Đi lễ đầu xuân

Khi những chùm pháo hoa rực rỡ màu trùm lên bầu trời chào đón thời khắc giao thừa thiêng liêng cũng là lúc mọi người, mọi nhà cùng nhau hướng về bàn thờ tổ tiên, cùng nhau đi lễ cầu phúc, cầu an cho gia đình và bản thân.

Một điểm dễ nhận thấy trong đời sống tâm linh của người Việt là có sự phong phú đa dạng. Chính vì vậy mà đền, chùa, miếu, phủ xuất hiện ở Việt Nam rất nhiều nhưng cùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Người Việt vốn bản tính hiền lành, hay lam hay làm, chịu thương chịu khó nên trong quan niệm của họ Trời, Phật, Thánh, Thần chính là những đấng tối cao che chở, phù hộ cho cuộc sống của họ, ban cho may mắn, mưa thuận gió hoà. Hầu như ai cũng suy nghĩ "vạn sự khởi đầu nan" và "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Bởi thế ngay từ đêm giao thừa và sáng mùng một Tết, mọi người đã nô nức đến các đền, chùa, miếu, phủ để cầu bình an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài.

dile-1.gif

Đêm giao thừa ở Hà Nội, mọi người thường đến phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ... để cầu khấn, xin một nhành lộc xuân mang về nhà hoặc trước kia có ngươi thường đi lấy một ít nước về xông nhà. Tục lệ này có lẽ xuất phát từ quan niệm xa xưa về bốn yếu tố quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Bởi thế mới có câu ca dao:

Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày ,trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

Như vậy nước chính là báu vật, nhưng cũng có thể trở thành thảm họa khi thiên nhiên nổi cơn cuồng nộ nên con ngồi phải biết trân trọng cầu rước ngày từ đầu năm và tục lệ rước nước cũng thường diễn ra ở rất nhiều lễ hội. Nước là cần nhất, nhưng không phải là duy nhất nên các lễ hội đặc biệt các lễ hội ở miền Bắc còn ẩn chứa nhiều nét văn hoá tinh tế. Có thể kể đến: Lễ hội làng Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh người ta làm ra những chiếc trống đại tượng trưng cho tiếng sấm để gọi mưa, đánh thức lúc trổ bông đem đến mùa màng bội thu; Hội rước lụa ở làng Vân Sa, xã Tân Hồng huyện Ba Vì , Hà Tây được mở vào ngày mùng năm Tết Nguyên đán để tưởng nhớ đến Ngọc Hoa công chúa, con gái vua Hùng Vương thứ 18, vợ của Tản Viên Sơn Thánh đã có công dạy cho dân làng cách trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; hay Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa cũng được tổ chức vào ngày mùng năm Tết Nguyên đán để tưởng nhớ người anh hùng áo vải Quang Trung đã có công đánh đuổi quân Thanh xâm lược.

Ở Việt Nam quanh năm lúc nào cũng có lễ hội. Nhưng lễ hội đầu năm bao giờ cũng là những lễ hội lớn và quan trọng. Lễ hội lớn nhất, diễn ra sớm nhất và cũng có thời gian diễn ra dài nhất (khoảng 3 tháng) phải kể đến Lễ hội chùa Hương và Lễ hội Yên Tử. Đây là những lễ hội tiêu biểu cho tín ngưỡng Phật giáo thu hút hàng triệu tín đồ và du khách thập phương đổ về. Trước đây khi cả chùa Hương và Yên Tử chưa có dịch vụ cáp treo, đường đi quanh co khúc khuỷu, rất khó khăn, nguy hiểm nhưng nhiều cụ già tuy đã quá độ "thất thập cổ la hy" vẫn không hề nhụt chí, chùn chân, miệng vẫn lẩm nhẩm tụng kinh lần mò từng bước quyết lên tới đỉnh núi thiêng để được về với đất Phật.

dile-2.gif

Nhiều người quan niệm đi lễ đường càng xa xôi, càng khó đi thì càng thể hiện được sự thành tâm của mình. Với lại đi lễ cũng là dịp để con người được hoà mình vào cùng thiên nhiên nguyên sơ, được ngắm phong cảnh sông nước thơ mộng, núi non hùng vĩ.

Đa phần các lễ hội đều xuất phát từ đời sống nông nghiệp, nhưng cũng có những lễ hội ngày nay đang có những biến thái phần nào không còn phù hợp với cuộc sống của những người nông dân chất phác, hiền lành. Điển hình nhất có thể kể đến lễ hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Ngay từ đầu năm có rất nhiều người, nhất là những người làm ăn buôn bán từ khắp mọi nơi chen nhau đội lễ đến "vay" và cuối năm bận may cũng phải lo về "trả" lễ. Hay lễ hội đền Trần, ở Phủ Thiên Trường, Nam Định.

Tương truyền sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày rằm tháng Giêng, vua Trần mở tiệc tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các công thần. Sau đó, cứ vào ngày này hàng năm thì nhà vua lại "khai ấn" cho công việc năm mới. Ngày nay người đi lễ đền Trần vẫn rất đông để cầu mong công việc của mình được thuận lợi.

Tuy vẫn còn tồn tại một số hủ tục, thói mê tín dị đoan, nhưng nhìn chung lễ hội vẫn mang nhiều yếu tố tích cực, là sinh hoạt văn hoá truyền thống của cộng đồng. Đầu năm đi lễ cũng là dịp để con người hướng về tổ tiên, cội nguồn, sống thiện tâm hơn, biết kính trên nhường dưới, biết "sợ" trước đấng tối cao, có niềm tin để vươn lên và cùng nhau hưởng đến những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày