Đây là một việc làm đầy ý nghĩa với sự hỗ trợ của một số chùa, các tổ chức và các bạn sinh viên, đoàn sinh Gia đình Phật tử bằng việc đưa đón và bố trí nơi ăn, nghỉ cho thí sinh trong giai đoạn cao điểm của 2 đợt thi đại học.
Tiếp sức mùa thi là một chương trình tốt,
mong ước nó sẽ được nhân rộng trong xã hội. - Ảnh: Bảo Toàn
Tiếp nối những thành công và hiệu quả xã hội của lần đầu tổ chức, từ tháng 4-2010, Báo Giác Ngộ quyết định triển khai và nhân rộng chương trình này tại 3 địa phương: TP.HCM, Cần Thơ, Đà Lạt (năm 2009 chỉ diễn ra tại 2 khu vực TP.HCM và Cần Thơ).
Tại TP.HCM, đa phần các thí sinh đăng ký để nhận được sự hỗ trợ sẽ đến tại các bến xe và bến tàu như: Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Ga Sài Gòn, v.v… Chính vì lẽ đó, vào ngày 31-5, TT.Thích Thiện Bảo, Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, Trưởng ban Tổ chức chương trình đã gởi công văn đến các bến xe, bến tàu trên xin hỗ trợ để được bố trí lực lượng tình nguyện viên của chương trình từ ngày 30-6 đến 10-7, thuận lợi đón tiếp thí sinh và có chuyên chở miễn phí về các chùa. Trong công văn xin hỗ trợ của Ban Tổ chức có đoạn "Ban Biên tập Báo Giác Ngộ kính báo và kính đề nghị quý Ban quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho lực lượng tình nguyện viên của chương trình được triển khai công tác đón tiếp thí sinh từ các tỉnh về tại bến xe". Công việc này đã được sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý trên nên việc đón tiếp thí sinh thực hiện khá suôn sẻ vào năm 2009.
Tuy nhiên, năm nay, lúc tiến hành triển khai các điểm đón tiếp thí sinh thì không như năm trước, một số nơi đồng ý, nhưng một số nơi lại từ chối, ví dụ như tại Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân, TP.HCM). Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết nguyên nhân từ Công văn số 45/HTSV đề ngày 15-6-2010, do ông Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM (trực thuộc Hội Sinh viên TP.HCM) ký, gởi lãnh đạo các bến xe và bến tàu nêu trên với cùng một nội dung: "… chương trình Tiếp sức mùa thi là một trong 5 hoạt động tình nguyện của sinh viên thành phố do Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố tổ chức (Tiếp sức mùa thi, Hoa phượng đỏ, Hành quân xanh, Kỳ nghỉ hồng, Mùa hè xanh). Và chương trình "Tiếp sức mùa thi" là chương trình do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên thành phố trực tiếp tổ chức".
Từ khẳng định trên, ông Đạt cho biết: "Trong chương trình, có rất nhiều đơn vị khác muốn tham gia. Tuy nhiên để đảm bảo tính tình nguyện và tránh phân biệt đối xử với các thí sinh; đảm bảo tất cả các thí sinh đều được hỗ trợ như nhau và được hỗ trợ tốt nhất, các đơn vị có nhu cầu tham gia chung chương trình thì sẽ phải liên hệ và theo sự chỉ đạo thống nhất của Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố" và đề nghị lãnh đạo các bến xe, bến tàu: "Nếu có tiếp nhận thông tin từ các đơn vị khác có nhu cầu tham gia chương trình, vui lòng hướng dẫn đơn vị đó liên hệ trực tiếp với Trung tâm Hỗ trợ sinh viên để thống nhất tổ chức".
Chính nội dung công văn này, mà vào những ngày gần cuối tháng 6-2010, đại diện Ban Tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi 2010 của Báo Giác Ngộ liên lạc lãnh đạo các bến xe, bến tàu để bố trí lực lượng đều được đáp lại bằng thái độ e ngại và hướng dẫn về làm việc với Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP. Nhưng sau đó, lãnh đạo Bến xe Miền Đông đã linh động chấp thuận cho Báo Giác Ngộ được bố trí lực lượng tình nguyện viên để đón tiếp thí sinh từ nơi xa về TP dự thi. Riêng Ga Sài Gòn và đặc biệt lãnh đạo Bến xe Miền Tây, dù Ban Tổ chức chương trình cố gắng thuyết phục nhưng đã không được sự đồng thuận. Sáng 30-6, sau lễ xuất phát chương trình tại tòa soạn với sự chứng minh của HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, các tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi phụ trách tại Bến xe Miền Tây đã đến địa điểm trên nhưng bị các bảo vệ của bến xe không cho vào khu vực đón thí sinh. Hay tin này, ĐĐ.Thích An Đạt, Thư ký của Ban Tổ chức đã trực tiếp trao đổi với vị Phó Giám đốc của bến xe nhưng vẫn không kết quả và bảo vệ của bến xe trong cùng ngày đã nhiều lần đuổi tình nguyện viên ra khỏi bến. Tuy nhiên, vì sự giúp sức cho các thí sinh đã đăng ký với chương trình, Ban Tổ chức buộc lòng phải thuê một quán nước giải khát trong bến xe để lực lượng tình nguyện viên tá túc tạm thời đón thí sinh chờ sự đồng thuận của lãnh đạo bến xe.
Thiết nghĩ đây là một chương trình có ý nghĩa xã hội và rất cần được xã hội hóa, làm thế nào để huy động sự tham gia của cộng đồng, làm sao tất cả vì lợi ích của thí sinh, đặc biệt để giới trẻ là các tình nguyện viên có cơ hội được thực hiện điều tốt đẹp, để chính họ có sự chia sẻ, chăm sóc cho nhau trong điều kiện có thể.
Tiếp sức mùa thi do Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi xướng là một chương trình tốt đẹp và thiết thực. Do đó, những ai quan tâm đều mong muốn chương trình này được nhân rộng, để "Tiếp sức mùa thi" không chỉ của Thành đoàn mà thực sự là công việc của toàn xã hội.
Được biết cùng thời điểm này, chương trình Tiếp sức mùa thi 2010 do Báo Giác Ngộ tổ chức tại TP.Cần Thơ và TP.Đà Lạt cũng đã được triển khai.
Sơn Thoại
TT. Thích Thiện Bảo, Trưởng ban Tổ chức Chương trình Tiếp sức mùa thi của Báo Giác Ngộ: "Phật giáo góp sức chăm lo mong giảm áp lực cho cho thí sinh và gia đình" Chương trình "Tiếp sức mùa thi" của Báo Giác Ngộ giúp đỡ các thí sinh tham dự đợt tuyển sinh đại học - cao đẳng 2010 đã bắt đầu khởi động. Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với TT.Thích Thiện Bảo, Phó Tổng Biên tập, Trưởng ban Tổ chức quanh chương trình này. PV: Thưa Thượng tọa, năm nay là năm thứ hai Báo Giác Ngộ tham gia chương trình "Tiếp sức mùa thi". Nhân duyên nào có công tác này? - TT.Thích Thiện Bảo: Từ mùa thi năm 2009, chúng tôi nhận thấy lượng thí sinh các tỉnh, thành đổ về thành phố rất đông, trong đó một số em con nhà nghèo phải chịu cảnh bơ vơ, không nơi trú ngụ trong mấy ngày thi. Trước tình cảnh đó, nhiều ngôi chùa ở TP.HCM đã mở lòng thương đón tiếp các em, giúp cho các em nơi ăn chốn ở để các em yên tâm trong những ngày thi cử. Nhưng đây chỉ là việc làm tự phát. Trên một bình diện khác, chúng tôi nghĩ rằng, các chùa cần liên kết lại với nhau để hoạt động này được mở rộng, qua đó làm sáng tỏ tôn chỉ từ bi của nhà Phật. Trên tinh thần đó, chúng tôi lên kế hoạch và được Ban Biên tập nhất trí phân công giao phó việc thực hiện chương trình "Tiếp sức mùa thi" với mong muốn tạo ra những giúp đỡ thiết thực nhất, góp phần giảm bớt áp lực, khó khăn về kinh tế, đặc biệt về nơi ăn chốn ở của hàng trăm ngàn thí sinh trong mùa thi đại học, cao đẳng... PV: Được biết, Chương trình "Tiếp sức mùa thi"của Báo Giác Ngộ đã nhận được sự đồng thuận từ các BTS PG tỉnh, thành, xin Thượng tọa cho biết hiệu quả từ công tác này? - Sau khi có văn bản gởi đến BTS các tỉnh, thành trong cả nước, Chương trình "Tiếp sức mùa thi" đã nhận sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực từ các BTS PG tỉnh, thành, các tự viện, đông đảo Tăng Ni, Phật tử khắp nơi. Theo chúng tôi, đây là chương trình mang tính xã hội hóa có hiệu quả thiết thực và sức lan tỏa sâu rộng trong giới Phật giáo. Đối tượng của chương trình là những thí sinh đã đăng ký thông qua các BTS tỉnh, thành tại Báo Giác Ngộ. Hiện nay các BTS THPG Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cũng đã khởi động cho chương trình này tại địa phương. Năm nay là năm thứ hai chúng tôi tổ chức tham gia "tiếp sức mùa thi", với sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều ngôi chùa và tư gia Phật tử ở TP.HCM, Cần Thơ, Đà Lạt… hỗ trợ chỗ ở và điều kiện ăn uống ổn định cho thí sinh trong suốt thời gian tham gia tuyển sinh. Ngoài ra, lễ cầu nguyện trước ngày thi cũng là một yếu tố tâm linh cần thiết cho các sĩ tử, làm chỗ dựa tinh thần an ổn trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Việc làm này đã được gia đình các thí sinh tin tưởng và an tâm gởi gắm con em. Chúng tôi nghĩ đây là công việc đặc thù của Phật giáo nhằm để chia sẻ trách nhiệm với xã hội. PV: Vừa qua trong thời điểm triển khai công việc, chương trình "Tiếp sức mùa thi" của Báo Giác Ngộ đã gặp phải một số trở ngại khách quan về địa điểm tiếp đón thí sinh ở một số bến xe, bến tàu tại TP.HCM. Xin Thượng tọa cho biết quan điểm của mình? - Trong quá trình tham gia "Tiếp sức mùa thi", chúng tôi đã thiết lập nhiều mối quan hệ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh. Chúng tôi cho rằng hoạt động này đã bắt đầu lan rộng và đạt hiệu quả tốt, thể hiện sự chia sẻ, bao dung của những người tham gia chương trình, đặc biệt những người tình nguyện giúp chỗ ăn ở và các tình nguyện viên thực sự nhiệt tình và trong sáng. Họ đến với chương trình bằng tấm lòng, sự nhiệt tâm và tất cả vì lợi ích cho thí sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở các tỉnh xa về. Chúng tôi nghĩ rằng chương trình "Tiếp sức mùa thi" không nên chỉ bó hẹp trong một tổ chức nào mà cần phải mở rộng cửa cho các thành phần trong xã hội cùng tham gia, nhất là đối với Báo Giác Ngộ - một tờ báo của PGVN. Hoạt động mang lợi ích thiết thực và thấm đẫm tình người này càng được nhân rộng thì diện mạo xã hội cũng theo đó trở nên tươi tắn, trong lành hơn. Điều này, theo tôi là phù hợp với các giá trị nhân bản của Phật giáo và đáp ứng mong mỏi của nhiều người. H.Diệu thực hiện |