Đôi bàn tay khéo léo

Giác Ngộ - Đôi bàn tay của chúng ta có khả năng cầm nắm mọi thứ và làm tất cả các công việc như lái xe, nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa, sử dụng computer, cắm hoa, viết thư pháp, nâng chén uống trà…

Mỗi khi một bộ phận nào trên thân thể có nhu cầu, thì đôi bàn tay đáp ứng ngay mà không chần chừ, do dự hay là phân biệt, tính toán. Đôi bàn tay thật dễ chịu, ngoan hiền và chấp nhận dưới sự điều động của tâm ý cho dù việc làm ấy có nặng nề hay là dơ bẩn.

bantay1.jpg

Có biết bao nhiêu là cái đẹp giữa cuộc đời này, đã nhờ đôi bàn tay làm nên. Những dãy nhà cao tầng đồ sộ, con đường chạy dài trải nhựa bóng loáng sạch đẹp, hàng cây xanh tươi bên đường, những cánh đồng ruộng bát ngát thơm mùi lúa chín…, tất cả cũng đều do đôi bàn tay cần cù, siêng năng làm ra cả.

Mỗi khi thân thể bị đau nhức, mỏi mệt thì đôi bàn tay tự động xoa bóp làm cho vùng bị nhức mỏi ấy được lắng dịu, thư thái và trở nên khỏe khoắn. Khi thân ta đi đứng bất cẩn bị té ngã, thì đôi bàn tay lập tức chống đỡ để bảo vệ an toàn cho thân thể, mà ý thức chưa kịp thời chỉ dẫn, điều động.

Mặt khác, đôi bàn tay còn biết chăm sóc cho nhau. Mỗi khi cánh tay phải bị tai nạn chấn thương, thì bàn tay trái tự động ân cần chăm sóc và thay thế làm tất cả mọi công việc nặng nhọc, nhưng nó không bao giờ phân biệt hay tính toán. Chao ôi! Đôi bàn tay thật là khéo léo tuyệt vời biết bao!

Tuy đôi bàn tay làm nhiều việc như vậy, nhưng nó vô tư và rất là tự do. Bởi khi có công việc đến thì làm, xong rồi là chẳng cần nắm giữ lại cái gì cả, vì thế nên nó luôn luôn được rảnh rang. Và nhờ không cầm giữ một vật gì trong tay, nên đôi bàn tay mới có công năng cầm nắm và làm tất cả mọi việc. Nếu như hai bàn tay đang nắm giữ khư khư một vật gì đó, cho dù là vàng bạc hay những thứ quý giá khác mà không chịu để xuống, vậy thì đến khi đói bụng làm sao ăn cơm hay uống trà được? Cho nên, sở dĩ đôi bàn tay có khả năng làm được nhiều việc khác nhau như thế, là nhờ nó biết buông xuống ngay sau khi đã làm xong công việc. Đó là sự khéo léo, diệu dụng và thông minh của đôi bàn tay.

Trong khi đó, tâm ý ta lại tệ hơn đôi bàn tay, mặc dù nó là đại diện cho cả một thân thể của con người, và đóng vai trò chủ đạo đứng đầu trong tất cả các giác quan. Khi có vấn đề xảy ra, tâm ta không biết cách để giải quyết thông minh như đôi bàn tay. Bởi nó nặng nề thói quen chấp thủ và ôm ấp những nhận thức mà trước đó đã thu nhận được. Thói quen lưu giữ, cố chấp, vướng mắc những việc đã qua và mơ tưởng, nôn nóng với những gì chưa đến là căn bệnh khó chữa ở tâm ý của con người. Vì thế cho nên, khi vua Lê Dụ Tông (1706-1729) tới hỏi đạo lý với Thiền sư Hương Hải, thì vua được thiền sư dạy cho bài kệ rằng:

Nhạn quá trường không,

Ảnh trầm hàn thủy.

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch nghĩa:

Nhạn liệng giữa không,

Bóng chìm dưới nước.

Nhạn không để dấu ở lại,

Nước chẳng lưu bóng làm chi.

(HT.Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, tr.186)

Đại ý của bài kệ mà Thiền sư Hương Hải muốn nói với vua rằng, việc gì tới thì tùy vào đó để giải quyết, nhưng sau khi đã hoàn thành công việc, thì ta phải biết buông ra để cho tâm hồn rảnh rang, vô sự. Cũng giống như con chim kia nó bay ngang qua hồ nước, nhưng không để lại dấu vết gì trong hồ cả, và ở dưới hồ nước ấy cũng chẳng lưu giữ hình bóng con chim mà làm chi. Vì vậy, hồ nước luôn luôn giữ được sự trong xanh, tĩnh lặng và có một không gian thênh thang, yên bình.

Lời dạy của thiền sư rất cụ thể rõ ràng, tuy đơn giản nhưng lại thật là sâu sắc. Bởi lời dạy ấy, ở nơi mỗi con người của chúng ta thường hay bị mắc phải. Tâm lý vướng bận và tự hào về thành quả của mình làm ra, đồng thời muốn chiếm hữu và gìn giữ với những gì ta ưa thích, thì hầu như đó là căn bệnh muôn thuở của kiếp người. Chúng ta cần phải biết rằng, mỗi khi trong tâm mình bị ràng buộc bởi những ưu tư, lo lắng, giận hờn, trách móc, ghen tị… thì yếu tố hạnh phúc, an vui sẽ vắng mặt. Tâm không được rảnh rang, tự do như đôi bàn tay thì sự hiểu biết sẽ bị hạn hẹp, cục bộ và trở nên nhận thức sai lầm, phiến diện về hoàn cảnh hiện thực. Do đó mà ta không thấu hiểu được tâm trạng của những người thân chung quanh một cách sâu sắc, nên tình cảm dễ dàng bị đổ vỡ, chia lìa. Ta cứ ngỡ rằng những quan điểm, nhận thức của mình là hoàn toàn đúng nên tỏ ra tự mãn, xem thường người khác. Nào ngờ đâu, những kiến thức khô cứng ấy, không đủ khả năng để tháo gỡ những bế tắc mà ta thường bị vướng kẹt trong đời sống hàng ngày. Vạn vật vốn luôn luôn thay đổi và mới mẻ, nhưng do cái nhìn hạn hẹp, cục bộ nên ta thấy chúng là thường còn, vì thế sinh tâm tham muốn, chấp thủ. Cũng do thói quen phản kháng của bản ngã thường áp đặt và làm méo mó cái thực tại đang là, nên ta không đủ khả năng sáng suốt để thấy rõ được giá trị đích thực của sự sống.

Mỗi ngày, bạn nên nhìn vào đôi bàn tay của mình để thấy được sự khéo léo thông minh và tự do của nó. Từ cái nhìn ấy, sẽ giúp cho bạn soi chiếu lại chính mình, và để lắng nghe từng dấy khởi ở nơi thân tâm, đồng thời giúp cho bạn thấy rõ được những thói quen dựng lập của bản ngã. Mỗi khi tâm tư bạn được lắng đọng thanh tịnh, tuệ giác được thắp lên thì quy trình chấp thủ của cái ta sẽ được phá vỡ, và lúc bấy giờ những bận rộn, bon chen, tranh giành và chấp thủ tự động rơi rụng, một cái nhìn mới về cuộc đời được biểu hiện. Bạn sẽ thấy đất trời, cỏ cây, hoa lá, cơn mưa, dòng suối… đều phải nương tựa vào nhau để sinh trưởng, nhưng chúng chẳng cần phải gìn giữ hay vướng kẹt. Đám mây trắng vẫn thong dong bay đi tự tại, dòng sông thì đêm ngày êm ả chảy ra biển khơi, và khi hội đủ điều kiện thì cơn mưa xuất hiện để hiến tặng sự mát mẻ, xanh tươi cho cỏ cây và hoa lá. Vạn vật thiên nhiên trong vũ trụ làm việc với nhau một cách hài hòa như vậy, nhưng chúng vẫn thong dong và tự tại từng cá thể.

Để có cái nhìn sâu sắc vào trong đời sống hàng ngày nhằm đem lại niềm an vui và hạnh phúc thì bạn cần phải biết trở về với chính mình để nhận diện những gì đang xảy ra ở thân tâm và hoàn cảnh hiện tại một cách khách quan, rõ ràng và trung thực. Nhờ tiếp xúc sâu sắc với thực tại đang là, nên những ý niệm lo lắng, buồn tủi của quá khứ và những ảo tưởng, trông ngóng đến tương lai không có cơ sở để sinh khởi, do đó tâm bạn được an bình và thư thái. Mỗi khi tâm ý được tĩnh lặng, trong sáng thì sự hiểu biết và tình thương sẽ được biểu hiện. Mà điều kiện tất yếu để có được an vui, hạnh phúc là hiểu và thương!

Do vậy, chúng ta không dại khờ gì mà ôm ấp, cưu mang những ưu tư, lo sợ, buồn tủi, trách móc, ghen tị… làm che lấp cả tâm hồn để rồi tạo nên khổ đau, hệ lụy. Phải biết buông xuống như đôi bàn tay khéo léo; việc gì tới thì giải quyết, xong rồi là buông ra chẳng cần nắm giữ lại cái gì cả. Nếu như trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, biết vận dụng khéo léo như đôi bàn tay, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được an lành và hạnh phúc! L

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày