Mùa thi, sau mấy tiếng đồng hồ “vắt” hết khả năng để làm bài thi, những sĩ tử bước ra phòng mang nhiều tâm trạng. Có bạn hớn hở, có bạn lặng thinh và có những bạn chảy nước mắt- những giọt nước mắt của sự thất vọng, càng rơi bao nhiêu lại càng thấy buồn bấy nhiêu!
Suốt cả năm trời chong đèn chờ đợi ngày đi thi, cả bản thân, bố mẹ, bạn bè, thầy cô… mong muốn có được kết quả như ý. Thế nhưng tất cả trở thành không, làm bài không như mong muốn, tiếc và thế là khóc!
Đề tuyển sinh Đại học có câu dễ câu khó, câu nào làm được là dễ và câu nào làm không được là khó. Có những câu làm xong rồi mới biết mình bị nhầm. Vì cái nhầm ấy mà nước mắt rơi. Nước mắt rơi trong những nuối tiếc, thất vọng…
Đôi lúc giọt nước mắt ấy sẽ phần nào xua tan, giải tỏa đi những thất vọng. Nhưng cũng có những giọt nước mắt “quá nặng” là họ phải nghĩ điều xằng bậy. Thi thoảng sau mỗi mùa thi lại nghe đâu đó có những “đôi dép nhặt được ở thành cầu”, có những bố mẹ đôn đáo để tìm con và có ai đó phải ngồi bên giường “năn nỉ” để cố cho tí cơm, tí cháo vào lòng con…
Xin được hỏi những đấng sinh thành rằng nếu con của bố mẹ làm bài không được như ý thì bố mẹ nghĩ sao? Bố mẹ chỉ một câu đơn giản rằng “không được thì thôi, sang năm thi tiếp” hay là chì chiết, đay nghiến con mình? Chúng ta đôi khi thương con, mong đợi ở con nhiều điều và vì cái tôi cá nhân, vì danh dự gia đình (những thứ do mình tự đặt ra và gắn trách nhiệm cho con cái) rồi mình quên lắng nghe con.
Chúng ta không hiểu được việc thi không tốt, không đỗ đạt thì thí sinh - con của mình khổ hơn ai hết. Đã khổ vì không đậu còn cộng dồn với sự thiếu cảm thông, nâng đỡ tinh thần của gia đình, người thân… thì người trẻ tuổi (khoảng 18-20 tuổi) làm sao tránh khỏi cạn nghĩ?
Song, suy cho cùng thì có đáng để cho ta bỏ đi tất cả chỉ vì một mùa thi không như ý muốn? Dẫu biết rằng bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu tâm sức, bao sự quan tâm và kỳ vọng đặt ở bản thân các bạn đã đặt vào một “ván bài” cam go, mỗi năm chỉ có một lần thử sức nhưng cuộc sống có nhiều hướng rẽ cơ mà. Hiếm gì người đã chọn cách đi đường vòng và thành công, và đại học đâu phải là con đường duy nhất.
Lại quán niệm, có nhất thiết là phải lên đến đỉnh núi mới thấy được mây bay? Có nhất thiết phải ra tận ngoài biển khơi xa mới biết vị mặn của biển? Đường đời muôn vạn nẻo và chúng ta chắc chắn sẽ phải bước đi để tìm ngả rẽ cho mình. Những giọt nước mắt chảy thì cứ để nó chảy nhưng xin đừng để nó cuốn bạn vào trong những suy nghĩ tiêu cực, bi lụy để làm khổ gia đình và chính bản thân của bạn…