(Tiếp theo & hết)
>> Dấu mưa soi (1), >> Dấu mưa soi (2)
GN - Ba năm qua tôi đi nhiều nơi, những nơi đến rồi đi dù thương giận, cấu tạo thành khoảng đời mà mắt thấy, tai nghe, tay sờ. Chẳng lẽ ngần ấy những thứ hổ lốn trên đời đem ôm hết vô lòng, nhiều lúc tôi vất vả ngồi lọc lại những hồi âm. Người lớn còn như vậy, trong khi bé Hậu là tờ giấy trắng mới biết bắt đầu viết.
Chị Thanh là chiếc bóng nhỏ nhoi lăn trên đường nói với tôi: “Chẳng lẽ tôi bỏ ông Thanh mà đi”. Căn bịnh sợ trời sập của anh ngày càng phát triển. Anh em trong cơ quan phàn nàn: “Ông Thanh ưa tránh việc trả tiền lắm nên đừng rủ ông ấy đi chơi nữa! Sách của ổng mua toàn là tiền ống dầy mỏng của người ta”.
Anh Thanh kỳ quặc đến nỗi lúc trước anh mặc tươm tất, nay đem bộ vó luộm thuộm đến sở. Trong một phiên họp anh khắc nghiệt phê bình: “Những người ăn mặc hơi bảnh một chút là xa hoa không có đạo đức trong lúc xã hội gặp nhiều khó khăn”. Mấy năm anh ky cóp được một số tiền, anh đem giấu biệt. Tiền đó là tiền phòng xa, giống như tiền tử không được mua sắm. Nhưng rồi nhìn bộ mặt nhăn nhó của anh, tôi đâm ra tội nghiệp một kẻ xem đồng tiền quá nặng.
Minh họa: Nhuận Thường
Bé Hậu vô lớp đánh mất cây viết, anh phạt thằng bé đứng khoanh tay úp mặt vô tường, cúp tiền ăn sáng. Hậu lỡ đánh mất viết lần thứ hai vì sợ anh Thanh nên day qua ăn cắp của bạn.
Theo dõi thằng Hậu đến đây tôi có thể kết lại những chi tiết để thấy rõ nét sự hình thành tâm tính đứa bé. Lúc một tuổi Hậu biết gạt phắt cái hôn của các cô. Mới ba bốn tuổi đã âm thầm ít nói, ưa thơ thẩn chơi một mình. Anh Thanh cho là nó ngoan mà không biết đó là lúc nó thu nhận. Nhưng thu thì phát. Hậu học xong lớp một bắt đầu tỏ ra tinh khôn khác thường.
Anh Thanh sợ chị nên không cất tiền trong tủ mà đem giấu giữa đống đồ cũ trên gác xép. Lứa tuổi của Hậu thì chỗ nào trong nhà mà không biết. Hậu tò mò với chỗ để tiền, cứ một ngàn đồng nó rút ra mười đồng. Anh Thanh phát giác ra rồi vò đầu không tin vào trí nhớ của mình nữa. Tình cờ thằng nhỏ mò lên. Suốt ngày hôm đó anh em trong cư xá túa ra kiếm thằng Hậu tiếp hai vợ chồng anh Thanh. Nét mặt của người cha, người mẹ mất con dễ làm cho người ta thông cảm dù hàng ngày có ghét anh Thanh đến cách mấy. Khuya hôm đó hai người nằm im không nói năng tuy cơn bão lớn đã xảy ra giữa hai người. Anh Thanh nằm im khổ sở chịu đựng sự ghẻ lạnh của vợ. Lúc đó Hậu đi đâu không biết, chắc chẳng ai cho ăn nên đói bụng mò về.
Từ đó trong cư xá bắt đầu xuất hiện những vụ mất cắp, giày dép không dám để hở ra ngoài, bé Hậu bước tới nhà lập tức chủ nhà sai con mình nhìn theo. Nhà bếp cô Hằng có một lỗ hổng được cô che lại bằng thùng gỗ đựng than, Hậu xô thùng gỗ mò vô ăn vụng suốt một tháng. Cũng như cái kiểu ăn cắp tiền của anh Thanh, thằng bé tinh khôn, cái gì đáng ăn lập tức nó làm nồi niêu lật ngang giống như mèo chó làm đổ. Một hôm cô Hằng đâm ra nghi ngờ mèo làm sao ăn được đường đựng trong hộp guy-gô đậy kín nắp. Kể từ lúc cô Hằng cùng người bạn trai đi Đà Lạt chơi, năm sáu năm qua cuộc tình duyên kéo dài chưa dứt khoát. Anh con trai vẫn tiếp tục tới lui và cô vẫn tiếp tục chìu. Một hôm cô Hằng quyết định cho xong vấn đề nên cô sửa soạn một bữa ăn. Nấu nướng xong, cô Hằng ra nhà trước dọn dẹp, ngồi chờ. Người con trai đến, cô Hằng hớn hở giở lồng bàn lên đã thấy đứa nào ăn vội vã để lại vết nham nhở.
Ai? Đứa nào phá cô? Tình cờ thằng Hậu đi ngang qua, cô níu áo lại khám. Cô thấy không cần mắng vốn anh chị Thanh mà lôi nó đến thẳng nhà cô giáo. Phi Phi nghe tiếng động ồn ào giọng cô Hằng bài hãi, rủ đám đông bu lại, cô bước tới hiểu mọi chuyện mà chị Thanh lại vắng nhà.
- Thôi, buông nó ra đi Hằng, chút nữa chị Thanh về mét.
- Không được, xã hội mới không dung túng trẻ con như thế này.
- Thôi đi Hằng, chuyện không đáng mang tới trường học làm lùm xùm tội nghiệp thằng nhỏ.
Tôi cám ơn Phi Phi. Không ngờ hôm nay cô ăn nói rất đúng đắn. Chuyện của thằng Hậu phải cần giải quyết từng phần, ở trường nó đã mang tiếng ăn cắp, nay đem tới nữa, hai cái nhập làm một, rồi cô giáo lỡ tay ghi vào hồ sơ: “Có bệnh ăn cắp”, tiếng xấu cho đứa bé suốt đời.
Tôi dừng lại một chút về Phi Phi. Từ ngày con búp bê bị bé Hậu phá hư, Phi Phi dường như bớt đi vẻ lơ lơ lửng lửng. Hơn nữa cũng phận đàn bà, Phi Phi rất thương hoàn cảnh chị Thanh. Hai người thường tâm sự và người mẹ thì ưa nói về con, do đó thỉnh thoảng Phi Phi kêu Hậu vô nhà rửa tay chân, cho ăn. Lúc nhỏ tôi được một bà cô mua cho hộp đồ chơi. Hơn ba chục năm qua hình ảnh những con vụ quay bằng thép, những miếng gỗ nhỏ để xây nhà, hộp đồ chơi sống mãi bên cạnh người cô.
Một điều rất lạ là bé Hậu không bao giờ phá phách nhà tôi với Phi Phi.
Trong khi cô Phi Phi lửng lơ con cá vàng, cô Hằng, cô Ái rộng bung quan hệ, anh Thanh thu rút lại, ba kiểu sống cùng vươn tới ba mục đích khác nhau, anh Thanh dần dần đi tới ăn cắp mà vẫn coi thường.
Đêm đêm anh lấy cây móc dài, ra sau lưng cây dái ngựa để câu điện đường vô nhà nấu tấm heo, xách nước trong hồ công cộng qua bồn mình. Chị Thanh phản đối: “Anh làm bị bắt gặp thì còn gì thể thống”. Thanh lì lợm đáng ghét: “Thời buổi khó khăn ai bắt gặp cũng thông cảm với mình”.
Nhưng có lẽ chị Thanh nói mười tiếng anh cũng nghe được một tiếng… Nên chuyện xách nước anh chuyển qua cho Hậu. Tám giờ tối tôi đi chơi về, trong cư xá giờ này đã vắng vẻ, nhà ai nấy ở, tôi tình cờ bắt gặp bé Hậu quần áo ướt mèm. Gặp tôi, mặt nó lấm lét, dáo dác y nét mặt của đứa gian.
