Đem pháp Phật tô sắc cho đời

GN - Với mong muốn cống hiến cho Phật pháp và cuộc đời, hai Sư cô Thích nữ Huyền Linh, Thích nữ Tịnh Chúc đã bỏ công cần mẫn biên soạn và cho ra đời quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu, song ngữ Anh-Việt.

trangtre.1052.2b.jpg

Một trang trong quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu

Vẽ những trang kinh

Kinh Vu lan là bản kinh dạy con người về ân nghĩa song thân, phương pháp báo hiếu và nhân quả tất yếu bằng những câu chuyện như Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ. Bắt nguồn từ câu chuyện đó, thông qua các bức tranh minh họa trong quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu, hai tác giả là Sư cô Huyền Linh và Tịnh Chúc đã giúp người xem dễ hình dung về lời Phật dạy về việc đền đáp công cha nghĩa mẹ, hiểu luật nhân quả hiện hữu trong cuộc đời, khuyên răn con cái hiếu thảo với cha mẹ, giữ trọn đạo làm con.

Tấm lòng đáng quý của hai Sư cô thể hiện ở mong muốn đem tất cả kiến thức, sự hiểu biết của bản thân để làm gì đó có ích cho Phật pháp, cho đời. Đi cùng với phương tiện hoằng pháp là mong muốn thành quả mình tạo ra có thể góp phần đem lại lợi ích cho nhân sinh, giáo dục thế hệ trẻ hiểu được “chữ hiếu” trong cuộc đời để hình thành một nhân cách cao đẹp.

Tranh ở đây không đơn giản là hình ảnh minh họa, mà thông qua tranh chúng ta có thể thấy được những câu chuyện, những bài học về đạo hiếu làm con. Hiểu được công ơn lớn lao tựa trời biển của đấng sinh thành, người làm con phải có bổn phận làm tròn chữ hiếu, báo đáp công ơn cha mẹ dưỡng dục.

Mỗi bức tranh minh họa do hai Sư cô thực hiện đều thể hiện được ý nghĩa lớn lao như hình ảnh người mẹ mang thai con chín tháng mười ngày đầy vất vả, gian lao; hình ảnh người cha nhọc nhằn lao động để nuôi con khôn lớn. Những thông điệp về giáo dục, gieo hạt giống thiện lành cho các em nhỏ, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, hướng các em đến chân-thiện-mỹ được tác giả chuyển tải nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng.

Sư cô Huyền Linh cho biết: “Quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu ra đời với mong muốn được phổ biến rộng rãi đến mọi người, đặc biệt giúp người trẻ hiểu sâu sắc hơn về tinh thần hiếu đạo trong nhà Phật, đồng thời trải nghiệm giáo pháp và thực hành lời dạy của Đức Phật để có được pháp lạc ngay trong đời sống hiện tại. Thế hệ trẻ ngày nay thường chạy theo những cuộc vui mà bỏ quên gia đình, bỏ quên bổn phận, trách nhiệm của người làm con đối với cha mẹ. Lời Phật dạy trong quyển kinh sẽ giúp mọi người hiểu được sự hy sinh to lớn của cha mẹ dành cho con cái, hiểu được thế nào là chữ hiếu”.

Chính vì ý niệm đó, mà khi thực hiện quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu này, Sư cô Huyền Linh và Sư cô Tịnh Chúc chỉ có một ước mơ: “Mơ một ngày nào đó quyển sách này sẽ được đến tay tất cả các trẻ em, các trường học ở trong nước và ngoài nước để các em thực hiện sự hiếu đạo với cha mẹ và người thân của mình, thực hiện lời dạy của Đức Phật, cố gắng học thật giỏi để sau này báo đáp công ơn của đấng sinh thành”.

trangtre.1052.1.jpg

SC.TN Tịnh Chúc và SC.TN Huyền Linh (bên trái) với Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu

Với suy nghĩ rằng việc in quyển kinh này sẽ đem theo lời Phật dạy tới với mọi người ở khắp mọi nơi, hai Sư cô đã cố gắng rất nhiều. Bao nhiêu tịnh tài Phật tử cúng dường, hai Sư cô đều ưu tiên dùng cho việc in ấn. Sư cô Huyền Linh chia sẻ: “Bản thân mình và Sư cô Tịnh Chúc đã phải cố gắng tiết kiệm để có một phần kinh phí để in ấn quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu này. Đôi lúc khó khăn, hai chị em phải uống bột sắn dây trong hai tuần và áp dụng phương pháp ‘gạo lứt muối mè’ để một phần thanh lọc cơ thể, phần khác trang trải chi phí”. Vì mong muốn quyển kinh có thể ra đời sớm và đến tay các Phật tử nên dù kinh phí có eo hẹp, hai Sư cô vẫn cho in trước 10.000 bản, đồng thời cố gắng kêu gọi lòng phát tâm của quý vị Phật tử để hoàn trả số tiền nợ 100 triệu còn lại cho nhà in.

Số quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu nào vừa được “ra lò”, hai sư cô liền gửi đến cúng dường các đạo tràng có tổ chức khóa tu cho thiếu nhi ở trong, ngoài nước và trao tặng cho các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, các em thiếu nhi ở các vùng nông thôn. Quyển kinh trao đi, gói trọn trong đó là tấm lòng, là tình thương của người đệ tử Đức Phật, muốn lan tỏa cái đẹp đến mọi ngóc ngách của cuộc đời. 

Hướng đến điều thiện lành

Với mong muốn cống hiến đời mình cho Phật pháp, hai vị Sư cô luôn cố gắng từng ngày để đem lời Phật dạy truyền tải đến cho quần chúng một cách dễ hiểu và gần gũi hơn. Và chính sự hoan hỷ của quý Phật tử khi đón nhận quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu, là động lực lớn nhất để hai Sư cô tiếp tục với công việc đầy ý nghĩa của mình.

Sư cô Tịnh Chúc bộc bạch: “Ban đầu khi thực hiện biên soạn và vẽ tranh minh họa cho kinh Phật, có nhiều người tán thán nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối. Nhưng giờ đây, sau khi ra đời, quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu, với nhiều ưu điểm lẫn khuyết điểm, đã nhận được sự ủng hộ và niềm hoan hỷ của không ít Phật tử trong nước và cả ngoài nước. Chia sẻ với chúng tôi, một nhóm đồng bào Phật giáo ở Mỹ đã ngỏ ý muốn xin ấn tống quyển tranh này. Đây là niềm hoan hỷ vô lượng đối với hai chị em khi đứa con tinh thần của mình nhận được sự ủng hộ của mọi người”.

trangtre.1052.2.jpg
"Và đối với người con Phật, có lẽ không gì quý giá bằng sẻ chia Chánh pháp, làm lan tỏa lời hay, ý đẹp..."


Từ những hoa trái thơm thảo thu được với việc thực hiện quyển Tranh minh họa kinh Vu lan & Báo hiếu, quý Sư cô lại có thêm động lực và bắt tay vào tiếp tục biên soạn và vẽ ảnh minh họa cho phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa. “Tác phẩm này đang trong giai đoạn hoàn tất và sẽ sớm được xuất bản. Bên cạnh đó, quyển kinh Thương yêu và quyển kinh Phước đức bản dịch của Sư ông Làng Mai cũng đang được hai Sư cô biên soạn, vẽ tranh, chuyển ngữ và hứa hẹn sẽ xuất bản, chia sẻ trong thời gian sớm nhất đến các vị Phật tử”, tâm sự về những kế hoạch sắp tới, ánh mắt hai Sư cô ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời.

Một trong những điều đem đến hạnh phúc cho cuộc sống là sự cho đi. Và đối với người con Phật, có lẽ không gì quý giá bằng sẻ chia Chánh pháp, làm lan tỏa lời hay, ý đẹp, hướng con người đến với những giá trị nhân văn. Đó cũng là ý niệm của hai Sư cô Huyền Linh và Tịnh Chúc khi chọn cho mình phương cách chuyển tải lời dạy của Đức Phật bằng việc vẽ tranh minh họa cho những câu kinh.

Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày