Đọc “Tâm kinh mình thuyết cho mình”

Quyển sách "Tâm kinh mình thuyết cho mình" vừa được NXB Dân Trí và Saigon Books tái bản có chỉnh sửa vào cuối tháng 3-2021
Quyển sách "Tâm kinh mình thuyết cho mình" vừa được NXB Dân Trí và Saigon Books tái bản có chỉnh sửa vào cuối tháng 3-2021
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Đọc "Tâm kinh mình thuyết cho mình" chợt nhận ra mình vẫn chưa đón nhận bản thân một cách sâu sắc, đôi lúc chúng ta phớt lờ đi những hạt cỏ tham - sân - si đang sinh sôi nẩy nở trong “phước điền” của mình, đôi khi chỉ từ một ý niệm thoáng qua.

Chúng ta hay đổ lỗi cho hoàn cảnh trước những điều bất như ý, rồi lẩn quẩn trong khổ. Chúng ta hay để đời sống bên ngoài cuốn đi đến nỗi quên mất rằng trong lòng mình cũng chứa đầy những cơn gió lành thổi mát cho tâm hồn của mình.

Chúng ta không nhận ra được con đường thoát khổ luôn hiện diện bên trong mình, với đầy đủ những chất liệu tốt đẹp mà ta có thể sử dụng. Đức Phật có dạy: “Người là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa?”. Có lẽ ai học Phật đều hiểu rằng mỗi người chúng ta, đều mang trong mình khả năng để trở thành Phật bằng sự tu học, bằng trí tuệ và nỗ lực của bản thân.

Tôi nghĩ, Tâm kinh mình thuyết cho mình không đơn thuần là những lời tâm tình cho chính mình của tác giả. Khi đọc sách của Lưu Đình Long, chúng ta cần phải đặt nội dung của sách vào một hệ tư tưởng, mà tôi cho rằng, xuyên suốt những bài viết đó vẫn không nằm ngoài chân lý của Tứ diệu đế (Khổ - Tập - Diệt - Đạo). Cái hay, cái đẹp của sách ở chỗ là hệ tư tưởng đó được viết lại bằng những lời tâm tình với thân - khẩu - ý của chính tác giả, ở chỗ kết hợp nhuần nhuyễn giữa thái độ, tinh thần của người học Phật trong hệ tư tưởng đó. Và quan trọng hơn, là thái độ trước thực tiễn, sử dụng nó để quán chiếu bản thân, để từ đó mỗi người trước hết có thể tìm về nương tựa chính mình, rồi sau đó mới có thể giúp đỡ chia sẻ đến người khác.

Nếu như Đắc nhân tâm chỉ cách người ta “đối ngoại”, thì Tâm kinh mình thuyết cho mình chỉ mình cách “đối nội”. Cách “đối nội” ở đây không phải với một cá nhân nào khác, mà là chính mình. Đối nội ở đây không phải ở chỗ mổ xẻ bản thân mình để phê bình hay chỉ trích, mà là nâng niu bằng những lời vỗ về để xoa dịu muộn phiền. Một lần nữa, người đọc nhận ra ẩn bên dưới những lời tâm tình đó chính là những phạm trù của Bát Chánh đạo (Chánh kiến - Chánh tư duy - Chánh ngữ - Chánh nghiệp - Chánh mạng - Chánh tinh tấn - Chánh niệm - Chánh định), để hướng con người tìm đến an tĩnh và trí tuệ trọn vẹn trong những thời khắc của hiện tại.

Tâm kinh mình thuyết cho mình vừa được tái bản có chỉnh sửa bởi Nhà xuất bản Dân Trí và Saigon Books. Trước đó, năm 2014, Tâm kinh mình thuyết cho mình được Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày