Do đâu có những vết bầm trên da?

GNO - Đôi khi ta thức dậy, phát hiện có vết bầm trên da mà không nhớ rõ hoặc không biết rõ lý do vì sao có vết bầm ấy, mình đã bị vết bầm đó từ lúc nào hay do va vào chân giường tối qua?...

Thông thường, hầu hết chúng ta quên mình có những va chạm - nguyên nhân gây ra các vết bầm. Tuy nhiên, các vết bầm đó có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây, theo các chuyên gia. Đó là:

1 - Do thiếu vitamin

Một số vitamin có tác dụng làm lành các vết cắt da, chảy máu, các va chạm. Thiếu các vitamin này có thể gây ra nhiều triệu chứng, trong đó có các vết bầm. Vitamin B12 kết hợp với folate để hình thành DNA của tế bào máu. Thiếu các vitamin này dễ làm các vết bầm xuất hiện hơn bình thường.

Vitamin K cũng có tác dụng làm đông máu. Thiếu vitamin K có thể làm rò rỉ các mạch máu - đây cũng là nguyên nhân gây ra các vết thâm bầm.

Ngoài ra, vitamin C chịu trách nhiệm tổng hợp collagen và các protein khác để tạo da và các mạch máu. Thiếu loại vitamin này cũng gây ra các vết thâm tím trên cơ thể.

Hấp thụ đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin để bổ sung vitamin cho cơ thể thì các vết thâm bầm do thiếu dưỡng chất gây ra sẽ tự khỏi và được giảm thiểu.

vetbam.jpg


Đôi khi ta thức dậy, phát hiện có vết bầm trên da - Ảnh minh họa

2 - Do sự lão hóa

Lão hóa cũng gây ra các vết thâm bầm. Lão hóa da làm da trở nên mỏng hơn, nhợt nhạt hơn do những thay đổi trong cấu tạo của lớp da ngoài cùng. Các thay đổi ở các lớp hạ bì sẽ gây ra nhiều vết thâm tím trên da. Các mạch máu trong hạ bì trở nên mong manh hơn khi chúng ta già đi, là nguyên nhân gây ra các biểu hiện như các đốm xuất huyết ở người cao tuổi (senile purpura) và chứng u máu quả anh đào (cherry anginomas).

Tránh sự tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời là cách tránh các biểu hiện bệnh về da nói trên. Dinh dưỡng tốt và hydrate hóa tốt cũng giúp làm cho sự lão hóa da diễn ra chậm hơn.

3 - Do bệnh Von Willebrand

Bệnh Von Willebrand (Von Willebrand Disease) là tình trạng chảy máu do di truyền - một dạng bệnh về rối loạn đông máu, gây ra việc xuất huyết nhiều trong phẫu thuật và ở phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt.

Tại Hoa Kỳ bệnh này gây ảnh hưởng đến khoảng 200.000 người mỗi năm và là bệnh rối loạn di truyền phổ biến nhất ở người. Nguyên nhân là do thiếu yếu tố Von Willebrand - protein mang yếu tố VIII, cần thiết giúp tiểu cầu tụ lại với nhau để hình thành nút cầm máu nhằm kiểm soát quá trình chảy máu.

Người bị bệnh Von Willebrand thường thiếu hoặc không có hoặc có yếu tố Von Willebrand nhưng không hoạt động bình thường.

4 - Do nâng tạ

Nâng tạ là một hoạt động thể dục tốt cho sức khỏe nhưng đôi khi nâng tạ quá mức cũng gây ra các vết thâm bầm. Áp lực và stress có thể làm cho các mạch máu dễ vỡ. Đây là nguyên nhân gây ra chứng chảy máu cam (chảy máu mũi) và nôn mửa cũng làm xuất huyết các mạch máu quanh mắt.

Việc nâng tạ cũng gây ra xuất huyết ở các mạch máu, dẫn đến các vết bầm nhưng thường là vô hại. Nếu vết bầm có diện tích rộng, đau và kéo dài thì nên đi gặp bác sĩ.

5 - Do bệnh tiểu đường

Tiểu đường tác động đến cơ thể tùy theo mức đường huyết. Các bất ổn hay gián đoạn về sự lưu thông và tuần hoàn máu cũng gây ra các vết bầm trên da. Bệnh nhân tiểu đường có thể phát triển chứng tăng đường huyết - tình trạng có quá nhiều glucose trong máu, gây phá hủy các mạch máu theo thời gian, tạo ra các vết thâm bầm dưới da.

Ngoài các vết bầm trên da, bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý các biểu hiện khác như thị lực yếu, mệt mỏi, đề kháng kém. Nếu các triệu chứng này cùng xuất hiện thì nên đi khám bệnh ngay.

6 - Do bệnh giảm tiểu cầu

Giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu thấp. Tiểu cầu giúp ngừng chảy máu khi các mạch máu bị tổn thương. Thiếu tế bào tiểu cầu làm tăng nguy cơ bị các vết thâm tím. Tình trạng thiếu tiểu cầu thường xảy ra kèm theo, khi mang thai, rối loạn đề kháng hoặc khi mắc bệnh bạch cầu.

Nếu các vết thâm tím dai dẳng không khỏi hoặc các mẫn đỏ giống các nút ban đỏ không thuyên giảm thì hãy nhanh chóng đi khám bệnh.

Trần Trọng Hiếu (Theo Medical Daily)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày