“Định hướng các đặc trưng văn hóa PGVN là điều cần thiết”

GN - Trên cơ sở đề nghị của Ban Văn hóa T.Ư, từ tháng 7 năm 2015, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, đã ký Quyết định số 271/2015/QĐ.HĐTS phê duyệt và chấp thuận triển khai thực hiện 4 đề án với tên gọi “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” thực hiện đến năm 2019.

pvan1.JPG

TT.Thích Thọ Lạc

Qua, đó, HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư đã phân công TT.Thích Thọ Lạc, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư chủ nhiệm 4 đề án kiêm đặc trách đề án trên. Trao đổi với PV Giác Ngộ về đề án có tính chiến lược này của Ban, TT.Thích Thọ Lạc cho biết:

- Trong quá trình đưa ra thảo luận và trước khi thống nhất để trình Hội đồng Trị sự, các thành viên của Ban Văn hóa T.Ư thể hiện sự lo lắng việc có thực hiện được không vì đề án quá lớn, diễn ra trong thời gian dài và mang tầm chiến lược. Tuy nhiên, lúc đề án được công bố và thỉnh thị ý kiến nhân Hội nghị thường niên vào cuối năm 2014, sự ủng hộ mạnh mẽ của chư tôn đức đến từ nhiều tỉnh thành đã có sức lan tỏa và khích lệ to lớn.

Qua đó, cho thấy những nội dung của đề án là mối ưu tư lớn của chư Tăng Ni, Phật tử cả nước chứ không còn là việc làm riêng của ngành văn hóa Phật giáo và đây thực sự là một nhiệm vụ cấp bách, cần thiết trong quá trình định hình và thống nhất lại những quy chuẩn riêng về nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa Phật giáo tại Việt Nam bao gồm pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản.

* Như vậy nội dung chủ yếu của 4 đề án này là gì và quy trình thực hiện ra sao, thưa Thượng tọa?

- Các đề án này nằm trong nội hàm của văn hóa Phật giáo và việc thực hiện chúng chủ yếu tập trung vào việc xác định tính đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các phương diện pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản. Từ đó tìm ra một biểu trưng, bản sắc chung thống nhất để có thể áp dụng trong sinh hoạt Phật giáo.

Cũng xin khẳng định rằng việc làm này không nhằm mục tiêu gom tất cả về một mối mà chỉ là việc xác định tính thống nhất của các phương diện văn hóa Phật giáo trong sự đa dạng. Bởi lẽ, văn hóa Phật giáo Việt Nam được hình thành trên cơ sở là nền văn hóa của nhiều hệ phái Phật giáo, có sự giao lưu, tiếp biến từ nhiều nguồn khác nhau. Đến nay, quá trình đó vẫn tiếp tục có những chuyển biến thay đổi khiến cho Tăng Ni, Phật tử có nhiều ngộ nhận và khi giới thiệu cho Phật giáo thế giới thì ta vẫn còn lúng túng khi khẳng định tính đặc trưng của mình.

Do vậy, kết quả cuối cùng quan trọng nhất của Phật sự này vẫn là sự kết luận về quy chuẩn chung tùy thuộc vào mỗi truyền thống và hệ phái Phật giáo. Điều này có nghĩa là mỗi hệ phái cần giới thiệu các quy cách phổ quát trên 4 phương diện pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo để Ban Văn hóa cùng các chuyên gia sẽ tổng hợp, xây dựng và đề xuất biểu trưng được đồng thuận hơn cả. 

Để thực hiện đề án này, Ban Văn hóa T.Ư đã xác định giai đoạn cần phải tuân thủ bao gồm: Hoàn tất các thủ tục pháp lý và tìm đối tác; thống nhất các chủ trương và đi khảo sát đại diện các hệ phái để có cái nhìn tổng quát về pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản (bước này vừa được hoàn thành vào đầu tháng 5 vừa qua); từ sự thống nhất về lập luận, quan điểm sau khảo sát, Ban Văn hóa tiến hành các thiết kế mẫu và những định dạng chung nhất; trình Hội đồng Trị sự và Ban cố vấn thẩm định; Hội đồng Trị sự sẽ ban hành các kết luận và tiến hành thực hiện kết quả quá trình thực hiện đề án.

Trong quá trình 5 giai đoạn này, Ban Văn hóa tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm và tiếp xúc với nhiều quy mô khác nhau để tiếp nhận các thông tin, góp ý và đánh giá từ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và các hệ phái, quý vị chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, ngôn ngữ để có những điều chỉnh và kết luận chính xác nhất.

pvan3.JPG


Phiên thảo luận của đoàn công tác Ban Văn hóa T.Ư trong quá trình thực hiện đề án

* Đến thời điểm này, Ban đã hoàn thành xong bước 2 là tiến hành khảo sát và thu thập thông tin từ các hệ phái Phật giáo, đánh giá chung của Thượng tọa về những kết quả thu thập được và tính khả thi của đề án?

Vào từ giữa đến cuối tháng 5 vừa qua, đoàn chư tôn đức thành viên Ban Văn hóa T.Ư, các nhà khoa học đến từ Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội Dệt May, Viện mẫu thời trang (Fadin) và các cơ quan truyền thông đến khảo sát nhiều cơ sở tự viện tiêu biểu của các hệ phái Phật giáo.

Tại mỗi điểm đến của Phật giáo Bắc tông, hệ phái Khất sĩ, hệ phái Nam tông Kinh, hệ phái Nam tông Khmer, đoàn tiến hành các cuộc tọa đàm với chư tôn đức Tăng Ni về 4 đề án lớn: Pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản và đề án số hóa 3D. Đây là một trong những lần khảo sát đầu tiên của Ban Văn hóa T.Ư mang tính toàn diện với nhiều thành phần tham gia để có thể định hướng được nét đặc trưng của thành tố văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tháp tùng, họ được tiếp cận khá nhiều tư liệu quý giá và mang tính thực tiễn cao mà trước giờ chưa có điều kiện. Ngoài ra, nhờ chuyến đi mà họ lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của các bậc tôn đức uy tín của các hệ phái cũng như giới Tăng Ni trẻ tham dự các cuộc tọa đàm. Kết quả thu được có nhiều ý nghĩa để thực hiện các bước tiếp theo.

Riêng về góc độ của Ban Văn hóa, nhìn chung hệ phái Phật giáo nào cũng có những nét đặc thù riêng biệt, tạo sự phong phú trong các sinh hoạt văn hóa Phật giáo. Và trong mỗi hệ phái cũng có sự đa dạng riêng và cả những biến thể. Điều này là tất yếu trong bối cảnh chung của một nước Việt Nam giàu truyền thống văn hóa và có lịch sử hàng ngàn năm.

Tuy nhiên, vượt lên trên hết, đó là chúng tôi đọc được từ các hệ phái về sự khát khao và mong muốn thống nhất trên các phương diện mà đoàn đề cập. Qua đó, cho thấy việc làm này không chỉ là trách nhiệm của Ban Văn hóa mà chính các hệ phái phải tham gia, hỗ trợ. Chính nhận thức này cho chúng tôi một hy vọng rất lớn khi có sự đồng hành, đồng sự của nhiều phía và tin tưởng rằng việc thực hiện đề án sẽ đạt những kết quả như mong đợi.

* Chân thành cảm ơn Thượng tọa!

pvan2.JPG

Bảo Thiên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày