Thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), ngoài di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng lâu đời, còn có vô số chùa tháp Phật giáo cổ kính, trang nghiêm có từ ngàn năm.
Tây An thời xưa gọi là Trường An hay Tây Đô, là một trong tám cố đô lớn nhất của Trung Quốc. Thời nhà Đường (618-907), 12 triều vua đều đóng đô ở Trường An với dân số lúc đó gần 1 triệu người. Thành phố Tây An ngày nay còn bảo tồn những ngôi chùa cổ với những ngọn tháp cao rất hấp dẫn du khách.
Chùa Từ Ân cách phía Nam thành phố 4km, tương truyền thời xưa có đàn chim nhạn bay ngang chùa bỗng nhiên một con gãy cánh rơi xuống và xác chôn ở đây. Tăng nhân lấy làm lạ, cho rằng chim nhạn chính là Bồ tát nên xây dựng tháp để thờ, gọi là Đại Nhạn tháp. Cũng ở phía Nam có chùa Tiến Phúc xây dựng vào năm Đường Văn Minh nguyên niên (tức năm 684) và có tháp xây dựng vào khoảng năm 707-710 gọi là Tiểu Nhạn, tháp xây cao 15 tầng (nay còn 13 tầng). Chùa Hoa Nghiêm ở phía Bắc cách 15km có 2 tháp, hình vuông, 7 tầng, cao 13m, ở tầng 7 có hai chữ “Nghiêm chủ” khắc bằng đá v.v…
Trong số chùa tháp tọa lạc ở khu vực thành phố Tây An thì chùa Từ Ân với ngọn Đại Nhạn tháp cao chót vót, kiến trúc độc đáo và nổi tiếng hơn cả. Năm Đường Vĩnh Huy thứ 3 (tức năm 652), trụ trì chùa Từ Ân là sư Huyền Trang được vua bảo hộ sang Ấn Độ thỉnh kinh Phật và được Đường Cao Tông (Lý Trị) tạo điều kiện nên được xây tháp trong thiền viện, lúc đầu xây dựng bằng gạch, hình vuông, cao 5 tầng, đơn giản. Đến khoảng năm 701-704, tháp được sửa chữa theo hình vuông, có lầu, gác và cao 7 tầng. Năm Đường Đại Lịch (766-779) lại xây lên 10 tầng, sau đó vì chiến tranh nên tháp bị phá hủy chỉ còn 7 tầng như hiện nay.
Tháp chùa Từ Ân khá độc đáo, kiến trúc đẹp, kết hợp giữa kiến trúc tháp Ấn Độ và Trung Quốc. Tháp cao hơn 64 mét. Ở mặt phía Nam cửa tháp có khắc dòng chữ “Đại Đường tam tuế thánh giáo tự” do Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) soạn và dòng chữ “Đại Đường tam tuế thánh giáo tự” do Đường Cao Tông (Lý Trị) soạn. Trải qua bao nhiêu đời và hơn một ngàn mấy trăm năm, chùa Từ Ân và Đại Nhạn tháp vẫn luôn được giữ gìn, tôn tạo để làm nơi thờ cúng, chiêm bái của Tăng Ni, Phật tử và dân chúng muôn phương. Đến chùa Từ Ân, mọi người có cảm tưởng như đến nơi đất Phật, ngắm nhìn ngọn Đại Nhạn tháp sừng sững, ai nấy như thấy mình được gặp Bồ tát phúc hậu từ bi.
Là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của nhà Đường nên các văn nhân, thi sĩ thường tụ tập ở kinh đô Trường An để giao lưu, thăm viếng và thi tài thơ phú. Mùa thu năm Thiêm Bảo thứ 11 (năm 752), Đỗ Phủ cùng với các nhà thơ nổi tiếng là Cao Thích, Sầm Tham, Tiết Cứ, và Trừ Quang Hy đến chơi chùa Từ Ân ở phường Tiến Xương, khu Đông thành, thành phố Trường An; cảnh chùa Từ Ân yên tĩnh, có Đại Nhạn tháp cao nên cả 5 người đều có cảm hứng, ai nấy cũng làm một bài thơ ca ngợi chùa. Cao Thích (705-765), tự Đạt Phụ, người Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, đậu tiến sĩ, ra làm quan và kết bạn thân với Lý Bạch và Đỗ Phủ. Ông là tác giả bài “Yên ca hành” rất nổi tiếng. Sầm Tham (715-770), người Nam Dương, tỉnh Hà Nam, đậu tiến sĩ, từng ra biên giới làm việc quân ở Tân Cương, Cam Túc, Thiểm Tây. Ông là tác giả bài “Bạch tuyết ca” và “Tẩu mã xuyên hành” rất được truyền tụng về thơ biện tái. Trừ Quang Hy (...?..), người Duyên Châu, đậu tiến sĩ, bị tù, biếm xuống Lũng Nam. Ông là tác giả hai bài “Hiếu cổ” miêu tả chiến tranh. Đỗ Phủ (712-770) tự Tử Mỹ, người huyện Củng, tỉnh Hà Nam, xuất thân trong gia đình “tôn thờ đạo Nho và ra làm quan”, mấy lần thi không đậu, cả cuộc đời khốn cùng, phiêu bạt, ông để lại chùm thơ “Tam lại, tam biệt” và 8 bài thơ “Thu hứng”.
Năm 752, Đỗ Phủ gặp Cao Thích với Tiết Cứ. Tiết Cứ rủ Đỗ Phủ và Cao Thích đến chơi chùa Từ Ân. Trước đó, Sầm Tham đã đến chơi chùa Từ Ân có làm thơ vịnh ngôi chùa danh tiếng này với những câu thơ tả cảnh “Sắc thu từ Tây lại, màu xanh trùm Quan Trung” và “Trên ngọn đồi Ngũ Lăng, vạn cỏ xanh mịt mùng”. Cao Thích và Tiết Cứ cũng tức cảnh sinh tình làm thơ bày tỏ cảm xúc khi đến chơi chùa Từ Ân. Cảm phục thi tài của các thi hữu, Đỗ Phủ bỗng nhiên cất giọng đọc một bài thơ dài làm mọi người rất ngạc nhiên và thán phục. Đó là bài thơ “Cùng các bạn lên tháp chùa Từ Ân” (Đồng chư công đăng Từ Ân tự tháp). Đó là bài thơ ngũ ngôn cổ thể, dài 24 câu, 120 chữ, gồm 4 đoạn, theo chủ đề lên cao mà nhìn rõ cảnh vật và sự đời. Bài thơ như sau:
同諸公登慈恩寺塔
高標跨蒼天,
烈風無時休。
自非曠士懷,
登茲翻百憂。
方知象教力,
足可追冥搜。
仰穿龍蛇窟,
始出枝撐幽。
七星在北戶,
河漢聲西流。
羲和鞭白日,
少昊行清秋。
秦山忽破碎,
涇渭不可求。
俯視但一氣,
焉能辨皇州。
回首叫虞舜,
蒼梧雲正愁。
惜哉瑤池飲,
日宴崑崙丘。
黃鵠去不息,
哀鳴何所投。
君看隨陽雁,
各有稻粱謀。
(Tháp cao vút thẳm trời xanh Gió mạnh không lúc nào ngừng Chẳng phải giải phiền kẻ sĩ Lên đây ưu phiền sẽ mất Mới hay sức mạnh của Phật đạo Để thấu hiểu lẽ cao dày Đường đi rắn rồng khuất nẻo Bắt đầu lộ ra ngày càng tối Sông Thiên Hà nước chảy về tây Hy Hòa đánh xe từ mặt trời Ngày thu xanh thẳm trời cao Núi tây bỗng nhiên tan nát Sông Kinh sông Vị không nhận biết Cúi xuống nhìn là một thể Sâu có thể phân biệt đất nước Quay đầu gọi Ngô Thuấn Mây Thương Ngô đang buồn Đáng tiếc Giao Trì uổng mạng Ngày yến tiệc trên núi Côn Luân Hạc vàng bay đi chẳng nghỉ Kêu than nào biết về đâu Anh nhìn chim nhạn rủ nhau về Chỉ mong sao gạo ăn áo mặc). (Hồ Sỹ Hiệp dịch)Đỗ Phủ làm bài thơ này lúc 40 tuổi (752) theo chủ đề “Đăng cao” - lên cao để nhìn rõ sự đời và hiểu tâm trạng của bản thân. Với chủ đề đó, năm 767, lúc đã về già 55 tuổi, ông lại sáng tác bài “Đăng cao” (Lên cao) - cuối đời lên cao, tổng kết cuộc đời “trăm bệnh chiếc thân mòn”, “gian nan khổ hận đầu thêm bạc” và “quặt quẹo đành kiêng chén giải buồn”.
Bài thơ “Cùng các bạn lên tháp chùa Từ Ân” là khẩu khí của Đỗ Phủ đang lúc tuổi tráng niên, chí khí mạnh mẽ. Đoạn đầu bài thơ là cảnh tháp chùa Từ Ân rất cao, vươn cao và có gió thổi rất mạnh. Có lên chơi tháp mới thấy rõ sức trời, sức mình và sức mạnh của đạo Phật. Câu thơ “mới biết sức mạnh của Phật đạo” (phương tri tượng giáo lực) ngụ ý từ việc lên tháp cao, Đỗ Phủ liên tưởng đến sức mạnh kỳ diệu của đạo Phật tiềm ẩn ở mỗi người. Từ miêu tả cái cực cao và cái cực xa khi lên chơi tháp, Đỗ Phủ muốn làm cho mọi người vui vẻ, sau đó ai nấy sẽ cảm thấy mênh mang trăm điều lo nghĩ về lịch sử, đất nước và con người dồn nén rất khó nói lên lời.
Nhân lên chơi tháp và ngắm nhìn cảnh chùa cùng với các thi hữu, Đỗ Phủ giãi bày nỗi lòng của mình về đất nước. Lúc này (752) vẫn còn là thời “Hoàng kim” của nhà Đường, thời thịnh trị Khai nguyên - Thiên Bảo vẫn còn, loạn An - Lộc - Sơn chưa xảy ra (755); nhưng qua bài thơ, Đỗ Phủ đã “dự báo” những điều bất ổn mà nhà Đường sẽ không tránh khỏi. Cả bài thơ tràn ngập nỗi niềm ưu tư, lo nghĩ ấy.
Là người xuất thân từ địa chủ theo đạo Nho “tính trời ai cải được” và luôn luôn tâm niệm lúc nào cũng hướng về dân, về nước như “hoa hướng dương hướng về mặt trời”, nhưng khi lên chơi tháp chùa Từ Ân, nhận thức Đỗ Phủ bắt đầu chuyển biến. Nhìn cảnh quan của chùa Từ Ân với ngọn tháp cao sừng sững, ông nghĩ đến sức mạnh của đạo Phật có thể làm biến đổi xã hội và nhân sinh.
Triết lý của bài thơ thật sâu sắc. Qua sự tích, thần thoại, truyền thuyết và địa danh - lịch sử, Đỗ Phủ muốn “ký thác” vào suy nghĩ của ông về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tâm trạng của ông có cái gì giống Khuất Nguyên thời trước khi bàng hoàng phải xa nước Sở “Sớm Thương Ngô chiều qua Huyền Phố”. Trong bài thơ, Đỗ Phủ nhắc đến những sự tích, địa danh, lịch sử quen thuộc như: Hy Hòa, Ngô Thuấn, núi Tần, ao Giao Trì, sông Hán, sông Hoàng Hà, sông Kinh, sông Vệ… Lịch sử của địa linh nhân kiệt như dồn về với Đỗ Phủ khi ông và các bạn thơ lên chơi trên tháp chùa Từ Ân.
Đã hơn một ngàn hai trăm năm trôi qua, chùa Từ Ân vẫn còn đó, ngọn tháp cao vút mang tên Đại Nhạn Tháp của chùa vẫn còn đây, nhưng cuộc đời và lịch sử đã đổi thay. Hôm nay đến tham quan, vãn cảnh chùa Từ Ân, ai nấy đều tưởng nhớ nơi đây đại sư Huyền Trang đã từng trụ trì, nơi đây Đỗ Phủ và các nhà thơ trứ danh của đời Đường đã từng đến và để lại thi phẩm cho muôn đời, cho hậu thế mà đến nay đọc lại vẫn còn nhiều ý nghĩa.