Dấu ấn 5 năm của Phật giáo TP.Đà Nẵng

GN - TP.Đà Nẵng được biết đến là trung tâm kinh tế lớn nhất trên dải đất miền Trung; sự hội nhập và phát triển của thành phố trong những năm gần đây càng khẳng định được vị thế của mình trong vai trò cầu nối kinh tế của khu vực. Phật giáo TP.Đà Nẵng đã hòa mình cùng dòng chảy của sự phát triển đó, được thể hiện qua các thành tựu Phật sự, hoạt động lợi đạo ích đời

Phật giáo có mặt tại Đà Nẵng khoảng thế kỷ thứ XVII, từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Kể từ lúc du nhập cho đến ngày nay, Phật giáo Đà Nẵng ngoài việc phát triển các cơ sở tự viện, Tăng Ni và tín đồ Phật tử, còn có những đóng góp thiết thực trong đời sống của người dân ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng như an sinh xã hội.

hinh  (2).JPG
Đại lễ Phật đản PL.2561 - DL.2017 của PG TP.Đà Nẵng
tổ chức tại VP BTS - chùa Pháp Lâm - Ảnh: Nguyên Hà

Dấu ấn thành tựu trong nhiệm kỳ

Chia sẻ với PV.Giác Ngộ, ĐĐ.Thích Thông Đạo, UV HĐTS, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng khẳng định trong nhiệm kỳ qua, dẫu có những mất mát lớn như hai vị giáo phẩm lãnh đạo cao nhất của TP viên tịch, nhưng với tinh thần đoàn kết - hòa hợp, Tăng Ni và Phật tử đã quyết tâm thực hiện tốt các công tác Phật sự đã đề ra từ ban đầu, và cho đến giờ phút này có thể nói đã thành tựu mỹ mãn. “Có được sự thành công đó là nhờ sự đóng góp trí tuệ và công đức của tập thể, đây là điều mà tất cả chúng tôi luôn trân trọng và ghi nhận, cũng như xem là động lực của bước khởi đầu mới cho sự phát triển của Phật giáo tại địa phương ở nhiệm kỳ tiếp theo”, Đại đức cho biết.

Chia sẻ về những thành tựu Phật sự trong nhiệm kỳ IV, ĐĐ.Thích Thông Đạo cho hay, trong bối cảnh thành phố đang tiếp tục xây dựng, phát triển về mọi mặt, trong đó xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng có thể xem là thành tựu nổi bật, rõ nét nhất. Đồng thời, các hoạt động an sinh xã hội như chương trình “5 không 3 có”, “văn hóa, văn minh đô thị”, “thành phố 4 an” đã được phối hợp triển khai đồng bộ, tạo niềm tin tưởng và phấn khởi cho Tăng Ni, Phật tử thành phố tích cực hơn, trong việc thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng, phát triển Giáo hội và xã hội.

Nhìn lại những hoạt động Phật sự của các ban ngành trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo Đà Nẵng, có thể thấy nhiều ban ngành có những hoạt động nổi trội như: Tăng sự, văn hóa và từ thiện xã hội.

Với 731 Tăng Ni và 114 cơ sở tự viện, công tác Tăng sự  luôn được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Với quan niệm con người là nhân tố trọng tâm của phát triển, tập thể Tăng đoàn có vững mạnh thì mọi Phật sự mới hanh thông, trong nhiệm kỳ qua, Ban Trị sự đã triển khai nhiều hoạt động Phật sự của ngành như bổ nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện còn khuyết, khuyến khích Tăng Ni trẻ tham gia công tác Phật sự tại các quận huyện trong nhiệm kỳ mới; đặc biệt là tổ chức thành công Đại giới đàn Phước Trí (2013) với hơn 2.000 giới tử xuất gia và tại gia phát nguyện thọ giới.

Có thể nói, Phật giáo Đà Nẵng là nơi đầu tiên trong các tỉnh thành xây dựng Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đặt tại chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn). Ngoài ra, lễ hội Quán Thế Âm được trang nghiêm tổ chức vào ngày 19-2 hàng năm thu hút hàng ngàn người tham gia, với nhiều hoạt động văn hóa phong phú tạo hiệu ứng mới về việc phát triển tín ngưỡng tâm linh, cũng như góp phần quảng bá du lịch tại địa phương với nghề điêu khắc tượng Phật tại làng đá Non Nước.

