Độc đáo “Đại thạch đồ”

GN - “Đại thạch đồ” (bản đồ lớn bằng đá) có diện tích gần 140m2, được tạo bởi 720 phiến đá lớn nhỏ, tượng trưng cho 720 huyện, thị của 64 tỉnh thành khắp cả nước. 720 phiến đá do đích danh nghệ nhân dành cả đời đi đến từng huyện, thị sưu tập với mong muốn thế hệ mai sau hiểu và yêu hơn đất nước, con người Việt Nam…

Gã “khùng” đi “đánh thức” đá

Nghệ nhân đá Châu Chí  Hùng, 54 tuổi, ngụ khu phố 5, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được bạn bè, đồng nghiệp đặt cho một cái tên đầy ngưỡng mộ “vua đá miền Đông”. Nghệ nhân tài hoa này là chủ nhân của viên đá “dạ minh châu” (hòn ngọc phát sáng trong đêm) được định giá hơn 800 triệu đồng gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua. Nghệ nhân Hùng không nhớ nổi ông tìm được “báu vật” dạ minh châu ở đâu, trong khoảng thời gian nào? Ông chỉ dựa vào tính chất đặc trưng của viên đá mà ước chừng nó xuất xứ ở vùng rừng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, ông tìm được trong những ngày còn lặn lội giữa đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm.

Là bậc “tông sư” trong lĩnh vực chơi đá, sưu tập đá nên ông Hùng nắm giữ trong tay hàng trăm ngàn hiện vật độc, lạ khác nhau. Đến nhà ông, chúng tôi thấy đá luôn được dành sự ưu ái đặc biệt. Đá ngồi chễm chệ giữa phòng khách, nghiêng ngả bên góc tường, đá rải từng đám ngoài sân, đá lởm chởm cả vào giường ngủ, phòng ăn. Ông Hùng sưu tập nhiều đá đến nỗi thiếu chút nữa bỏ mặc viên “dạ minh châu” lăn lóc ngoài vườn không hay biết.

Chuyện xảy ra hơn một năm trước, lúc đó đang nửa đêm không có điện, người nghệ nhân lọ mọ ra ngoài đi vệ sinh, ông hốt hoảng phát hiện giữa núi đá đổ ngay góc sân phát ra ánh sáng kỳ lạ. Bằng bản năng nghề nghiệp, ông lao tới kiểm tra và nhỏ những giọt nước mắt sung sướng khi biết mình đang cầm trên tay báu vật “dạ minh châu”.

hinh.jpg

Ông Hùng - nghệ nhân đam mê đá - Ảnh: Huy Hùng

Ông Hùng đem hòn đá phát sáng vào nhà nâng niu như đứa con ruột thịt. Những chuyện tâm linh huyền bí về hòn đá biết phát sáng nhanh chóng lan truyền. Giới khoa học, dân chơi đá, người hiếu kỳ nườm nượp kéo về nhà ông Hùng thưởng ngoạn điều xưa nay hiếm. Nhiều nhà chuyên môn muốn chủ nhân viên đá cho mổ xẻ tìm hiểu nguyên nhân nhưng ông không chịu vì như thế có khác nào “sát hại” đứa con tinh thần.

Có tay đại gia tận thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chạy “siêu xe” đến, thoáng quan sát rồi đưa ra mức giá 800 triệu đồng đòi mua hòn đá “bảo bối”. Nhưng vị đại gia nhầm to bởi chủ nhân phiến đá không mảy may màng đến chuyện tiền bạc. Sau này, nhiều nhân vật chơi đá tầm cỡ khắp cả nước đến “hỏi cưới” “dạ minh châu” với mức giá ngất ngưởng nhưng ông Hùng vẫn kiên quyết lắc đầu.

Nghệ nhân Hùng tâm sự: “Tôi yêu đá như yêu chính sinh mạng mình. Có được hòn “dạ minh châu” là một cơ duyên đặc biệt, chẳng có lý do gì để tôi nhượng nó cho ai khác dù với bất cứ giá nào”. Theo lời kể, ông Hùng là dân Sài Gòn “chính gốc”. Năm 22 tuổi,  nghệ nhân tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Từ đó, ông theo công trình xây dựng phiêu bạt khắp nơi. Việc ông gắn cuộc đời với nghiệp chơi đá vốn là tình yêu được tích tụ theo thời gian. Ban đầu, ông thích sưu tầm những hòn đá có hình thù đẹp, độc, lạ. Thế nên, công trình đi tới đâu, người nghệ nhân lại xới tung sông, suối, núi, rừng ở đó tìm đá. Thấy anh chàng kỹ sư mê đá đến điên dại, đồng nghiệp và bà con địa phương từng cười khẩy bảo anh bị “hâm”. Nhưng rồi, họ dần hiểu tâm ý và ủng hộ anh hết mình.

Như con kiến cặm cụi tha mồi, số lượng đá quý ông sưu tập nhân lên nhanh chóng. Càng về sau, ông lập gia đình, điều kiện kinh tế khá lên lại dành trọn niềm đam mê với đá. Ông tự bỏ tiền túi lang thang khắp nơi tìm đá, thu mua đá rồi thuê xe chở về chất từng tầng, lớp lớp khắp nhà. Vì lỡ yêu người chồng “gàn dở” nên vợ ông cũng cố gắng chu toàn mọi chuyện để chồng vùng vẫy cùng đam mê. Giờ thì 2 người con nghệ nhân Hùng đều trưởng thành, yên bề gia thất. Riêng ông cứ cặm cụi đi tìm đá, thực hiện giấc mơ “đánh thức” đá, biến đá thành cuốn sách truyền thụ cho thế hệ con cháu tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc trường tồn của cha ông.

Tấm “thạch đồ” của lòng yêu nước

Dẫn chúng tôi lên căn gác gỗ rộng lớn, ông Hùng tự hào khoe về công trình nghệ thuật để đời của mình. Trước mặt chúng tôi là hình tấm đại bản đồ đất nước Việt Nam thân yêu, với đầy đủ tên huyện, thị, tỉnh thành, biển đảo. Tấm bản đồ có chiều dài 17m, chiều rộng 8m, tổng diện tích lên tới con số 136m2.

Đây thực ra chỉ là bộ khung của tấm “Đại thạch đồ” mà theo nhận xét của ông Hùng là sẽ đạt kỷ lục Việt Nam với danh hiệu tấm bản đồ được ghép bằng nhiều tảng đá lớn nhất trong tương lai. Người nghệ nhân dự kiến hoàn thành tấm “Đại thạch đồ” trong vòng 2 năm nữa và hiến tặng nó cho bảo tàng tại TP.HCM trưng bày. Ông mong việc làm nhỏ bé sẽ góp phần làm sục sôi thêm lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong thế hệ con cháu.

“Đại thạch đồ” của ông Hùng được tạo tác bởi 720 miếng đá, tượng trưng cho 720 huyện, thị trong 64 tỉnh thành khắp cả nước. Điều đặc biệt, những tảng đá phải gọt dũa để phù hợp với tỷ lệ diện tích mỗi huyện, thị. Không những thế, mỗi tảng đá được lấy từ chính quê gốc và ăn khớp với đặc trưng thổ nhưỡng từng vùng.

Nghệ nhân Hùng khẳng định: “Nghĩa là khi người dân huyện đó nhìn vào phiến đá sẽ biết chắc chắn đó là cấu tạo đá chủ yếu của huyện mình, không lẫn vào đâu được. Để nắm rõ đặc điểm, phân biệt các phiến đá, tôi phải tự tay tuyển chọn, phân tích kỹ càng mới dám thu mẫu vật”.

Th d (1).JPG

"Đại Thạch đồ" tạo tác bởi 720 miếng đá, tượng trưng 720 huyện, thị của 64 tỉnh thành - Ảnh: Huy Hùng

Như thế đòi hỏi người sưu tập phải am hiểu đá, nắm bắt được quá trình vận động cấu tạo thổ nhưỡng của từng vùng đất. Điều này thì ông Hùng được xem là chuyên gia hàng đầu. Nghệ nhân tài hoa này từng cho xuất bản cuốn sách hướng dẫn phân tích về các loại đất, đá, bản đồ phân bố đá… Cuốn sách được dân trong nghề nồng nhiệt đón nhận và xem như “kim chỉ nam” trong việc học thú chơi đá. Đối với ông Hùng, hiểu đá để chọn là điều vô cùng khó khăn, song phải tự mình đặt chân lên 720 huyện, thị trên khắp cả nước mới là thử thách cam go nhất.

Ông Hùng nói: “Khi manh nha ý tưởng làm bức “thạch đồ”, tôi có bàn bạc với bạn hữu, mạnh thường quân nhờ hỗ trợ kinh phí nhưng tất cả đều cho rằng đây là điều không tưởng mà quay lưng bỏ đi. Kiên quyết thực hiện tâm nguyện lớn nhất đời, tôi một mình cần mẫn và hoàn thành từng công đoạn.

Thực ra, từ hồi thanh niên, tôi đã phiêu bạt khắp nơi sưu tập đá nên có rất nhiều mẫu sẵn. Chỉ những huyện nào chưa đặt chân đến, giờ tôi mới phải đi sưu tập lại. Hơn 10 năm lăn lộn, tôi đã tập trung đủ 720 phiến đá đúng yêu cầu. Công đoạn còn lại là lắp ghép, hoàn thiện bức “thạch đồ”. Tuy nhiên, nó không hề đơn giản, dự kiến tôi phải mất thêm 2 năm nữa mới xong tác phẩm tuyệt vời này”.

Trong câu chuyện của mình, ông Hùng khẳng định người có tác động lớn nhất giúp ông tìm thấy “ánh sáng niềm tin”, vượt qua mọi khó khăn chính là vị cố Thủ tướng kính yêu Võ Văn Kiệt. Sau năm 2000, nghệ nhân Hùng lúc này đã nổi danh trong nghề chơi đá thường được bác Sáu Dân (bí danh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) gọi lên đàm đạo chuyện nhân tình thế thái và thú chơi sinh vật cảnh.

Trước đó, ông Hùng nhờ hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trong công việc nên được gặp gỡ cố Thủ tướng mấy lần. Ông Hùng kể: “Suốt đời, tôi nhớ mãi những lời dạy đầy ân cần của bác Sáu Dân, bác bảo dù mình làm bất cứ việc gì chỉ cần có niềm tin, có lòng yêu nước, cống hiến hết mình cho công việc là đã góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Tôi chơi đá, sưu tập đá nên quyết tâm đến cuối đời phải để lại cho hậu thế một công trình bằng tất cả tâm huyết. Tôi xem lời bác Sáu Dân dạy như là “kim chỉ nam” để vượt qua vất vả, cam go”.

Ông Hùng tâm sự, mục đích xây dựng bức “Đại thạch đồ” thứ nhất là để đúc kết hành trình dấn thân theo nghiệp sưu tầm đá. Ông muốn lưu giữ mọi khoảnh khắc đã hy sinh cho đam mê. Mỗi tảng đá sẽ gợi cho nghệ nhân về những giọt mồ hôi đổ xuống, gợi lại cho ông về vùng đất, con người đi qua. Nó nhắc ông nhớ về tình cảm mà nhân dân sở tại, những con người dù không quen biết nhưng vì tình đồng bào thiêng liêng luôn sẵn sàng giúp đỡ nghệ nhân hoàn thành công việc…

Điều quan trọng nhất ở bức “thạch đồ” là ông muốn hướng đến thế hệ con cháu, qua đó biết trân trọng từng tấc đất, khoảng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Mỗi phiến đá như hơi thở của quá khứ vọng đến tương lai, như máu xương cha ông hòa quyện để dệt nên núi sông vẹn toàn. Nghệ nhân tin những bạn trẻ nhìn vào hình khối trên bức “Đại thạch đồ” sẽ hiểu đất nước xinh đẹp này là kết tinh của một dân tộc đoàn kết và yêu chuộng tự do, hòa bình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày