Dịch nCoV: Hơn 43.000 người bị nhiễm, lời khuyên từ Bộ Y tế

GNO - Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 11g30 hôm nay, 11-2-2020, có 43.102 trường hợp nhiễm bệnh tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số trường hợp tử vong là 1.018. Số người được chữa khỏi bệnh là 4.044.

bv da chien.png

Bệnh viện dã chiến có sức chứa 300 giường bệnh tại huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: Bộ Y tế

Tại Việt Nam, 6/15 trường hợp nhiễm nCoV được điều trị khỏi bệnh: 3 trường hợp điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương xuất viện ngày 10-2, 1 ở BV Chợ Rẫy và 1 ở BV Nhiệt đới Khánh Hòa cùng xuất viện ngày 4-2, 1 trường hợp ở BV Đa khoa Thanh Hóa xuất viện ngày 3-2.

Các tỉnh có người mắc nCoV là Vĩnh Phúc (10 người), TP.HCM (3 người), Khánh Hòa (1 người) và Thanh Hóa (1 người).

Các kênh cung cấp thông tin đáng tin cậy về dịch bệnh

Ngoài 2 đường dây nóng thông tin và tư vấn bệnh 19009095 (hoạt động ngày 2-2) và 19003228 (ngày 30-1), ngày 8-2 Bộ Y tế chính thức vận hành trang tin điện tử về dịch bệnh trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (https://ncov.moh.gov.vn/) và ứng dụng thông tin Sức khỏe Việt Nam.

Đây là các kênh truyền thông chính thống giúp người dân cập nhật thông tin về tình hình và biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách kịp thời, chính xác và đúng chuyên môn trước các luồng thông tin không có căn cứ, chưa được kiểm chứng gây hoang mang và lo lắng không cần thiết.

Hoạt động phòng chống dịch tại TP.HCM

Tại TP.HCM, ngày 10-2, bệnh viện dã chiến đầu tiên với sức chứa 300 giường bệnh và 20 giường cấp cứu tại huyện Củ Chi (đặt bên trong Trường Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM, cách trung tâm thành phố 20 km) đã sẵn sàng đón nhận người nghi nhiễm nCoV.

Được biết, khu cách ly thứ hai sẽ có mặt tại huyện Nhà Bè với 200 giường bệnh (dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 15-2). TP.HCM hiện có 47 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sẵn sàng tiếp nhận, khám sàng lọc, thu dung điều trị tại khu cách ly của bệnh viện với bệnh nhân viêm hô hấp cấp nghi do nCoV.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức diễn tập tiếp nhận người nghi nhiễm nCoV tại bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi với các tình huống giả định nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống bệnh. Trước đó, BV Thống Nhất cũng có buổi diễn tập vào ngày 5-2.

Bệnh viện dã chiến đưa vào sử dụng khi số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vượt quá khả năng điều trị tại các khoa, bệnh viện có phòng cách ly.

Trong những ngày qua, ngoài các khuyến cáo phòng chống dịch chung cho cộng đồng, các cơ quan thuộc Bộ Y tế cũng liên tục đưa ra những hướng dẫn chi tiết giúp bảo vệ cá nhân khỏi dịch bệnh như: 

1. Không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn mặt, bàn chải đánh răng, ly uống nước). Thường xuyên giặt sạch và giữ khô khăn tắm, khăn lau mặt; không treo khăn ẩm ướt trong nhà tắm.

2. Tránh tiếp xúc tay với các bộ phận trên mặt (mắt, mũi, miệng). Trong thời gian dịch bệnh đang diễn ra nên hạn chế bắt tay, ôm người khác. Dùng khăn giấy sạch khi cần dụi mắt, lau vết bẩn trên mặt. Rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước ấm.

3. Hạn chế và cẩn thận khi chạm vào các vật dụng, vị trí thường xuyên được sử dụng ở nơi công cộng (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang hay bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay).

Rửa tay sạch sẽ ngay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Tại gia đình, thường xuyên lau chùi và làm sạch các vật dụng như bàn phím máy tính, máy tính xách tay, điện thoại bàn và di động, đồ chơi.

Huệ Trần tổng hợp
(theo Bộ Y tế)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.

Thông tin hàng ngày