Công tác từ thiện xã hội luôn được Ban Trị sự quan tâm và có sự hưởng ứng từ các tầng lớp nhân dân, vì sự thiết thực của các chương trình, do đó đã tạo nên những hiệu ứng tốt trong xã hội. Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm tổ chức khám và chữa bệnh buổi sáng (thứ 2 đến thứ 6 ) trong tuần, ngoài ra còn tổ chức đoàn đến các vùng sâu, vùng xa khám và chữa bệnh cho đồng bào nghèo. Bên cạnh đó, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo thành phố còn có những hoạt động thiện nguyện khác như: xây nhà đại đoàn kết; xây cầu; làm đường; khoan giếng; duy trì phát cháo, cơm tại các bệnh viện; tham gia đóng góp vào quỹ công ích xã hội v.v... với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng trong 5 năm qua.

Về Phật sự ở nhiệm kỳ này, ĐĐ.Thích Thông Đạo còn cho biết thêm, Phật giáo Đà Nẵng đã dần thể hiện vai trò hộ quốc an dân của mình trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, hưởng ứng chủ trương “giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội” theo chủ trương quy hoạch chung của thành phố, Ban Trị sự đã vận động các chùa và các hộ gia đình có đất tài sản gắn liền với đất nằm trong diện giải tỏa đền bù sẵn sàng đồng thuận và tích cực bàn giao mặt bằng để dự án công trình sớm được triển khai. Trong đó có các chùa phải di dời xây mới ở nơi khác như: chùa Bà Đa, Từ Tôn, Thái Bình, Hòa Nhơn, Hồng Ân, Trung Lương, Hòa Xuân và các chùa phải giao đất một phần như Hải Hội, Sơn Trà, Long Hoa, Huệ Quang, An Sơn, v.v... Tất cả đều thể hiện sự đồng thuận cao và nhanh. Đáp lại, chính quyền thành phố và các cơ quan hữu quan cũng đã tạo thuận lợi trong việc nhận đền bù, xây dựng trùng tu để các chùa được sớm đưa vào hoạt động phục vụ sinh hoạt Phật sự.

Về phương hướng cho nhiệm kỳ mới, Đại đức cũng lạc quan nhìn nhận, tiếp nối những thành công trong nhiệm kỳ IV, tân Ban Trị sự và các ban ngành trực thuộc của Phật giáo dưới sự chỉ đạo chung của Thường trực BTS cũng như TƯGH, sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền và nhiệt tình hỗ trợ của đồng bào Phật tử, sẽ có những bước tiến tốt hơn, thành tựu Phật sự ở mức độ cao hơn.

Đánh giá về những đóng góp của Phật giáo thành phố thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP.Đà Nẵng nhìn nhận: “GHPGVN TP.Đà Nẵng nói riêng, Tăng Ni và Phật tử nói chung đã phát huy truyền thống ‘hộ quốc an dân’, đồng hành, gắn bó mật thiết với chính quyền thành phố để xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể nói, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, hay nói cách khác là yếu tố quyết định cho những thành quả phát triển của thành phố trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương”.

Quảng Hậu

Đoàn kết, hòa hợp để chung lo Phật sự

hinh  (1).JPG

HT.Thích Chí Mãn

Đó là mong muốn của HT.Thích Chí Mãn, UV HĐTS, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.ĐàNẵng, Trưởng ban Tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng lần thứ V (nhiệm kỳ 2017-2022).

“Trong nhiệm kỳ IV, nhị vị Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng viên tịch, đã để lại tổn thất to lớn cho Phật giáo thành phố. Thế nhưng, với tinh thần đoàn kết và hòa hợp, chư tôn đức Tăng Ni cùng các đạo tràng Phật tử đã cùng nhau hoàn thành tốt công tác Phật sự từ nghị quyết của chương trình hoạt động nhiệm kỳ IV đã đề ra, thực hiện tốt các thông tư, thông bạch của TƯGH cũng như tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động của các cấp chính quyền, góp phần xây dựng thành phố văn minh và phát triển”, Hòa thượng nhận định.

Về công tác Đại hội nhiệm kỳ V, Hòa thượng cho biết, qua nhiều phiên họp đã đi đến thống nhất địa điểm, thời gian và chương trình của Đại hội. Công tác nhân sự ở nhiệm kỳ này, Ban Trị sự sẽ không có Phó Trưởng ban Thường trực mà sẽ cơ cấu tăng cường hai vị Phó ban Trị sự để cùng chung tay lo công tác Phật sự. Trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, Hòa thượng cũng bày tỏ sự tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, Các thành viên tân Ban Trị sự nhiệm kỳ V sẽ nỗ lực hoàn thành công tác Phật sự mà Đại hội đề ra trong phương hướng hoạt động của mình, cũng như Phật sự khác mà TƯGH giao phó.

Nguyên Hà ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày