1. Ở đây, mình đi tìm mùa xuân của lòng người, lòng mình, nên chỉ cần ngồi thật im, thật vững chãi và chế tác năng lượng mùa xuân - thứ năng lượng mát mẻ ở trong tâm mình thì mùa xuân sẽ có mặt.
Mùa xuân ngay đây, ở hơi thở, nụ cười chánh niệm
Này là hoa cỏ tươi xanh, đẹp rạng ngời khi mình mỉm cười thiệt tươi, vô lo, bởi mình đang tận hưởng hiện tại. Và cũng bởi mình ý thức được rằng, lo những cái chắc chắn sẽ tới thì có lo hay không nó cũng tới; và lo những điều chưa tới, tương lai xa mới tới là mình đã lo xa. Cả hai cách lo đó là ta đã phụ rẫy hiện tại màu nhiệm này!
Mình còn sống đây, nhận diện như thế và mỉm cười, để quên đi nỗi lo sợ về cái chết. Thế gian gọi là sống lạc quan. Mà muốn vậy thì phải quẳng gánh lo đi! Một công thức rất đơn giản nhưng để thực tập và đưa nó vào cuộc sống thì không phải ai cũng dễ dàng làm được.
2. Cuộc sống làm con người có quá nhiều mối lo hay con người đã thổi những bất an, buồn phiền, chán nản vào cuộc sống để cuộc sống trở nên ảm đạm và làm cho những âu lo tăng tốc? Nếu nhìn một chiều thì ta sẽ không thấy được sự tương tức, tương tác của cuộc sống-con người. Con người kiến tạo cuộc sống và cuộc sống tác động đến thân-tâm con người! Cứ thế, cái này có, cái kia sẽ có theo quy luật sinh-diệt. Nói theo quan điểm của nhà Phật thì “nhất thiết duy tâm tạo”, chính vì vậy mà “tâm bình thế giới bình”.
Thế giới đang bất an. Cục diện bất ổn lan từ nơi này qua nơi khác. Mới hôm nào đây Nhật Bản bị động đất-sóng thần làm chết hàng chục ngàn người, phá huỷ không biết bao nhiêu cơ sở vật chất. Mới đây, cuộc chiến ở Lybia khai mở, rồi đến chống Bin Laden và sau đó là những hành động đẫm máu để trả thù cho cái chết của Bin.
Những lời đe doạ, những hiểm hoạ cả thiên lẫn nhân tai cứ rình rập chỉ chờ con người “nhấn nút” là vận hành. Phận người trở nên bé mọn, sống nay chết mai, trong khi đó vật chất thì đầy ra đó nên con người đua nhau hưởng thụ, rồi nghĩ ra đủ cách để hưởng đến mức biến chất, thoái hoá về tư cách, làm lòng người mệt mỏi, sợ hãi, bất an… Thứ năng lượng ấy cứ ẩn tàng mãi, bùng phát và âm ỉ tàn phá thân-tâm con người thì có sống giữa mùa xuân thật sự cũng khó mà cảm nhận hơi xuân, hương xuân, vị xuân.
3. Mới đây, cuộc xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc một lần nữa đánh động lòng người. Những nỗi lo lại bắt đầu chạm trán với những nghĩ suy thường nhật khác. Câu hỏi “Vì sao lại chiến tranh?” và “Tại sao không hoà bình?” lại được khơi lên để tìm kiếm những nguyên nhân sâu xa. Nếu không phải vì lòng tham, vì sự sân hận thì là vì cái gì trong những cam go thời cuộc, những gây hấng, xách động? Tại sao không ngồi lại với nhau, thật tĩnh lặng để cảm nhận hoà bình và giá trị của sự an lạc nơi nội tâm trong tâm thế hoà bình, hoà giải, bất bạo động?
Nếu lắng nghe sâu và nhìn thật kỹ thì ta sẽ thấy cái chết đồng nghĩa với chiến tranh. Mất mát đồng thời với chiến tranh. Khổ đau có mặt cùng chiến tranh… Gọi chung những thứ ấy chính là năng lượng bất an, không lành phát xuất từ chiến tranh. Nhân danh công lý và sự hùng mạnh, giàu có trên cơ sở bành trướng, hoặc trên sự cướp bóc tài sản, tài nguyên và sự tự do, bình yên của người khác, nước khác là một sự lừa bịp.
Chúng ta nhận diện điều đó, và vững vàng trên tinh thần nghĩ, nói và làm theo giáo lý của Đức Bụt: tinh thần bi-trí-dũng. Bi là biết để cho tình thương có mặt trong mọi ý niệm, lời nói, việc làm. Trí là sự thấy sâu sắc nhân quả của sự sự việc việc mà hành xử để tránh gieo nhân bất thiện, như là giết chóc và chiến tranh, bạo động. Và khi không có nhân thì chắc chắn không có quả! Dũng là khi ta dám nói tiếng nói của lương tâm, của cái thấy sáng suốt từ sự thực tập bi-trí mà Bụt đã dạy, ta đã thấm nhuần.
Hãy để cho kiền ba chân ấy uyển chuyển biểu hiện trong tam nghiệp (ý-khẩu-thân) thì ta và người, cộng đoàn của chúng ta sẽ kiến tạo được mùa xuân, xây dựng được Tịnh độ ngay hiện tại này, trên đất mẹ yêu thương này… Khi ấy, ta chẳng cần phải lục tìm mùa xuân trong đống ký ức và cũng chẳng cần chạy tìm mùa xuân ở chốn nào thuộc về tương lai…