GN - Thấm thoắt Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tròn 33 năm tuổi. GHPGVN là một tổ chức thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp.
GHPGVN tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012 - 2017)
Nhớ về giai đoạn vận động, và đặc biệt là sự kiện lịch sử Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) đầu tháng 11 năm 1981, chúng ta không thể quên không khí thiêng liêng, đạo tình sâu lắng và đức khiêm cung khởi nguồn từ đời sống tâm linh vững chãi của chư tôn đức giáo phẩm trưởng lão, mà nổi bật hơn cả là nhị vị Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận, HT.Thích Trí Thủ.
Chính sự vững chãi về đời sống tâm linh, đạo lực sâu dày ấy đã lưu xuất trí tuệ, theo đó, các ngài đã tạo lập chỗ đứng của GHPGVN, vạch ra đường hướng cho Giáo hội đáp ứng nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử cả nước, đồng thời tạo sự đồng thuận, đồng lòng tuyệt đối với các đại biểu của 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo tham gia sáng lập GHPGVN, cùng chung niềm hoan hỷ gánh vác Phật sự, nhờ đó đã vượt qua nhiều khó khăn của giai đoạn xây dựng sau khi đất nước hòa bình, thống nhất.
Từ tổ chức Giáo hội với 50 thành viên Hội đồng Chứng minh, 50 thành viên Hội đồng Trị sự, 29 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh/thành phố, 6 ban ngành Trung ương hoạt động ở nhiệm kỳ I, đến nay, GHPGVN đã có hệ thống hành chánh với số lượng nhân sự dồi dào tăng gần 5 lần, với 13 ban/ viện Trung ương và 63 Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4 Học viện Phật giáo đào tạo cử nhân và cao học Phật học tại Hà Nội, Huế, TP.HCM và Cần Thơ, cùng hệ thống hơn 30 trường Trung cấp Phật học ở các tỉnh thành.
Một cách khách quan, 33 năm qua với hơn 6 nhiệm kỳ, qua 7 lần đại hội, Giáo hội chúng ta đã có những thành tựu Phật sự quan trọng, nhưng cũng đang gặp nhiều thử thách phát sinh theo dòng thời gian.
Nhìn lại lịch sử xa hơn của Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo ở các quốc độ khác trên thế giới, Phật giáo có lúc thăng lúc trầm theo quy luật vô thường của vạn vật. Lúc nào có số đông người đệ tử Phật, cả xuất gia và tại gia khéo tu tập, thực hành Phật pháp một cách nghiêm mật, thì chắc chắn Phật giáo sẽ được hưng thịnh. Chính nội dung tu tập của nhiều cá nhân như vậy sẽ góp phần tạo nên sức mạnh thực sự, tạo nên tinh thần Bi, Trí, Dũng mà Đức Phật đã từng dạy rất nhiều, bàng bạc trong các kinh điển Nguyên thủy cũng như Phát triển, được chư vị Tổ sư giữ gìn và phát huy trong đời sống thực tiễn.
Kỷ niệm 33 năm ngày thành lập GHPGVN, chúng ta kính nhớ về gương phụng sự rất trong sáng và dũng mãnh, giàu lòng từ bi và đầy trí tuệ của chư tôn đức giáo phẩm trưởng lão sáng lập, chư vị được suy cử vào các trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội. Với đức khiêm cung, đạo lực do sự khéo tu tập, về sự dấn thân tích cực, lấy tâm nguyện của toàn thể Tăng Ni, Phật tử làm tâm nguyện của mình, các ngài đã nhiếp phục tất cả, tạo sự đồng thuận, được sự tôn kính, liên kết đức Bi, Trí, Dũng đưa con thuyền Giáo hội vượt qua những sóng gió giữa cuộc đời này, để Giáo hội ổn định và phát triển.
Mong rằng, chư tôn đức giáo phẩm hiện đang có trách nhiệm với Giáo hội hãy nương theo và noi gương chư Trưởng lão Hòa thượng tiền bối để có những thăng tiến trong đời sống tâm linh của mình. Khi đời sống tâm linh được vững chãi thì chắc chắn hành động sẽ không bị lệch lạc, việc Phật sự sẽ được tiến triển, không có khó khăn nào không thể vượt qua. Đó là bài học không bao giờ cũ và lỗi thời đối với một tổ chức tôn giáo có lịch sử gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc như Phật giáo Việt Nam mà GHPGVN chúng ta ngày nay có trách nhiệm thừa kế.