Ngày tháng, những chiếc lá cổ thụ to xòe vẫn tiếp tục theo gió rớt la đà xuống ngói, xuống hành lang cư xá. Một chiều mưa lớn, gió quần quật hàng cây đùa những chiếc lá vàng rụng hết, sau cơn mưa vòm lá mơn mởn xanh. Bầu trời trong khe, thở tới đâu mát tới đó. Mưa từ hồi chiều mà đến tối giọt nước còn đọng trước mái hiên rơi lách tách. Ánh điện sáng, xuyên qua giọt nước long lanh. Mẹ con chị Hà kéo nhau ra ngồi trước hành lang, tôi cũng nghe thoải mái nên lấy sách ra đọc. Bỗng…
“Rầm!”. Bầu trời như sập. Dây điện cao thế đứt phụp xẹt một đường lửa ngoằn ngoèo rớt xuống trước mặt mẹ con chị Hà, chút xíu nữa là trúng. Chị Hà lấy thân mình đè hai đứa con nằm bẹp xuống đất giống như gà mái xòe cánh che chở đàn con trước diều hâu. Dãy cư xá tối đen quờ quạng. Tôi như có linh tính, kêu trời lên một tiếng. Mọi người trong cư xá ùa ra. Bé Hậu bắt chước anh Thanh lấy cây móc vào đường cao thế. Và thằng bé có số may mắn ba lần đụng thứ dữ mà không chết. Một lần bị sốt xuất huyết, một lần té gãy xương đòn, và lần này bị điện giật quăng ra cả chục thước tây vẫn không chết. Chắc là thằng bé phải mang tật suốt đời. Đám đông xúm nhau đứng trước cửa nhà anh Thanh bàn tán, kẻ nói vầy, người nói khác, trong khi chị Thanh tóc tai rũ rượi hết còn biết trời biết đất.
Tôi thờ thẫn về phòng. Giọt nước mưa vẫn còn lách tách trước hiên.
Bỗng nhiên tôi nghĩ đến vai trò của những giọt nước mưa trong cái tai họa lớn vừa ập xuống đời thằng Hậu. Nếu sợi dây điện và cái móc của thằng Hậu đều khô thì tai họa đã không xảy ra. Xưa nay lúc suy nghĩ về mưa, tôi ít khi nghĩ đến cái hại của nó, mặc dù tôi biết rằng mưa đêm có thể làm cho lúa những vùng trũng bị tiêm, làm cho bông lúa ngậm đòng đòng hứng sương bị háp, mưa rào trong lúc nắng làm cho những trái dưa hấu bị ghẻ lở. Thường thì tôi chỉ nghĩ đến chuyện mưa làm mềm đất cho nấm mọc, mưa rước con cá mắc cạn giữa đồng không trở về sông… Nhưng bây giờ thì cái tai họa của thằng Hậu đang chiếm lĩnh tâm trạng tôi. Tôi nhớ lại trước đây, có lần tôi đã suy nghĩ thoáng qua rằng sự ân hận của những người lớn chăm sóc nâng niu thằng Hậu lúc nó còn mũm mĩm dễ thương là để thỏa mãn niềm khao khát được nựng nịu, vuốt ve, mơn trớn của chính bản thân những người lớn đó chứ không phải vì biết thằng nhỏ có cái nhu cầu được yêu thương mà yêu thương nó. Hồi đó, tôi đã gạt bỏ điều suy nghĩ ấy vì cứ suy nghĩ theo chuyện đó, tôi sẽ đi đến phủ định một tình cảm đẹp gọi là “tình người”. Nhưng bây giờ điều suy nghĩ ấy lại lởn vởn trong đầu tôi. Tôi nhớ câu nói cô Phi Phi: “Thương là thương lúc nó còn nhỏ kia, bây giờ nó phá lắm, ai chịu cho nổi”. Rõ ràng vì mọi người hết thương thằng Hậu lúc nó bị sốt xuất huyết, nên anh Thanh mới bắt đầu hoài nghi tình tương thân tương trợ của tập thể đi đến mang chứng bịnh “sợ trời sập” không ai cứu, lo ki cỏm dành dụm đề phòng hoạn nạn cho đến nỗi sanh tật ăn cắp và dạy thằng con ăn cắp, rồi bây giờ đây hành động ăn cắp điện làm cho thằng nhỏ xém chết. Tôi sẽ tạo dịp để luận bàn với anh chị em trong cư xá về vấn đề này.
Ý chí khôi phục tình tương thân tương trợ trong cư xá làm cho lòng tôi có vơi đi chút đỉnh buồn phiền và tôi tiếp tục nghe mưa rơi lách tách. Giọt nước được gọi là mưa khi rơi xuống đất, tạo ra một vết xói mòn nho nhỏ trước khi biến thành hơi bay bổng trên trời, tụ lại thành mây. So với cái kiếp quá ư ngắn ngủi của giọt mưa, kiếp người ít phù du hơn. Tôi sẽ có thời giờ và tạo được dịp luận bàn với anh chị em trong cư xá về tình người. Trong cuộc sống nhốn nháo đầy biến động này, việc làm của tôi có thể vô hiệu quả, thậm chí bị cười cợt là lố bịch, là trò hề. Nhưng tôi vẫn thấy nó có ý nghĩa so với cái vô nghĩa của dấu vết xói mòn mà giọt mưa để lại trên mặt đất.