Đem Phật Pháp vào đời: Kỳ 3- Dấn thân!

Cái title và bài báo này để dành cho quý thầy, quý sư cô còn rất trẻ, có người vừa tốt nghiệp khóa VI Học viện (HV) PG VN, có người đang là sinh viên khóa VII. Những thầy, sư cô trẻ ấy quy tụ trong CLB Hoằng pháp trẻ. Và một sự kiện “nóng hổi” vừa được CLB tổ chức thành công là Hội trại hè lần 2-2009 với chủ đề “Tuổi trẻ và cuộc sống”!  

Chung tay đem Phật pháp vào đời

Nói về CLB Hoằng pháp trẻ (thuộc Ban Hoằng pháp THPG TP.HCM) thì phải kể đến vai trò của ĐĐ.Thích Phước Huệ, chủ nhiệm CLB. Thầy xuất gia từ năm 7 tuổi, ở Đồng Tháp, từng sống và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa nên thầy hiểu hơn ai hết về sự thiếu thốn về vật chất cũng như niềm khát ngưỡng Phật pháp của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Từ đó, hình thành nên trong suy nghĩ của vị tu sĩ trẻ ấy mơ ước “làm sao để mang Phật pháp đến với người nghèo, ở vùng sâu, xa ấy? Muốn làm điều ấy thì tu sĩ trẻ chính là lực lượng nòng cốt, có nhiều điều kiện thực hiện nhất bởi sức trẻ và lòng nhiệt huyết…”. Hơn nữa, qua quá trình tiếp xúc thầy cũng nhận ra việc đến với đạo Phật của giới trẻ còn khiêm tốn nên tu sĩ trẻ sẽ là cầu nối cho các bạn trẻ đến với đạo. Ngay khi mới bước vào năm nhất HVPG VN thầy đã chủ động làm cầu nối, quy tụ những bạn bè là quý thầy, quý sư cô trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường để thành lập CLB Hoằng pháp trẻ.

danthan-2.gif

Một lớp học dành cho thanh thiếu niên do CLB Hoằng Pháp trẻ thực hiện

Ảnh CTV

Thấm thoát CLB cũng đã bước sang tuổi thứ 3 với khoảng 60 thành viên thường trực và 60 thành viên không tham gia thường xuyên. Ba năm qua là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của CLB dưới sự chứng minh của HT.Thích Trí Quảng và sự cố vấn của ĐĐ.Thích Nhật Từ.

Đặt văn phòng tại chùa Giác Ngộ (92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM) và chọn 4 ngày chủ nhật hàng tháng làm thời điểm sinh hoạt, hoạt động thường xuyên nên các thành viên CLB ai cũng có việc để làm. Hiện đã có 17 tỉnh, thành nằm rải rác từ Bình Định đến Bạc Liêu đã liên hệ, phối hợp với CLB Hoằng pháp trẻ mở những đạo tràng tu học, mở khóa tu, lớp giáo lý…

CLB của những người trẻ

Có được như ngày hôm nay là nhờ vào tinh thần làm việc dấn thân vì mục đích cao cả của người xuất gia là xiển dương Chánh pháp. Trong đó, những cái tên như: ĐĐ.Thích Phước Huệ, ĐĐ.Thích Lệ Minh, ĐĐ.Thích Quảng Tiến, ĐĐ.Thích Thiện Xuân, ĐĐ.Thích Trí Định, SC.Như Thuận, SC.Như Nhân… là những cá nhân có vai trò chủ chốt, “đầu tàu” của “con tàu” Hoằng pháp trẻ.

danthan-1.gif

Dấn thân về vùng xa

Ảnh CTV

Vào ba ngày 3, 4 và 5 -6 chúng tôi được theo dõi Hội trại hè lần 2 – 2009 với chủ đề “Tuổi trẻ và cuộc sống” do CLB tổ chức và thực sự “tâm phục khẩu phục” về những sáng kiến của các thành viên trẻ trong Ban tổ chức. Những thời khóa công phu trong hội trại, đặc biệt là đêm đốt nến cầu nguyện hòa bình cho thế giới đã đi vào lòng trại sinh, “thấm” tinh thần từ bi của đạo Phật. Sáng kiến về việc tặng cúp cho những đội tham gia hội trại đạt giải để khuyến tấn sự phấn đấu trong việc tìm hiểu Phật pháp. Rồi quyển giáo trình “Phật pháp vào đời” do ĐĐ.Thích Phước Huệ chủ biên đã thực sự làm cho Phật pháp vào cuộc đời bằng những bài học súc tích, ngắn gọn. 17 tỉnh, thành có kết hợp với CLB mở lớp học và đạo tràng tu tập đã cùng sum họp về Suối Tiên trong mùa hè 2009, họ lấy kiến thức đã học được từ giáo trình của CLB làm hành trang cho cuộc sống. Số lượng phát hành của giáo trình này lên đến 20.000 bản (tập 1) và 10.000 bản (tập 2).

Sự cố gắng trong tự thân của từng thành viên CLB là yếu tố quyết định cho sự phát triển của CLB. HT.Thích Trí Quảng tán dương nhân lễ khai mạc Hội trại hè 2009 của CLB: “Những giảng sư trẻ thuộc CLB chưa phải là giảng sư chuyên nghiệp vì chưa qua trường lớp nhưng quý vị có những việc làm tương ứng với người trẻ, thu hút được người trẻ. Các thầy, các cô vừa đi học, vừa đi giảng dạy mà lại là giảng dạy ở vùng xa, vùng nghèo, ở đó họ rất cần Phật pháp nên việc làm ấy càng ý nghĩa…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Giác Toàn nói về dấu ấn của Viện Nghiên cứu Phật học VN sau 35 năm thành lập

Hòa thượng Thích Giác Toàn nói về dấu ấn của Viện Nghiên cứu Phật học VN sau 35 năm thành lập

GNO - Sắp tới đây, Viện Nghiên cứu Phật học VN sẽ tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập (1989-2024). Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng đương nhiệm đã có những chia sẻ về chặng đường hình thành và phát triển, những dấu ấn và thành tựu đặc biệt của Viện. 

Thông tin hàng ngày