần thể di tích đệ nhất của miền quê trù phú Quốc Oai. Đến đây, du khách sẽ được du ngoạn về chốn tâm linh huyền bí với những truyền thuyết, những dấu tích lịch sử còn sót lại của hơn 800 năm về trước.
Thủy đình, biểu tượng của chùa Thầy
Thủy đình, biểu tượng của chùa Thầy

Theo thuyết phong thủy thì núi Sài là con rồng lẻ đầu (quái long), sân chùa Thầy là lưỡi rồng, thủy đình là ngọc, còn xung quanh vùng núi non, làng mạc là quy, phượng chầu về.

Khi đặt chân đến chùa, bạn sẽ đi qua hai cây cầu là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Đôi cầu này được trạng nguyên Phùng Khắc Khoan xây dựng năm 1602. Không chỉ dành để đi lại, cầu còn là nơi nghỉ chân, vãn cảnh của du khách thập phương. Phía trước chùa là hồ Long Chiếu, là bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng Đêm hội Long Trì.

Giữa hồ có nhà thủy đình được dùng làm nơi biểu diễn múa rối nước vào mỗi dịp hội xuân (7-3 âm lịch hằng năm). Nhìn quang cảnh nơi đây, sẽ không khỏi liên tưởng đến cảnh hồ Gươm với tháp rùa và cầu Thê Húc.

Hồ Long Chiếu trước chùa Thầy, từng là bối cảnh cho bộ phim Đêm hội Long Trì
Hồ Long Chiếu trước chùa Thầy, từng là bối cảnh cho bộ phim Đêm hội Long Trì
Cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên bắc qua hồ Long Chiếu do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602
Cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên bắc qua hồ Long Chiếu do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602

Chùa Thầy là quần thể di tích in đậm dấu ấn của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thiền sư không chỉ lập chùa thờ Phật mà còn là thầy học, thầy thuốc cho cư dân trong vùng. Vì vậy, người ta gọi chùa là chùa Thầy, núi Sài Sơn là núi Thầy.

Về kiến trúc, chùa Thầy là một quần thể kiến trúc gồm dãy nhà Tổ, chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ và các chùa, am xung quanh cũng như ở trên núi. Điểm nhấn của chùa Thượng là tượng thiền sư khi ngài đã thành Phật, đội mũ hoa sen, khoác áo cà sa. Bàn tay tài hoa của người nghệ nhân thế kỷ XIX đã tạo nên bức tượng với khuôn mặt khắc khổ, nổi rõ từng gân cốt, mạch máu ngồi xếp bằng tròn trên đài hoa sen. Đài hoa này cũng là di vật duy nhất còn sót lại từ thời Lý.

Chùa Trung còn lưu giữ hai tượng hộ pháp khổng lồ, cao gần 4m, được coi là tượng hộ pháp lớn nhất Việt Nam. Tượng được đắp từ đất thó, giấy bản giã nhỏ trộn với mật và trứng. Khu điện thờ trong chùa là các ban thờ Phật, trong đó có Phật Như Lai, tượng Tuyết Sơn, Phật bà nghìn mắt nghìn tay... Hai bên chùa là hành lang thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông cổ tương truyền đúc từ thời Lý và lầu trống có trống lớn đường kính 1,5m.

Chùa Hạ là nơi giảng đạo và lễ bái. Trong chùa còn có một bức phù điêu bằng gỗ mít mạ vàng diễn tả tích truyện nhân quả báo ứng với 18 tầng địa ngục.

Từ chùa chính, đi qua cây cầu Nhật Tiên là bắt đầu hành trình leo núi. Vượt qua 250 bậc đá, bạn sẽ tới chùa Cao, đây là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Bên cạnh chùa Cao có hang Thánh hóa. Tương truyền, đây là nơi thiền sư hóa thân để đầu thai thành vua Lý Thần Tông.

Nhà tiền tế (còn gọi là chùa Hạ)
Nhà tiền tế (còn gọi là chùa Hạ)
Tượng hộ pháp tại chùa Trung
Tượng hộ pháp tại chùa Trung
Chùa Cao là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên
Chùa Cao là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên

Vòng phía sau chùa Cao theo một con đường đá ngoằn ngoèo là đến hang Cắc Cớ. Nơi đây vẫn nổi tiếng với câu ca dao được lưu truyền trong dân gian xưa:

“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”

Quả thật, có đi vào hang tôi mới thấu hiểu được câu ca dao này. Trước đây và đến tận bây giờ, các cô gái muốn xuống cái hang dốc và tối như mực ấy thường phải nhờ đến sự trợ giúp của các chàng trai. Và đó cũng chính là cơ hội hiếm có để chàng trai thể hiện sự “galăng” của mình.

Đường vào hang Cắc Cớ
Đường vào hang Cắc Cớ
Những nhũ đá có hình thù độc đáo trong hang
Những nhũ đá có hình thù độc đáo trong hang

Không khí linh thiêng, mát lành trong hang dễ làm lòng người dịu lại, chìm đắm trong suy tư. Những giọt nước nhỏ bé rỏ xuống cả ngàn năm đã tạo nên những nhũ đá hình bông sen, quả đào, tượng Phật bà, cối xay bạc, đàn voi rừng hay con đại bàng cắp nàng công chúa trong chuyện Thạch Sanh…

Giữa hang Cắc Cớ là một lỗ thủng giữa núi, có tên là “cổng trời”, hội tụ những chùm tia ánh sáng tạo thành một “thác nắng” tuyệt đẹp. Chính nơi này, năm xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương với con mắt đa tình đã viết nên câu thơ nổi tiếng: 

“Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm hai mảnh hõm hòm hom…”

Ra khỏi hang, men theo con đường núi ngoằn ngoèo sẽ đến đền Thượng, ngôi đền nhỏ thờ thánh Văn Xương, cũng là nơi hội họp của Đông Kinh Nghĩa Thục năm xưa.

Và thú vị hơn khi đứng trên những mỏm đá tai mèo, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh xã Sài Sơn trù phú. Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những vạt cây xanh thẳng lối và những nhà tầng, nhà ngói mới xây...

Non nước chùa Thầy chính là đây, hội tụ cả ngàn năm tinh hoa đất Phật.

Cổng trời trong hang Cắc Cớ
Cổng trời trong hang Cắc Cớ
Đền Thượng, nơi thờ thánh Văn Xương và cũng là nơi hội họp của Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia
Đền Thượng, nơi thờ thánh Văn Xương và cũng là nơi hội họp của Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia
Cây đại già ở đền Thượng
Cây đại già ở đền Thượng
Một góc xã Sài Sơn nhìn từ đỉnh núi
Một góc xã Sài Sơn nhìn từ đỉnh núi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày